Trường hợp tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép bị xử lý hình sự thế nào?

GD&TĐ - Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết, người tổ chức cho các ca nhập cảnh trái phép đã làm lây lan dịch bệnh thì cần thiết phải áp dụng tình tiết tăng nặng là "lợi dụng tình trạng dịch bệnh để phạm tội".

Luật sư Nguyễn Hồng Thái.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái.

Thời gian gần đây, tình trạng nhập cảnh trái phép luôn là mối lo ngại trước những diễn biến hết phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới. Mới nhất, ngày 1/1, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố 5 đối tượng về hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép. Đây là các đối tượng trong đường dây tổ chức nhóm BN 1440 nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam, để trốn tránh cách ly và không phải khai báo y tế, kiểm dịch với cơ quan chức năng ngay cả khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp, Đoàn luật sư Hà Nội có cuộc trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ xung quanh vấn đề dư luận quan tâm rằng, người tổ chức cho các ca nhập cảnh trái phép (cụ thể ở đây là những người tổ chức cho BN1440 nhập cảnh trái phép) vi phạm pháp luật thế nào? Bị xử lý mức phạt cao nhất ra sao?

Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết, căn cứ tại điều 348 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về  Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”, người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01 năm đến 05 năm.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp, Đoàn luật sư Hà Nội
Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp, Đoàn luật sư Hà Nội

“Trong trường hợp này bệnh nhân 1440 đã có hành vi lên mạng tìm người đưa trở về Việt Nam với giá là 50 triệu đồng, trả tiền qua tài khoản ngân hàng. Bệnh nhân 1440 vì lợi ích cá nhân tạo điều kiện có những người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép. Hành động này là một hành vi thiếu ý thức pháp luật, gây rối trật tự an ninh xã hội, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Vì vậy các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra sớm nhằm răn đe, giáo dục… tránh trường hợp này xảy ra một lần nữa” – Luật sư Nguyễn Hồng Thái nói.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái nhận định rằng, trong trường hợp này bệnh nhân 1440 có thể phải đối diện với hình phạt cao nhất là 5 năm tù với Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép quy định tại điều 348 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái nêu quan điểm: “Người tổ chức các ca nhập cảnh trái phép (người tổ chức cho bệnh nhân 1440) đã làm lây lan dịch bệnh thì cần thiết phải áp dụng tình tiết tăng nặng theo hình phạt tại điểm  l, Khoản 1 Điều 52 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 là Lợi dụng tình trạng dịch bệnh để phạm tội.”

Theo luật sư Thái, trong trường hợp cơ quan chức năng truy xét ra được nguồn gốc lây lan dịch bệnh do những đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam gây ra thì còn bị truy tố theo quy định tại Điều 240 Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

5 đối tượng bị khởi tố gồm: Phan Phi Hùng (SN 1979), Phạm Thanh Hập (tên gọi khác Hạp, SN 1990), Lê Văn Dinh (tên gọi khác Hiền, SN 1990), cùng trú tại ấp Bình Di, xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang; Trương Chí Tài (SN 1991), cư trú tại ấp Búng Nhỏ, xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang và Trang Văn Út (SN 1989), cư trú tại ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang).

Kết quả điều tra bước đầu xác định Hùng là người móc nối với các đối tượng bên Campuchia để đưa nhóm BN 1440 vượt biên trái phép vào Việt Nam. Sau khi hay tin BN 1440 dương tính với SARS-CoV-2, Hùng đã bỏ trốn khỏi địa phương.

Ngày 31/12/2020, tổ công tác nghiệp vụ Công an tỉnh An Giang và Công an tỉnh Bình Dương phối hợp bắt giữ Hùng khi đối tượng đang lẩn trốn tại Bình Dương.

Các đối tượng Tài, Dinh, Hập, Út được xác định là do Hùng móc nối để chở người nhập cảnh trái phép qua đường biên thuộc huyện An Phú đi TP Châu Đốc và các địa điểm mà người vượt biên yêu cầu.

Trước đó, ngày 30/12/2020, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định việc khởi tố vụ án hình sự “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” xảy ra tại huyện An Phú, tỉnh An Giang vào ngày 24/12. Đây là vụ án phức tạp, gây hoang mang trong cộng đồng và ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

* Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố vụ án nhập cảnh trái phép làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm. Đối tượng nhập cảnh đã dương tính với SARS-CoV-2 (Bệnh nhân 1440).

Đại tá Huỳnh Thanh Mộng, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long, cho biết, sáng 1/1 cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án hình sự "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người", theo Điều 240 Bộ luật Hình sự. Sau khi vụ án được khởi tố, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ củng cố hồ sơ tiến hành các bước tố tụng tiếp theo.

Hiện nay đối tượng T đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.
Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.