Trường THCS Hoàng Quốc Việt, TPHCM: Hiệu trưởng bị tố sai phạm tiền tỷ

GD&TĐ - Một số giáo viên Trường THCS Hoàng Quốc Việt, Quận 7, TPHCM đã làm đơn tố cáo hiệu trưởng là bà Phạm Thị Hạnh. Theo đơn, bà Hạnh không minh bạch tài chính các khoản thu lên tới hàng chục tỷ đồng.

Trường THCS Hoàng Quốc Việt.
Trường THCS Hoàng Quốc Việt.

Nhiều năm thiếu dân chủ, công khai?

Theo đơn, nhiều năm qua các khoản thu của nhà trường đã không được hiệu trưởng công khai với tập thể. Đó là tiền dạy kỹ năng sống thu 80.000 đồng/học sinh (trường có 1.700 học sinh). Tiền dạy vi tính 60.000 đồng/tháng/1 học sinh.  Tiền dạy năng khiếu thu 60.000 đồng/học sinh/tháng. Tiền tiếng Anh tăng cường 60.000 đồng/tháng/1 học sinh. Tiền dạy hai buổi thu 80.000 đồng/học sinh/tháng…

Những khoản tiền trên, trường chỉ chi một phần nhỏ cho giáo viên làm công tác đứng lớp, hoạt động ngoại khóa… Số còn lại không thấy công khai tài chính và không biết đi về đâu. Đặc biệt, các khoản thu hoạt động khai thác kinh tế từ căng tin, bãi giữ xe học sinh của nhà trường cũng không thông qua tổ chức hoạt động đấu thầu. Trực tiếp do hiệu trưởng ký hợp đồng kinh tế 3 tháng/ 1 lần với đối tác.

Hiệu trưởng Phạm Thị Hạnh cũng bị tố trù dập người làm đơn phản ánh các sai phạm. Suốt 2 năm qua, cô V.T.N.H không được đứng lớp, bị cắt mọi khoản lương thưởng, không được làm thủ tục tăng bậc lương theo quy định. Dù theo lời cô V.T.N.H thì chưa một lần vi phạm quy chế, luôn được học sinh và phụ huynh tin tưởng.

Trong khi đó bà hiệu trưởng lại có dấu hiệu nâng đỡ không trong sáng một số cá nhân. Năm học 2019 - 2020, cô N.T.T.H - Tổ trưởng Tổ Địa - GDCD không đăng ký chiến sĩ thi đua đầu năm. Nhưng cuối năm bà Hạnh lại xét, đề bạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Việc bà Hạnh làm không thông qua Hội đồng thi đua nhà trường, Hội đồng sư phạm. 

Học sinh Trường THCS Hoàng Quốc Việt trên sân bóng.
Học sinh Trường THCS Hoàng Quốc Việt trên sân bóng.

Biến tài sản công thành tư?

Trao đổi về các thông tin mà đơn thư tố cáo nêu, bà Phạm Thị Hạnh cho biết do chưa được duyệt đề án căng tin, nhà xe nên trường chưa thực hiện được việc đấu thầu. Do vậy, vẫn duy trì đơn vị hợp đồng từ khi thành lập trường. Vướng mắc này đến từ việc đề án phải được Sở Tài chính thẩm định. Theo bà Hạnh, đây là tình hình chung của các trường.

Về việc xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cho cô N.T.T H, bà Hạnh cho biết đúng là không đăng ký từ đầu năm. Nhưng sau đó thấy cô có nhiều thành tích như bồi dưỡng học sinh giỏi, đưa học sinh giỏi đi thi… nên đã khuyến khích cô đăng ký và cô đã đăng ký bổ sung. Nhà trường có gửi email về kế hoạch cho Phòng Giáo dục ngay sau đại hội cán bộ, viên chức. Bà Hạnh khẳng định mình không làm sai và hẹn cung cấp minh chứng trong thời gian sớm nhất.

