Trường Nhật ngữ - Lò đào tạo nguồn nhân lực nước ngoài

Trường Nhật ngữ - Lò đào tạo nguồn nhân lực nước ngoài

 Để các trường Nhật ngữ trở thành cơ sở đào tạo nhân lực có chất lượng cao, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý và các biện pháp trợ giúp học viên nước ngoài.

Giấy thông hành vào đời

Vài năm trước, các phương tiện truyền thông Nhật Bản nói về sự gia tăng mạnh mẽ của học viên Việt Nam và Nepal trong các trường Nhật ngữ. Nhiều người trong số họ buộc phải kết hợp việc học tập với kiếm tiền. Quả thật, học viên ngoại quốc, ngoài những môn học chuyên môn, còn phải học tiếng Nhật. Việc kết hợp học tập tại một trường Nhật ngữ với chuẩn bị thi đại học và làm thêm là vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, có nhiều học viên các trường Nhật ngữ đã nỗ lực vượt khó, họ thi đỗ vào trường đại học mơ ước và đang làm việc ở Nhật Bản hoặc tại quê nhà. Một người Việt Nam hiện là phó giám đốc chi nhánh của một công ty Nhật Bản tại Việt Nam từng là người đưa báo. Anh thức dậy lúc 2 giờ sáng để đi giao báo, sau đó đến trường Nhật ngữ, rồi chuẩn bị thi vào đại học. Trong thời gian học đại học, anh đã nhận được giải thưởng “thủ lĩnh sinh viên”, còn khi làm nghiên cứu sinh, anh được nhận học bổng của Bộ Giáo dục và Văn hóa Nhật Bản. Người tiếp theo, một cô gái Việt Nam, học tại trường Nhật ngữ ở tỉnh Iwate, vừa làm việc tại nhà máy bánh quy sambei vừa chuẩn bị thi đại học. Cô đã thi đỗ một trường đại học công đúng nguyện vọng. Hiện, cô làm việc cho một công ty Nhật Bản ở Yokohama.

Giới thanh niên giàu có không đi du học Nhật Bản

So sánh số liệu thống kê ở các trường Nhật ngữ năm 2011 và 2018, cho thấy số lượng học viên tăng 3,5 lần, trong khi số lượng học viên Việt Nam tăng 29 lần, Nepal 9,4 lần. Giới thanh niên giàu có từ Việt Nam và Nepal thích du học ở Mỹ, một số khác học ở Úc, Anh và các nước nói tiếng Anh khác. Sự gia tăng mạnh mẽ số người xuất thân từ các quốc gia này tại các trường Nhật ngữ được xác định bởi sự thâm nhập mạnh mẽ của các công ty Nhật Bản vào thị trường Việt Nam. Nhưng lý do chính để nhiều người chọn Nhật Bản, nơi có rào cản ngôn ngữ tiếng Nhật, là định mức thời gian làm thêm trong thị thực sinh viên. Ở Nhật Bản, định mức này cao hơn nhiều so với các quốc gia khác, vì vậy bạn có thể đến học mà không cần nhiều tiền và kiếm sống bằng cách làm thêm. Ở Nhật Bản, học viên có thể làm thêm tới 28 giờ một tuần (vào các ngày lễ là 8 giờ/ngày). Trong khi ở Mỹ, học viên thường bị cấm làm thêm. Ở Úc, thời gian làm thêm của sinh viên là 40 giờ/2 tuần, trong khi ở Đức và Pháp là 18,5 giờ/tuần.

Thay đổi thành phần học viên

Số lượng học viên nước ngoài ở các trường Nhật ngữ ngày càng tăng
 Số lượng học viên nước ngoài ở các trường Nhật ngữ ngày càng tăng

Sau thảm họa thiên nhiên ở Nhật Bản vào tháng 3/2011, nhiều học viên Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (là các quốc gia và vùng lãnh thổ dùng chữ tượng hình), đã từ bỏ kế hoạch học tập tại Nhật Bản. Điều này đe dọa sự tồn tại của các trường Nhật ngữ, vì vậy họ đã tăng cường thu hút học viên từ các quốc gia khác và thành công nhờ thanh toán hoa hồng từ 70.000 - 150.000 yên (khoảng 30 triệu đồng) cho các đối tác địa phương với mỗi hợp đồng du học.

