Trường THCS Thanh Yên: Vượt khó 'hái quả ngọt'

GD&TĐ - Trong điều kiện còn muôn vàn khó khăn song thầy trò trường THCS Thanh Yên đã nỗ lực vượt khó để "hái" nhiều "quả ngọt".

Tập thể cán bộ giáo viên và đại biểu, hội cha mẹ học sinh dự Tọa đàm kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2023.
Tập thể cán bộ giáo viên và đại biểu, hội cha mẹ học sinh dự Tọa đàm kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2023.

Những ngày đầu tháng 8, khi học sinh, giáo viên của các trường học đang chuẩn bị mọi công việc cho năm học mới như dọn vệ sinh, tu sửa cơ sở vật chất, đón học sinh tựu trường ổn định lớp, học các nội qui trường lớp …. Để bước vào năm học mới với nhiều hứa hẹn, mong chờ. Trường THCS Thanh Yên (xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cũng vậy, ngoài công việc thường nhật đó năm nay lại có thêm khó khăn mới.

Đến giữa tháng 8, nhà trường được thông báo thực hiện gói thầu sửa chữa lớp học của trường, hai dãy nhà 2 tầng 16 phòng học. Đây là niềm vui lớn cho nhà trường cũng là những thách thức cho năm học mới.

thcs-thanh-yen.jpg
Một buổi sinh hoạt tập thể của học sinh nhà trường.

Quả thật, hai dãy nhà 2 tầng có 16 phòng học được xây dựng từ năm 2004, đã 20 năm nên xuống cấp trầm trọng, hệ thống điện bị hỏng, các cánh cửa sổ, cửa chính làm bằng gỗ bị cong vênh, mối mọt, hỏng hóc rơi rụng, nhiều lớp học ở nhà tầng cửa sổ hỏng hết, khi dông, bão bụi, mưa hắt vào từ 3 cửa sổ làm ướt hết cả lớp học. Cửa chính thì lung lay, luôn trực rụng… những hôm mùa đông gió lùa vào lớp học rét buốt, ảnh hưởng lớn đến việc dạy học của giáo viên và học sinh.

Khi được báo tin có gói thầu sửa chữa lớp học cả giáo viên, phụ huynh, học sinh đều vui mừng các em sẽ có lớp học khang trang, an toàn. Nhưng kèm theo đó là nỗi lo bởi còn chưa đầy một tháng nữa năm học mới bắt đầu. Việc sửa chữa lớp học sẽ không kịp. Vậy việc học sẽ như thế nào? Có phải tạm dừng không? Hay đợi sửa xong lớp mới học để đảm bảo an toàn cho học sinh?

Trước trăn trở này, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo khắc phục vượt khó để dạy học. Sau khi họp với ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường lên phương án cùng đồng lòng quyết tâm thực hiện. Trường chuyển học hai ca sáng - chiều; trước mắt dọn dẹp học tại các phòng học tầng dưới, còn tầng trên vẫn thi công sửa chữa. Khi nào các lớp tầng trên sửa xong sẽ chuyển lên tầng trên học và thi công sửa chữa tầng dưới.

thcs-thanh-yen-3.jpg
Cô Nguyễn Thị Phương (áo vàng) và học sinh Nguyễn Thành Luân trong lễ trao giải tại trường.

Và khó khăn lại phát sinh khi học sinh rất hiếu động vừa học vừa thi công sửa chữa liệu có an toàn…(?). Từ thực tế đó, nhà trường đã cùng giáo viên, phụ huynh tuyên truyền cho học sinh không được nô đùa, chơi ở khu vực thi công; học những qui định cấm trong thời khắc này để đảm bảo an toàn, thực hiện chăng dây ở những nơi nguy hiểm, đặt biển báo cấm vào…

Khi hết mỗi tiết học, giáo viên phải trông học sinh trong 5 phút giải lao để các em không nô đùa, chạy nhảy dẫn đến nguy hiểm. Khi giáo viên tiết mới lên thì mới được bàn giao lớp. Dù vậy thì đây cũng chỉ là một trong số những khó khăn mà nhà trường gặp phải.

Khó khăn lớn nhất trong đầu năm học là công tác bồi dưỡng học sinh giỏi khối lớp 9. Tháng 8 trường lớp còn đang sửa chữa, tháng 10 đã thi cấp huyện, tháng 12 thi cấp tỉnh.. không có phòng học để ôn, giáo viên đi dạy hai ca sáng - chiều không còn thời gian ôn…

Chính trong những khó khăn này giáo viên và học sinh đã phát huy được những sáng tạo: các phòng chức năng tận dụng để ôn, giáo viên giao bài tập cho học sinh, ấn định trong thời gian tiết giáo viên lên lớp, học sinh phải làm xong, phải nộp bài. Khi hết tiết dạy, có tiết trống, giáo viên phụ trách ôn thi đến kiểm tra bài làm của các em, chữa bài. Ngoài ra các thầy cô còn ôn luyện online vào buổi tối; chính thời gian có ít, quý giá buộc học sinh phải hoàn thành bài tập trong thời gian ngắn theo qui định của giáo viên ôn luyện. Những buổi dạy trực tuyến ở nhà vào buổi tối, các thầy cô lại dạy những chuyên đề mới...

thcs-thanh-yen-1.jpg
Phòng GD&ĐT huyện Điện Biên tuyên dương những học sinh trong đội thi học sinh giỏi của trường.

Cứ như vậy thầy trò cần mẫn, kiên trì, nỗ lực ôn luyện. Sau hơn 2 tháng vừa sửa chữa lớp học, vừa ôn luyện; lớp học đã khang trang, học sinh học tập an toàn cũng là lúc kết quả thi học sinh giỏi báo về. Nhìn bảng điểm, đọc quyết định, cầm giấy chứng nhận trên tay thầy trò vỡ òa trong xúc động nghẹn ngào …. học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9 cấp huyện, các em trong đội tuyển đã đạt 9 giải thuộc các môn: Toán, Văn, Lý, Hóa, Sinh, tiếng Anh, Sử (trong đó có môn Toán, Văn đạt giải Ba ); cuộc thi học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9 cấp tỉnh, trường đạt 4 giải thuộc các môn: Toán, Văn, Sử (giải Nhì môn Toán, môn Sử đạt 2 giải Ba). Với kết quả này, trường THCS xã Thanh Yên đứng thứ 7/17 trường có học sinh dự thi.

“Quả ngọt” đã “chín” như sự báo đáp công lao của các thầy cô và nỗ lực của học sinh. Trong buổi lễ vinh danh trao giải, thầy trưởng Phòng GD&ĐT huyện Điện Biên - Đặng Quang Huy đã tặng thưởng riêng cho cô giáo phụ trách ôn tập môn Toán Nguyễn Thị Phương và em Nguyễn Thành Luân đạt giải nhì môn Toán cấp tỉnh mang niềm vinh dự, tự hào đến cho trường.

Trong buổi lễ vinh danh tại trường, thầy hiệu trưởng xúc động nói: “Trong khó khăn, trong gian khổ thì chúng ta lại nẩy ra những sáng tạo mới, cùng với lòng kiên trì, đồng lòng, quyết tâm ắt sẽ thành công”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.