Trường học ứng phó với Covid - 19: Lấy học sinh làm động lực vượt khó

Vệ sinh lớp học bàn ghế diễn ra ở các nhà trường
Vệ sinh lớp học bàn ghế diễn ra ở các nhà trường

Đặt an toàn lên hàng đầu

Trong những tuần HS nghỉ học phòng chống dịch bệnh Covid-19, hầu hết các trường đều bước vào công cuộc khử trùng, vệ sinh quy mô lớn. Đây là dịp hiếm hoi mà đội ngũ GV tới trường không làm công việc quen thuộc là dạy học mà cùng chăm chút cho môi trường giáo dục an toàn, vệ sinh.

Với tinh thần đặt sức khỏe học sinh lên hàng đầu, gần 30 CB, GV, HS Trường PTDTBT TH Lùng Tám – Quản Bạ (Hà Giang) đã bước vào những tuần lao động đầy quyết tâm.

Thầy Tạ Văn Kha – Hiệu trưởng chia sẻ: Đội ngũ GV trả phép ngay sau Tết nên khi HS nghỉ học, nhà trường đã huy động 100% cán bộ, GV, nhân viên vào công tác phòng chống dịch bệnh. Do có sự chủ động và dự trù sớm của Phòng GD&ĐT Quản Bạ nên thuốc khử trùng khá đầy đủ. Cán bộ y tế xã hướng dẫn và kết hợp cùng GV tiến hành khử trùng kĩ càng, cẩn thận toàn bộ diện tích trường, lớp, thư viện, cầu thang, khu bán trú, bếp ăn, sân chơi, nhà vệ sinh…

Với đặc thù là trường có lượng HS bán trú cao và cơ bản người dân tộc nên phòng ở, chăn màn, giường đệm cũng xác định phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, tránh để trở thành môi trường ủ bệnh cho virus. Vì thế, hàng trăm chăn ga, gối, màn, đệm của HS đã được thầy cô giặt giũ sạch sẽ, phơi nắng khô rồi đóng gói cẩn thận trước ngày HS trở lại trường.

Thầy Kha cho biết, khó nhất là khẩu trang cho HS khi tới lớp. Đến nay, nhà trường đã khắc phục bằng cách hướng dẫn và yêu cầu phụ huynh HS tự làm khẩu trang bằng vải. Mỗi gia đình chuẩn bị 2 - 3 cái để HS thường xuyên giặt giũ và sử dụng thay thế.

Cô Đinh Thị Phương Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng – Hà Nội) cũng chia sẻ: HS được nghỉ học thì GV toàn trường bước vào đợt cao điểm công tác vệ sinh khử trùng trường lớp.

Dịch bệnh bùng phát, các cơ quan công sở đều cần tới thuốc khử trùng nên giá cả trên thị trường tăng đột biến lên 400.000 - 500.000 đồng/kg (thay vì 150.000 - 200.000 đồng/kg lúc chưa có dịch). GV phải chia nhau đi gom từng kg thuốc khử trùng ở các cửa hàng hiệu thuốc khác nhau mới có đủ số lượng cần dùng. Tuy nhiên, ban giám hiệu vẫn quyết tâm mua với giá cao miễn sao để việc khử trùng trường lớp được đảm bảo và sức khỏe HS được đặt lên hàng đầu…  
Cô Đinh Thị Phương Anh chia sẻ

