Trường học và nỗi lo ngập úng

Trường học và nỗi lo ngập úng

(GD&TĐ) - Chỉ trong vòng một tuần, TP.HCM phải liên tiếp đối mặt với tình trạng hỗn loạn trong giao thông và sinh hoạt của người dân vì “giặc nước” tấn công. Ở các trường nằm trong vùng bao chiếm của “giặc nước”, việc đi học và sinh hoạt của thầy trò khá vất vả.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão TP.HCM, tính đến thời điểm hiện nay, các quận, huyện đã hoàn thành đưa vào sử dụng được 279/319 công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2008, 2009 và năm 2011 với chiều dài đạt 261/312 km.

Các công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả ngăn triều cho gần 11.000ha đất sản xuất nông nghiệp; chống ngập úng, bảo vệ cho trên 17.000 hộ dân, cải thiện rõ rệt điều kiện dạy học cho thầy trò ở vùng ngập.

Ông Trần Trung Hiếu, trưởng phòng GD-ĐT Quận 12 chia sẻ: Toàn quận giờ chỉ còn ít trường bị ngập vì triều cường (TH Thạnh Lộc, Quới Xuân) nhờ các dự án công trình thủy lợi tại các điểm thường xuyên ngập đã được triển khai khá tốt. Các tuyến kênh rạch đó là An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, Thới An nơi tập trung khoảng 12 trường MN, TH và THCS đã được UBND các phường này phân trách nhiệm cho từng đơn vị, trong từng khúc sông, đê bao trên địa bàn nên công tác phòng chống ngập úng cho trường học là tương đối hiệu quả.

Học sinh vất vả với triều cường. Ảnh: TL
Học sinh vất vả với triều cường. Ảnh: TL

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, vẫn còn nhiều nơi triển khai thực hiện các công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, phòng chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước vẫn còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ, tình trạng ngập vẫn cứ ngập.

Những khu vực trọng yếu của ngập như Bình Thạnh, Q.8, Q.2 và huyện Nhà Bè tình trạng ngập úng kéo dài suốt nhiều năm nay. Tại Q. Bình Thạnh, đợt đỉnh triều vừa qua hàng loạt trường học bị nước tấn công như: Trường THCS Bình Quới Tây, TH Tầm Vu, phân hiệu trường TH Hòa Bình, TH Bình Hòa…

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Qưới Tây cho biết: “Năm nào vào mùa mưa trường cũng bị ngập, nước dâng cao quá đầu gối người lớn, PH-HS phải công kênh con em vào lớp”. Ngay tại địa bàn Q.1 cũng có không ít trường bị ngập như: THCS Văn Lang, TH Hòa Bình. Chia sẻ với chúng tôi về tình trạng ngập thường xuyên, ông Lê Minh Quang, Hiệu trưởng Trường TH Hòa Bình, Q.1 trăn trở: “Đã nhiều năm nay khi có mưa, dù lớn hay nhỏ và nước triều cường dâng cao, con đường vào trường nước luôn ngập quá đầu gối người lớn. Nước bẩn, bốc mùi cùng với rác tràn vào sân trường, thực sự vất vả cho PH-HS và GV khi đến dạy và đưa đón HS đi học”.

Chị Nguyễn Thị Hải, có con đang học lớp 7 tại Trường THCS Bình Qưới Tây lo ngại: “Ngày nào tôi cũng phải theo dõi tình hình triều cường trên địa bàn P.28, mấy ngày nay, nước “bao vây” xung quanh lối vào khiến ngôi trường gần như bị “cô lập”. Tình trạng này làm phụ huynh chúng tôi rất lo lắng, vì nếu cho con nghỉ học thì sợ các cháu không theo kịp chương trình, còn cho con đi học thì sợ con bị té ngã, ốm đau do nhiễm nước.

Năm nào phụ huynh chúng tôi cũng kiến nghị với phường và quận giúp nâng cao nền đường vào trường”. Ông Nguyễn Trung Khánh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè cho biết: Trên địa bàn huyện có nhiều điểm bị ngập nặng do triều cường nhưng địa bàn xã Phước Lộc là bị nặng nhất, trong đó có trường mầm non Vành Khuyên thuộc ấp 3 nên việc đưa đón con em mình đi học, phụ huynh gặp rất nhiều khó khăn. Có mặt tại huyện Nhà Bè, chúng tôi nhận thấy nhiều hộ dân đã và đang sinh sống ngay trong khu vực nguy hiểm. Học sinh một số trường tại 3 xã trên vẫn đang phải sống chung với lũ khi mưa và triều cường lên.

Cần thiết đẩy nhanh việc duy tu, sửa chữa, gia cố hệ thống bờ bao thường xuyên để giúp công trình ổn định và phát huy hiệu quả lâu dài; Mặt khác, với các vị trí có nguy cơ sạt lở cần tăng cường kiểm tra, cảnh báo người dân, đặc biệt là trong thời gian chân triều rút sâu, kịp thời di dời các hộ dân trong khu vực sạt lở đến nơi an toàn- Có như vậy tình hình ngập úng tại TP.HCM mới đạt hiệu quả.

 Anh Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.