Đơn thư thể hiện, hiệu trưởng vi phạm công tác quản lý công sản. Bà không tổ chức đấu thầu, không công khai tài chính các hoạt động có nguồn thu từ sân bóng đá suốt một thời gian dài.

Người được giao quản lý và khai thác sân bóng đá là ông Nguyễn Thế Anh - Tổ trưởng Tổ thể dục. Hàng tháng ông Thế Anh tự thu học sinh mỗi em từ 500.000 (tuần học 2 buổi) - 1.000.000 đồng (tuần học 6 buổi). Nguồn thu từ sân bóng đá này lại không được chuyển về tài khoản nhà trường mà vào tài khoản ông Thế Anh.

Theo ghi nhận và kiểm đếm số học sinh theo học tại sân bóng đá hàng ngày cho thấy, các lớp 1 buổi đều trên 20 em. Trung bình một tuần có từ 6 - 10 lớp với gần 200 học sinh theo học. Việc thu tiền học sinh diễn ra xuyên suốt từ chiều thứ 2 đến chủ nhật. Nhẩm tính cũng có thể thấy doanh thu từ sân bóng đá hàng tháng là rất lớn.

Làm việc với Báo Giáo dục & Thời đại, bà Phạm Thị Hạnh thừa nhận các thiếu sót trong công tác quản lý công sản khi giao cho một cá nhân khai thác kinh tế từ sân bóng đá mà không qua đấu thầu theo quy định. Riêng về con số doanh thu hàng tháng từ sân bóng đá bà Hạnh thừa nhận không biết. Nhưng bà khẳng định chỉ thu 500.000 đồng/học sinh/1 tháng chứ không phải một tuần. Con số doanh thu từ sân bóng đá về tài khoản người quản lý sân bóng chứ không về tài khoản trường bà cũng xác nhận là đúng.

“Thực tế việc khai thác sân bóng đá tôi có đưa ra Hội đồng sư phạm nhà trường bàn bạc, lấy ý kiến từ năm 2019 và được mọi người thông qua. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là được mọi người thông qua thì giao cho ông Thế Anh làm. Với lại thời gian ban đầu không có nhiều học sinh theo học nên tôi cũng không để ý.

Sau này do công tác quảng bá của thầy Thế Anh tốt học sinh mới tham gia nhiều. Sau khi có đơn thư phản ánh và làm việc với Phòng Giáo dục, Liên đoàn Lao động Quận 7, biết có những sai phạm về quản lý tài sản công tôi đã cho đóng cửa sân bóng đá” - bà Hạnh nói.

Ông Ngô Xuân Đông - Trưởng phòng GD&ĐT Quận 7 cho biết, vụ việc giáo viên kiện cáo tại trường là có. Nhưng nội dung về sai phạm tại sân bóng đá (giao công sản cho cá nhân) ông mới nắm thông tin.

“Việc thu phí học sinh chắc là thu phí để hoạt động cho CLB bóng đá, các lớp học ngoại khóa. Thông tin nhà trường giao việc thu chi cho cá nhân thì tôi mới tiếp nhận và sẽ cho kiểm tra ngay. Có sai phạm sẽ chấn chỉnh. Nhưng về nguyên tắc các tài sản của Nhà nước thì không thể giao cho cá nhân hoặc cho thuê, cho mướn” - ông Đông nói.

Liên quan đến những thông tin ở Trường THCS Hoàng Quốc Việt, Luật sư Lê Bá Thường - Đoàn Luật sư TPHCM cho biết: “Nếu thật sự Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Quốc Việt, Quận 7, TPHCM giao hẳn sân bóng đá (một phần công sản) cho một cá nhân khai thác kinh tế không qua đấu thầu, không nộp và trích lại lợi nhuận phái sinh từ hoạt động kinh tế cho nhà trường là vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, gây thất thoát và thiệt hại cho Nhà nước”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.