Trường học ứng phó với Covid-19: Nhà trường chủ động tăng cường sức đề kháng cho học sinh

Trường học ứng phó với Covid-19: Nhà trường chủ động tăng cường sức đề kháng cho học sinh

Thay đổi thực đơn bán trú

Cô Ông Thị Thái Hằng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho rằng: Việc tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. “Đối với HS bậc tiểu học, các em chỉ có một bữa ăn trưa tại trường, do đó, tăng cường sức đề kháng cho HS từ thực đơn bán trú là không đáng kể. Tuy nhiên, phía nhà trường vẫn có những nỗ lực để thay đổi thực đơn bán trú theo thực đơn chuẩn do Công ty Ajinomoto Việt Nam xây dựng. Theo đó, trong khẩu phần ăn của HS sẽ được tăng cường rau, củ, quả. Đối với món tráng miệng, nhà trường cũng chú ý đưa nhóm trái cây có nhiều vitamin C trong khẩu phần ăn của HS”, cô Thái Hằng cho biết.

Nhiều trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Đà Nẵng đã có thêm nước cam, nước chanh sả nhằm tăng cường sức đề kháng cho HS vào thực đơn. Việc đưa nước cam vào thực đơn hàng ngày của trẻ đã được Trường Mầm non Bình Minh (Q. Hải Châu) duy trì từ 4 - 5 năm nay. Theo lý giải của cô Nguyễn Quốc Thư Trâm – Hiệu trưởng nhà trường, “nước cam rất tốt cho việc tăng sức đề kháng của trẻ và thời điểm dùng nước cam tốt nhất là trong buổi sáng.

Nhưng trẻ mầm non ở trường cả ngày, phụ huynh muốn bổ sung thức uống này cho trẻ gần như là bất khả kháng, ngoại trừ trường hợp gửi cam cho cô giáo vắt. Thế nên, nhà trường đưa luôn nước cam vào thực đơn hàng ngày của trẻ. Trẻ đến trường khỏe mạnh, không đau ốm, cô giáo cũng đỡ vất vả trong khâu chăm sóc”.

Tuy nhiên, theo cô Thái Hằng, với một trường học có quy mô lớn như Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, việc đưa nước cam, chanh vào thực đơn hàng ngày của HS rất khó. “Trước đây, nhà trường đã đầu tư mua máy vắt cam nhưng chưa đầy một tuần đưa vào sử dụng thì… cháy máy vì quá tải. Chúng tôi có khoảng 1.000 HS bán trú, vắt máy không thể tải nổi, mà vắt tay trong những giai đoạn dịch bệnh như thế này càng không yên tâm”, cô Thái Hằng bày tỏ quan điểm.

Trong suốt mùa đông của năm học 2019 – 2020 này, các bé của Trường Mầm non Bình Minh mỗi tuần còn được ngâm chân với nước gừng, sả do các cô cấp dưỡng của trường đun nấu. Mỗi phòng học đều được trang bị một đèn xông tinh dầu để tránh các bệnh về đường hô hấp cho trẻ mầm non.

Rửa tay sạch sẽ

Dọc các hành lang của Trường Tiểu học Trần Văn Ơn đều lắp đặt các máng rửa tay, đầy đủ xà phòng cục để các em có thể rửa bất cứ lúc nào. Bài học đầu tiên về giữ vệ sinh thân thể mà HS nhà trường được nhân viên y tế, giáo viên chủ nhiệm cũng như Tổng phụ trách Đội nhắc đi nhắc lại là 6 bước rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy sau khi đi vệ sinh, tập thể dục, sau mỗi giờ ra chơi, trước khi ăn… “HS tiểu học thường rất nghịch. Nhiều em dùng xà phòng để nghịch, nhét xà phòng vào vòi nước, vào các khe hở… nhưng để đảm bảo vệ sinh học đường, khoản này không thể tiết kiệm được” – cô Thái Hằng cho biết.

Từ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid – 19, Phòng GD&ĐT quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) đã quán triệt đến tất cả các trường học cần tổ chức thực hiện tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn cho HS về việc rửa tay sạch, đúng cách. “Việc HS rửa tay sạch bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi vào lớp, sau giờ ra chơi… cần được duy trì thực hiện ở tất cả các cấp học để đảm bảo vệ sinh cá nhân”, ông Võ Trung Minh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Sơn Trà nhận định.

Các trường học ở Đà Nẵng đều chủ trương tăng cường cho HS vận động thể lực, thông qua các giờ học thể dục, tập thể dục giữa giờ cũng như đẩy mạnh các hoạt động vui chơi, hoạt động ngoài giờ. Vận động thường xuyên là cách tăng cường sức khỏe tổng quát và có thể thúc đẩy hệ thống miễn dịch của trẻ.

Chính vì vậy, Đà Nẵng đã đầu tư mạnh hệ thống sân bãi học thể dục cho tất cả các trường học, quy mô các sân tập sẽ tùy thuộc vào diện tích của các trường học. Với các trường có diện tích sân nhỏ sẽ tập trung đầu tư sân chơi bóng chuyền, bóng đá, cầu lông. Những trường có diện tích rộng có thể đầu tư sân thể thao tổng hợp. Mức đầu tư thấp nhất là 200 triệu đồng/sân cho đến 2,7 tỉ đồng/sân bao gồm cả dụng cụ tập luyện thể dục thể thao.

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ trong một buổi họp với ngành GD-ĐT Đà Nẵng rằng thà học sinh bẩn do chơi thể dục thể thao mà khỏe, còn hơn sạch sẽ mà yếu, còi. Và sân tập ở các trường không cần phải đầu tư lớn, không cần phải làm cho hoành tráng dẫn tới lãng phí mà đầu tư đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