Rét kỷ lục, địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học
Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, vào 6h15 mỗi sáng, Trung tâm sẽ phát hành bản tin nhiệt độ lúc 6h. Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương theo dõi và sử dụng để ra quyết định cho học sinh nghỉ học trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp.
Đợt rét kỷ lục này đúng dịp nghỉ Tết Dương lịch, nhà trường cần thông báo rõ quy định nghỉ rét tới tất cả các học sinh và phụ huynh qua các kênh liên lạc, có hướng dẫn cho học sinh tự học, ôn tập tại nhà trong thời gian nghỉ rét.
Trường hợp học sinh vẫn đến trường những ngày rét đậm, Nhà trường phải bố trí cho học sinh vào một phòng để giữ ấm và quản lý đến khi phụ huynh đón về (không để học sinh phải đứng ngoài cổng trường vì nghỉ rét).
Ngày 29/12/2020, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang đã ra văn bản số 1817/SGDĐT-VP về tiếp tục đảm bảo sức khoẻ cho học sinh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt xảy ra rét đậm, rét hại. Chủ động theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ động tham mưu với Thường trực Ủy ban nhân dân huyện/thành phố quyết định cho học sinh nghỉ học đồng thời có phương án bố trí học bù để đảm bảo kế hoạch thời gian năm học. Nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục trong những ngày rét đậm, rét hại. Chuẩn bị các loại thuốc thiết yếu phục vụ công tác y tế học đường. Nhận được công văn này, Sở GD-ĐT yêu cầu lãnh đạo Phòng GD-ĐT, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở nghiêm túc triển khai thực hiện.
Thông tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện địa phương này có hơn 500 trường học, hơn 800 điểm trường lẻ và đến thời điểm này, vẫn còn một số điểm trường có các phòng học tạm. Để hạn chế giá rét ảnh hưởng xấu đến sức khỏe giáo viên và học sinh, Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng đã yêu cầu các địa phương hỗ trợ sửa sang trường lớp và các trường chủ động bố trí giờ học phù hợp theo diễn biến thời tiết, đồng thời xem xét tổ chức bán trú cho học sinh.
Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có khoảng 3500 phòng học của hơn 300 trường và hơn 500 điểm trường nhỏ lẻ nhưng trong số này mới có hơn nửa là phòng học kiên cố. Tại các điểm trường nội trú và bán trú, ngành giáo dục đã phối hợp với địa phương chỉnh trang, gia cố trường lớp và khu vực nhà ở cả các em học sinh. Các trường học tại các huyện được chính quyền địa phương cùng thầy cô giáo rà soát lại hệ thống lớp học, gia cố cửa sổ, mái nhà nhằm tránh gió lùa nên việc giữ ấm cũng tốt hơn.
Miền Bắc đón đợt rét kỷ lục
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia dự báo, trong những ngày tới, nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 8-11 độ, vùng núi cao 2-4 độ. Dự báo,từ 31/12/2020 đến 3/1/2021 nền nhiệt toàn tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lào Cai, Lạng Sơn giảm sâu, nhiệt độ thấp nhất các khu vực có thể xuống đến 4-7 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C. Các tỉnh Trung Trung Bộ trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13-16 độ C; các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên trời chuyển lạnh, có nơi chuyển rét; từ ngày 31/12, ở Nam Bộ trời chuyển lạnh vào đêm và sáng sớm.
Các chuyên gia khí tượng đánh giá, đợt rét đậm, rét hại lần này được dự báo là mạnh và sâu nhất kể từ đợt rét hồi tháng 1/2016. So sánh đợt rét đậm, rét hại từ đêm nay và đợt rét năm 2016, ông Lê Thanh Hải - Tổng Thư ký Hội Khí tượng Thuỷ văn Việt Nam nhận định, khả năng đợt rét này không đạt đến mức độ như đợt rét cách đây 4 năm nhưng cũng rất đáng được chú ý. “Đợt rét lần này sẽ khô hơn, có nắng hanh vào ban ngày, ít khả năng có tuyết rơi, nhưng sẽ nhiều nơi ở vùng núi có băng giá, sương muối.”, ông Hải dự báo.
Ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) nhận định thêm, đợt không khí lạnh từ đêm nay ở miền Bắc và đợt không khí lạnh đầu năm 2016 đều có cường độ rất mạnh. Tuy nhiên, năm 2016 không khí lạnh mạnh kết hợp với cả hệ thống gió tây mạnh ở độ cao 5.000m nên gây ra tình trạng rét ẩm, mưa tuyết xuất hiện nhiều nơi. Trong khi đó, đợt này chủ yếu là rét khô, ban đêm nhiệt độ xuống rất thấp, ban ngày có nắng nên cảm giác rét buốt không bằng năm 2016.