(GD&TĐ) - Trong những năm gần đây, dưới tác động của công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình, số lượng học sinh tiểu học và THCS giảm đi rõ rệt. Nhiều trường THCS ngày càng thu hẹp về quy mô, có trường chỉ còn vài lớp. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ quản lý, tổng phụ trách đội, giáo viên chủ nhiệm vẫn phải duy trì khiến số GV/lớp vượt quá con số cho phép.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (Hưng Nguyên, Nghệ An) - trường liên xã chăm sóc bồn hoa |
Thực tế cho thấy, một số trường không thể bố trí một cách đồng bộ đội ngũ giáo viên cũng như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dành cho dạy và học. Trong bối cảnh ấy, để đảm bảo chất lượng giáo dục, việc quy hoạch lại mạng lưới trường lớp (thành lập các trường liên xã) ở một số địa phương là một nhu cầu cấp bách.
Năm học 1995 - 1996, Nghệ An có 388 trường THCS với 171.279 học sinh. Quy mô cấp THCS phát triển nhanh và đỉnh điểm là năm học 2002 - 2003: Cả tỉnh có 472 trường với 321.221 học sinh. Nhưng do nhiều yếu tố, nhất là kết quả của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, từ năm học 2003 - 2004, số học sinh THCS của Nghệ An bắt đầu giảm và đến năm học 2005 - 2006 còn lại 470 trường THCS với 306.897 học sinh, bình quân 40 học sinh/lớp.
Qua nghiên cứu từ các số liệu thống kê, Sở GD&ĐT Nghệ An dự báo: Trong vòng 5 năm tiếp theo, số học sinh THCS sẽ giảm khoảng trên 100.000 em, khi đó (năm học 2010 - 2011) cả tỉnh chỉ còn không đầy 200.000 em, nhiều trường THCS sẽ có quy mô nhỏ dưới 8 lớp và dưới 250 học sinh.
Thông thường, một trường THCS phải có từ 12 lớp trở lên thì mới có thể bố trí đủ và đồng bộ đội ngũ giáo viên. Còn ngược lại, vừa không thể bố trí đồng bộ đội ngũ giáo viên; vừa lãng phí đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ; lại vừa không thể tập trung đầu tư trang thiết bị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Và chắc chắn, việc lãng phí về kinh phí sẽ xảy ra, chất lượng giáo dục khó có thể nâng cao dù nhà trường, thầy và trò có đồng lòng cùng nhau cố sức.
Để đón đầu thực trạng này, ngày 11/7/2006, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2006 - 2010, trong phần “quy hoạch mạng lưới trường lớp” đã ghi rõ: “Sáp nhập các trường THCS có quy mô nhỏ thành trường cụm xã” và chỉ rõ địa chỉ từng trường ở 10 huyện, trong 4 năm học 2006 - 2010, sẽ sáp nhập 66 trường THCS thành 32 trường THCS.
Trường THCS Bá Ngọc (Quỳnh Lưu) |
Ngay sau khi ban hành, phần về giáo dục và đào tạo của Nghị quyết số 04-NQ/TU đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Năm học đầu tiên 2006 - 2007 thực hiện Nghị quyết này, cả tỉnh đã sáp nhập được 11 trường THCS thành 5 trường THCS. Sau 5 năm, đến năm học 2010 - 2011, sau khi đã sáp nhập, Nghệ An còn lại 424 trường THCS (giảm được 46 trường so với năm học 2005 - 2006) với 195.120 học sinh.
Tại thời điểm năm học 2012 - 2013, quy mô cấp THCS của Nghệ An gồm 412 trường THCS với 177.208 học sinh, bình quân 31,8 học sinh/lớp. Trong số đó có 46 trường liên xã, phần lớn là liên 2 xã, có trường liên 3 xã (Trường THCS Hưng – Thái - Nghĩa, huyện Nam Đàn; Trường THCS Nguyễn Biểu, huyện Hưng Nguyên), cũng có trường liên 4 xã (Trường THCS Lam Thành và Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Hưng Nguyên). Trường liên xã không phải chỉ có ở vùng miền xuôi, vùng miền núi mà có cả ở các huyện vùng cao như các trường THCS: Hạnh - Thiết, Tiến - Thắng, Bình -Thuận, Hoàn - Lãm (huyện Qùy Châu).
Huyện Hưng Nguyên có 23 xã, thị trấn. Năm học 2002 - 2003, cấp THCS của Hưng Nguyên có 21 trường với 11.683 học sinh. Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, huyện đã tiến hành sáp nhập các trường THCS có ít học sinh với nhau thành trường liên xã.
Đến năm học 2012 - 2013, quy mô cấp THCS của Hưng Nguyên gồm 11 trường với 187 lớp và 6.200 học sinh; trong đó có 7 trường liên xã (4 trường, mỗi trường liên 2 xã; 1 trường liên 3 xã và 2 trường, mỗi trường liên 4 xã). Trong số 11 trường, chỉ có 1 trường có 9 lớp, 2 trường mỗi trường có 12 lớp, còn lại 8 trường khác đều có từ 16 - 25 lớp.
Một tiết học ở Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (Hưng Nguyên) |
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Sĩ Đồng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hưng Nguyên, cho biết: Trong hơn 5 năm qua, Hưng Nguyên đã rất tích cực thực hiện việc sáp nhập các trường THCS có quy mô nhỏ thành trường liên xã.
Có thể nói, đến nay, mạng lưới các trường THCS của Hưng Nguyên đã đi vào ổn định. Do quy mô của các trường hợp lý nên có điều kiện để Phòng bố trí đồng bộ đội ngũ giáo viên cho từng trường; hiện tượng giáo viên dạy chéo môn (dạy môn mình không được đào tạo) được chấm dứt.
Trường nhiều lớp, đông học sinh, các hoạt động giáo dục, nhất là hoạt động ngoài giờ lên lớp cũng dễ tổ chức hơn, có không khí hơn. Rồi việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị không còn bị rải mành mành mà tập trung hơn, thuận lợi hơn, hiệu quả hơn. Khối các trường THCS của Hưng Nguyên có 189 phòng học thì đã có 164 phòng kiên cố, chỉ còn 20 phòng bán kiên cố và 5 phòng tạm.
Ngoài ra, còn có 11 phòng thư viện; 20 phòng thiết bị; 9 phòng học vi tính với 200 máy tính; 22 phòng thí nghiệm - thực hành; 24 máy chiếu phục vụ dạy và học…
Đây chính là những nguyên nhân góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của các trường THCS trên địa bàn Hưng Nguyên. Thực tế, trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2012 - 2013 của tỉnh, Hưng Nguyên đã vươn lên đứng thứ 6 trong số 15 huyện, thành phố, thị xã dự thi ở bảng A; thi vào lớp 10 trung học phổ thông vừa rồi, Hưng Nguyên được xếp thứ 7 trong số 20 đơn vị của cả tỉnh.
Minh Đức
TIN LIÊN QUAN |
---|