Trường THCS Nguyễn Văn Linh (Hưng Yên): Mất chuẩn quốc gia vì cơ sở vật chất xuống cấp

GD&TĐ - Là trường đầu tiên của huyện Yên Mỹ, Hưng Yên được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào năm 2004; hết thời hạn 5 năm, khi đánh giá lại vào năm 2009, dù đạt 4/5 tiêu chuẩn nhưng Trường THCS Nguyễn Văn Linh vẫn bị thu hồi danh hiệu trường chuẩn quốc gia do cơ sở vật chất xuống cấp.

2 phòng học được huy động từ nguồn xã hội hóa
2 phòng học được huy động từ nguồn xã hội hóa

Cơ sở vật chất xuống cấp

Là một trường nằm trong top 40 trường THCS đạt chất lượng tốt của tỉnh Hưng Yên, năm học 2017 - 2018, Trường THCS Nguyễn Văn Linh có số học sinh xếp loại giỏi đạt 16%, học sinh xếp loại khá đạt 38%. Kỳ thi đầu cấp THPT năm 2018, hơn 70% học sinh đỗ vào các trường THPT công lập, đứng thứ 2 trong toàn huyện Yên Mỹ.

Thế nhưng, dù đạt được những thành tích cao trong công tác giảng dạy nhưng ngôi trường mang tên cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vẫn bị thu hồi danh hiệutrường chuẩn quốc gia được công nhận từ năm 2004.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Đỗ Lê Thạo - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Linh - cho biết: “Năm 2009, do thiếu tiêu chuẩn 4 về cơ sở vật chất, thiết bị theo quy định của Quyết định số 27/2001/QĐ-BGDĐT nên trường bị “tước” mất danh hiệu trường chuẩn quốc gia, dù trường luôn đạt 4/5 tiêu chuẩn.

Do thiết kế phòng học theo tiêu chuẩn cũ, nên diện tích các phòng học của trường chỉ đạt 1,2m2/1 học sinh, trong khi diện tích tiêu chuẩn hiện nay là 1,5m2/1 học sinh. Hơn nữa, các phòng học bộ môn Hóa học, Sinh học, Vật lý đều không có. Chỉ duy nhất có phòng bộ môn Tin học nhưng máy móc, trang thiết bị cũng chưa đảm bảo yêu cầu”.

Theo ông Thạo, trước đó nhà trường phải tích hợp phòng học với phòng bộ môn để được công nhận trường chuẩn quốc gia, sau đó trường được cấp kinh phí để xây dựng các phòng học bộ môn riêng biệt.

Dù Trường THCS Nguyễn Văn Linh có các phòng chức năng như: Phòng họp từng tổ bộ môn, phòng truyền thống, phòng Đoàn, Đội, nhưng diện tích không đủ để họp bàn, hay tổ chức các hoạt động tham quan, giáo viên bộ môn muốn họp tổ chuyên môn phải mượn phòng hội đồng.

Gần 20 năm trên cương vị hiệu trưởng, ông Thạo luôn trăn trở: “Tiêu chuẩn còn thiếu nhà trường không tự khắc phục được, bởi đó là đầu tư của huyện. Dù không đạt chuẩn quốc gia nhưng thành tích nhà trường các năm nay không thua kém gì các trường đạt chuẩn quốc gia. Đôi lúc tôi cũng xót xa vì giáo viên và học sinh không được học tập, giảng dạy trong điều kiện tốt nhất”.

Trường THCS Nguyễn Văn Linh
Trường THCS Nguyễn Văn Linh

Cần sớm được đầu tư

Trường THCS Nguyễn Văn Linh thuộc địa giới hành chính xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, là nơi tiếp giáp các khu công nghiệp gồm: Phố Nối A, Phố Nối B, Thăng Long II. Vì thế, những năm gần đây dân số trong xã tăng nhanh, điều này dẫn tới số lượng học sinh cũng ngày một tăng và diện tích khuôn viên của trường đến nay không đáp ứng theo tiêu chuẩn là 10m2/1 học sinh. Năm 2017, để đáp ứng đủ số phòng học, Trường THCS Nguyễn Văn Linh phải huy động xã hội hóa để có kinh phí xây dựng thêm 2 lớp học.

“Năm học 2018 - 2019, Trường THCS Nguyễn Văn Linh có tổng số 535 học sinh với 14 lớp học, vẫn đảm bảo tiêu chuẩn là 35 em/1 lớp. Tuy nhiên, với số lượng học sinh lớp 4, 5 của trường tiểu học hiện nay, tôi lo lắng những năm học sau nhà trường sẽ bị quá tải” – ông Thạo nói.

Bà Đào Thị Lệ Thúy – Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết thêm: “Do các phòng học được xây dựng cách đây hơn 30 năm, do vậy đã xuất hiện nhiều dấu hiệu xuống cấp. Nhà trường thường xuyên phải kiểm tra các phòng học, đặc biệt là mùa bão để kịp thời sửa chữa, đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Đã có lần những mảng bê tông rơi xuống, phòng học của các lớp khối 9 cũng xuất hiện dột nước. Thậm chí, nếu trời mưa to giáo viên phải mặc áo mưa để giảng dạy”.

Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của các phòng học, nhiều lần nhà trường đã đề nghị UBND huyện Yên Mỹ hỗ trợ kinh phí để tu bổ, xây dựng. Ông Thạo chia sẻ: “Năm nào chúng tôi cũng làm đơn kiến nghị được xây dựng lại, nhưng huyện không đồng ý cho xây mới, dù biết chính sách của địa phương là xây dựng từ dưới lên trên. Nhưng trước sự xuống cấp như vậy, chúng tôi rất mong UBND xã và UBND huyện sớm xem xét để giáo viên, học sinh được đảm bảo an toàn khi đến trường và yên tâm trong mọi hoạt động giáo dục”.

Với số lượng học sinh đang ngày một tăng như vậy, UBND huyện Yên Mỹ cần sớm xem xét việc xây dựng cơ sở vật chất đối với Trường THCS Nguyễn Văn Linh để tránh xảy ra những sự cố về an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.