Trường THPT Nguyễn Gia Thiều trả lại tiền hồ sơ cho học sinh

GD&TĐ - Theo phản ánh của phụ huynh học sinh lớp 12, khóa học 2015-2018 trường THPT Nguyễn Gia Thiều – TP Hà Nội, về việc sau khi có kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, học sinh đến trường làm thủ tục nhận giấy tờ và học bạ, mỗi em phải nộp 30.000 đồng cho nhà trường.

Trường THPT Nguyễn Gia Thiều trả lại tiền hồ sơ cho học sinh

Khi biết con em mình phải nộp số tiền nêu trên mà không rõ là khoản gì theo quy định, phụ huynh đã gửi đơn đến Tòa soạn Báo GD&TĐ thắc mắc. Để làm rõ khoản thu trên của trường THPT Nguyễn Gia Thiều, PV đã liên hệ trao đổi với thầy Lê Trung Kiên – Hiệu trưởng nhà trường.

Thầy Lê Trung Kiên cho biết, khi nắm bắt được sự việc, “tôi đã mời cô Mai Trúc Giang – cán bộ văn phòng, lên để làm rõ sự việc và yêu cầu trả lại số tiền đã thu của học sinh” – thầy Kiên nói.

Theo văn phòng nhà trường, số tiền 30.000 đồng là tiền túi đựng hồ sơ cho các em và tiền photo thêm cho mỗi em thêm hai bản giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Do mỗi em chỉ được nhà trường cấp 1 bản giấy chứng nhận tốt nghiệp, nên lớp trưởng các lớp cũng đề nghị văn phòng nhà trường photo giúp mỗi em thêm 2 bản nữa.

Được biết, đề xuất thu 30 nghìn để mua túi đựng và photo thêm giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời là của lớp trưởng các lớp đưa ra và đề nghị với văn phòng nhà trường. Cô Giang cũng chưa có thỏa thuận và lấy ý kiến của từng học sinh, dẫn đến một số những thắc mắc của phụ huynh học sinh.

Ngay khi nắm bắt được sự việc, Hiệu trưởng nhà trường đã yêu cầu cô Giang hoàn trả toàn bộ số tiền cho các em học sinh, sau đó báo cáo lại nhà trường.

Chia sẻ với PV, cô Giang phân trần: “Do tôi chủ quan trong công tác lấy ý kiến của học sinh, điều này cũng làm ảnh hưởng đến nhà trường. Để khắc phục, tôi đã phải bỏ tiền túi để bù vào số tiền mua túi hồ sơ và photo thêm Giấy chứng nhận tốt nghiệp cho các em. Đây cũng là bài học để tôi rút ra sau này, phải cẩn thận hơn nữa”.

Dẫu biết, việc làm của cô Giang là lo lắng, muốn tốt cho các em, đảm bảo các giấy tờ của các em không bị rơi rớt và các em có thêm giấy chứng nhận để có thêm nhiều cơ hội nộp hồ sơ vào nhiều trường.

Tuy nhiên, việc cô Giang không thỏa thuận với từng học sinh mà chỉ thông qua lớp trưởng, dẫn đến không được sự đồng tình của phụ huynh, cũng như việc phụ huynh không hiểu tại sao con em phải đóng số tiền đó. Đây cũng là bài học kinh nghiệm không chỉ với cô Giang mà còn là bài học kinh nghiệm cho nhiều cán bộ văn phòng của các nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