Hà Nội: Các trường ngoài công lập đồng ý trả lại "phí giữ chỗ"

GD&TĐ - Tại buổi họp báo chiều 11/7, ông Lê Ngọc Quang- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Đến nay, hầu hết các trường ngoài công lập khi tuyển sinh thu “phí giữ chỗ” đã đồng ý trả lại khoản tiền này cho phụ huynh.

Ông Lê Ngọc Quang- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội
Ông Lê Ngọc Quang- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội

Những ngày qua, câu chuyện tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội đang nóng lên bởi những bức xúc của phụ huynh về việc một số trường ngoài công lập yêu cầu đóng các khoản "phí giữ chỗ" khi nộp hồ sơ.

Tuy nhiên khi rút hồ sơ, họ sẽ không được trả lại khoản tiền này hoặc chỉ được hoàn lại một phần trong số đó. Số tiền mà phụ huynh phải nộp để giữ chỗ cho con mình ở một trường lên đến 6 triệu đồng, là một số tiền không nhỏ.

Việc các trường THPT ngoài công lập đề ra khoản "phí giữ chỗ”, với mục đích giữ chân học sinh, gây bức xúc đối với các phụ huynh. Tuy nhiên, lãnh đạo một số trường cho rằng, họ không sai khi thực hiện thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh học sinh.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và sau đó đã có văn bản yêu cầu các trường này trả lại tiền cho phụ huynh.

"Đây là trách nhiệm quản lý nhà nước đã được Nhà nước giao cho Sở. Trong các văn bản Sở ban hành, có văn bản chỉ đạo chung trong toàn ngành và cả các văn bản cá biệt đối với từng đơn vị"- ông Lê Ngọc Quang- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết.

Về những khoản tiền các trường ngoài công lập được phép thu, trong Nghị định số 69/2008/ NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/5/2008 có quy định các trường ngoài công lập được phép thực hiện 5 khoản thu trong nhà trường. Trong 5 khoản thu này không có khoản nào là “phí giữ chỗ”, “phí ghi danh”.

Trong Nghị định 86 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân cũng quy định các trường ngoài công lập được tự quyết quyền thu phí và lệ phí, tự quyết mức thu học phí nhưng không hề có khoản nào là “phí giữ chỗ” như các trường đã thực hiện vừa qua.

Như vậy, các trường ngoài công lập đặt ra các khoản thu đó là không đúng và việc Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường dừng thực hiện các khoản thu đó, phải trả lại tiền cho học sinh là đúng quy định, đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, ứng xử của các trường khi gây khó khăn cho phụ huynh rút hồ sơ, không trả lại tiền là thiếu tính nhân văn. Nhất là việc các trường biện minh bằng cách áp đặt việc này như thỏa thuận mua bán với cách dùng từ "hợp đồng", "đặt cọc"… không phù hợp với môi trường giáo dục.

Ông Lê Ngọc Quang đặt câu hỏi: Nếu một học sinh vào học trong trường chỉ vì không muốn mất “phí giữ chỗ”, hay một học sinh đi học trường khác mà đành chấp nhận mất khoản “phí giữ chỗ” đã đóng trước đó thì các học sinh đó sẽ nghĩ như thế nào về nhà trường, về giáo dục?

Các trường được phép tự chủ, nhưng tự chủ trong giáo dục thì phải đạt được mục tiêu của giáo dục, trong đó quan trọng nhất là cung cấp tri thức và giáo dục nhân cách. Nếu đặt kinh tế thị trường của việc mua bán vào trong nhà trường thì rất khó khơi dậy, giáo dục về nhân cách trong học sinh.

Và thực tế trong những ngày vừa qua, hầu hết các trường thu "phí giữ chỗ” đã trao đổi với lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và hứa sẽ trả lại tiền cho phụ huynh. Như vậy, việc các trường trả lại "phí giữ chỗ" cho cha mẹ học sinh là đạt lí, thấu tình và phù hợp với thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.