Tại Trường THCS Lương Yên, việc khử trùng trường lớp thực hiện theo ngày. Phụ huynh HS cũng được nhà trường huy động để vệ sinh lớp học cho chính con mình. Như vậy, cha mẹ cùng chia sẻ và trực tiếp tham gia, chứng kiến công tác đảm bảo vệ sinh trường lớp. Ban giám hiệu nhà trường cũng huy động được một số lượng khẩu trang từ các nhà tài trợ để bất kỳ HS nào khi tới trường quên, mất khẩu trang sẽ lập tức có khẩu trang thay thế. Công tác phòng chống dịch Covid-19 được tiến hành sát sao, tỉ mỉ tới trước ngày HS trở lại trường.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Ma Li Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu), cô Trần Thị Hằng – Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: Toàn bộ GV kết hợp với y tế địa phương tiến hành nhiều đợt khử trùng trường lớp, khu bán trú. Vệ sinh quét dọn thông thường được làm hàng ngày theo tổ trực. Với chăn, màn, ga đệm, rèm cửa… của HS nhà trường thuê giặt sạch bằng máy giặt công nghiệp sau đó phơi khô đóng gói.

Khẩu trang y tế, nước rửa tay… đã được nhà trường kết nối với Đồn biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu) để nhờ hỗ trợ thêm. Ngoài ra, trường cũng yêu cầu GV chủ nhiệm liên hệ với phụ huynh HS tự trang bị đầy đủ khẩu trang y tế cho HS trước khi đến trường.

Đặc biệt, theo yêu cầu của phòng GD&ĐT khi tái giảng phải tiến hành đo thân nhiệt cho HS các lớp ngày 2 lần. Vì vậy, 17 lớp học của trường đã được trang bị 17 máy đo thân nhiệt. “Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, chuẩn bị trường lớp để đón 302 HS tại 1 điểm trường chính và 7 điểm trường lẻ đã hoàn tất kĩ lưỡng”, cô Hằng khẳng định.

Sẻ chia cùng vượt “bão” Covid-19

Gắn bó với giáo dục mầm non ngót nghét 20 năm nhưng chưa khi nào cô Lê Thị Thơm - Hiệu trưởng Trường MN Ngôi sao mới New Star Kids (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) lại chứng kiến cảnh trường lớp, GV xa trẻ lâu đến vậy. Đặc biệt, với hệ thống các trường ngoài công lập, đây thực sự là thử thách lớn. Dù thất thu vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng trường lớp, lương cho người lao động, các khoản chi mua sắm trang thiết bị y tế vệ sinh khử trùng... Mỗi ngày, mỗi tuần qua đi trường ngoài công lập “rơi” tiền chục, tiền trăm triệu mà vẫn phải chấp nhận.

Cô Phạm Thị Hòa – Hiệu trưởng Trường THCS Lùng Vai (Mường Khương – Lào Cai) cũng khẳng định: Trong những ngày HS nghỉ học phòng chống dịch bệnh, đội ngũ GV cũng bận rộn hơn, tất cả cùng “lao” vào vệ sinh, khử trùng trường lớp. Hàng ngày nhóm, tổ được thành lập để trực trường, nắm bắt thông tin sức khỏe của HS và liên hệ cùng gia đình HS để hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh cho HS tại nhà, địa phương.

Đặc biệt, với các thầy cô đang đảm nhiệm công tác giảng dạy khối lớp 9 chuẩn bị bước vào kỳ thi vào 10 còn chủ động liên hệ để hướng dẫn HS cách ôn tập kiến thức tại nhà, giảng giải bài khi các em cần sự hỗ trợ. Tất cả đều hồ hởi với công việc trường lớp trong thời điểm dịch bệnh hoành hành.

Có thể nói, các nhà trường, thầy cô trong “bão” dịch Covid-19 đã thể hiện được vai trò, tinh thần trách nhiệm, sự vượt khó. Tất cả cùng hướng tới đích chung đó là sức khỏe, việc học tập của HS luôn được quan tâm và chăm sóc đầy đủ.

Điều khiến chúng tôi cảm thấy được sẻ chia hơn cả là đội ngũ GV vẫn cần mẫn với hoạt động chung trường lớp. Nhiều cô cũng cho biết sẵn sàng chấp nhận  giảm bớt lương để đồng hành với những tổn thất của chủ trường…
                                                                                 Cô Lê Thị Thơm 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...