Trong số các đối tác địa phương đã xuất hiện các công ty chuyên tuyển chọn học viên, thu hút giới trẻ bằng cách quảng cáo mức thu nhập từ việc làm thêm tại Nhật Bản, cũng như các công ty giới thiệu việc làm tại Nhật Bản. Hiện nay, quốc gia này tăng cường kiểm tra đơn đăng ký của những người có nhu cầu đến Nhật Bản bằng thị thực sinh viên. Tuy nhiên, khi cấp thị thực sinh viên, cần kiểm tra cẩn thận không chỉ mức thu nhập, mà cả trình độ kiến thức, cũng như trình độ tiếng Nhật. Họ cũng xem xét việc áp dụng các biện pháp đặc biệt để giúp đỡ những học viên nghèo có kiến thức và động lực cao.

Hoàn cảnh khó khăn của học viên

Chưa kịp nắm vững ngôn ngữ một cách đầy đủ và chưa thích nghi với cuộc sống ở Nhật Bản, học viên các trường Nhật ngữ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thế nhưng, họ hầu như không được trợ giúp. Sở dĩ như vậy là vì hầu hết các trường Nhật ngữ không thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo dục do thiếu tư cách pháp nhân trong lĩnh vực giáo dục. Các trường Nhật ngữ phải đóng thuế tiêu dùng, học viên của họ không được cấp vé đi tàu, xe và hầu như không có cơ hội nhận học bổng.

Chúng ta hãy so sánh các khoản thu, chi hàng tháng của các học viên một trường Nhật ngữ từ các quốc gia và vùng lãnh thổ dùng chữ viết tượng hình và của những học viên xuất thân từ các quốc gia khác. Từ năm 2011 - 2017, số tiền của học viên Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan nhận được từ quê hương tăng 27%, trong khi của những người xuất thân từ các quốc gia khác giảm 24%; đồng thời tỷ lệ những người có nguồn thu nhập chính là làm thêm đã tăng lên. Chi phí ăn, ở của học viên Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan đang tăng lên, còn của học viên các nước khác lại giảm. Tiền ăn và sinh hoạt cá nhân của học viên từ các quốc gia không dùng chữ tượng hình là dưới 800 yên mỗi ngày (khoảng 170.000 VND), điều này cho thấy hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của họ.

Đa dạng hóa biện pháp trợ giúp học viên

Có thể lý giải việc giảm số tiền do người thân gửi đến, cũng như tổng chi phí ăn, ở của những người từ các quốc gia không dùng chữ tượng hình bằng sự tăng nhanh số lượng sinh viên Việt Nam, Nepal và các quốc gia khác có mức thu nhập tương đối thấp, cũng như dòng người trẻ từ các gia đình nghèo. Mệt mỏi với công việc làm thêm quá sức, một số người trong họkhông thể tập trung vào học tập,sau khi học xong vẫn không thành thạo tiếng Nhật, trở về nhà với sức khỏe thể chất và tinh thần suy yếu.

Không phải tất cả các trường Nhật ngữ đều đòi hỏi thành tích học tập của học viên. Một số trường chỉ cần nộp học phí và đến lớp. Tuy nhiên, các trường học tiếng là cơ sở để tiếp tục đào tạo và kiếm việc làm, chính điều này hình thành nên quan điểm của một học viên nước ngoài về Nhật Bản. Vì vậy, phải làm sao để bảo đảm học viên không phải chịu áp lực quá mức, cũng như đa dạng hóa các biện pháp hỗ trợ cho những học viên học tập một cách nghiêm túc.

So với các nước nói tiếng Anh, Nhật Bản ở thế bất lợi, vì vậy để bảo đảm một nguồn nhân lực với ba lợi thế “trẻ”, “có kiến thức chuyên môn”, “thông thạo tiếng Nhật” cần một chính sách nhập cư đặc biệt nhằm tăng số lượng sinh viên nước ngoài. Tầm quan trọng của chính sách này được xác định bởi các yếu tố như mức sinh thấp và dân số già. Để các trường Nhật ngữ trở thành lò đào tạo với ba lợi thế nói trên và làm cơ sở cho việc thực hiện chính sách nhập cư, cần phải cải thiện chất lượng giáo dục ở các trường này với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý và sự đa dạng hóa các biện pháp hỗ trợ học viên.

Theo Nippon.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.