Trường học trên cao để tránh ô nhiễm không khí

GD&TĐ - Nếu chúng ta thiếu những hành động cụ thể để cải thiện chất lượng không khí, rất có thể trong tương lai, các trường học sẽ phải mở ở trên các tòa nhà cao tầng nhằm bảo vệ học sinh khỏi ô nhiễm.

Trường học trên cao để tránh ô nhiễm không khí

Lên cao tránh bụi mịn

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, bụi mịn PM2.5 có thể phá hủy tế bào não mà điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng học tập của trẻ. Càng lên cao, lượng bụi mịn PM2.5 càng giảm. Đó cũng là lý do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) hợp tác cùng Happiness Saigon thực hiện sáng kiến “The High School”. Đây chính là biện pháp cuối cùng để chứng tỏ rằng nếu chúng ta không hành động, rất có thể, nơi an toàn nhất để trẻ em học hành trong tương lai sẽ cách mặt đất hàng trăm mét.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID cho biết, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Đó là kết quả của giáo dục hành động cá nhân như sử dụng khẩu trang ngăn ngừa bụi mịn, lắp đặt máy đo chất lượng không khí tại những khu vực quan trọng như trường học và văn phòng. Đây là những điều GreenID và các bên liên quan đang hành động để tạo ra sự thay đổi.

Một nghiên cứu của Đại học Harvard đã chỉ ra mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và sự gia tăng tỷ lệ tử vong do Covid-19. Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra rằng sự gia tăng 1μg/m3 nồng độ PM2.5 có thể dẫn tới gia tăng 8% nguy cơ tử vong do Covid-19 ở những khu vực tiếp xúc lâu dài với bụi mịn. Đáng lo ngại hơn là tác động nghiêm trọng của bụi mịn đối với trẻ em – nhóm đối tượng có nguy cơ cao do tiếp xúc lâu dài với bụi mịn trong suốt quá trình phát triển.

Các chất độc tổn hại thần kinh tồn tại trong không khí ô nhiễm có thể tác động đến não bộ chưa hoàn thiện và gây ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức của trẻ. Phổi của trẻ vẫn đang phát triển trong những năm đầu đời.

Ô nhiễm không khí có thể ngăn cản tiến trình phát triển sinh học của phổi. Cơ thể của trẻ gặp khó khăn hơn trong việc chuyển hóa, giải độc và bài tiết các chất độc hại có trong không khí ô nhiễm. Xét theo trọng lượng cơ thể, lượng oxi trẻ em hít vào cao gấp đôi người lớn ở trạng thái bình thường.

Lượng oxy hít vào thậm chí còn cao hơn nữa khi trẻ tham gia hoạt động thể chất. Trẻ có khả năng mắc bệnh thường xuyên hơn, và mất nhiều thời gian hơn để phục hồi. Những em bé sinh ra bởi người mẹ thường xuyên tiếp xúc không khí ô nhiễm trong thời kỳ mang thai có nguy cơ cao bị sinh non và nhẹ cân.

Để giải quyết những mối lo lắng này, “The High School” đã được khởi xướng và thực hiện để giúp trẻ vượt lên trên các vấn đề liên quan đến ô nhiễm không khí trên độ cao 461m, nằm trên đỉnh của tòa nhà cao nhất Đông Nam Á, và là tòa nhà cao thứ 15 trên thế giới, Landmark 81 tại TPHCM.

Ô nhiễm không khí giảm theo độ cao

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có 7 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí. Trong đó, người dân sinh sống tại các thành phố thu nhập thấp, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ và công nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất. WHO cảnh báo mỗi quốc gia cần tăng cường mở rộng nền tảng kiến thức, hiểu biết về ảnh hưởng sức khỏe của ô nhiễm không khí. Thúc đẩy ngành y tế nâng cao nhận thức về lợi ích sức khỏe từ các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học môi trường và Bảo vệ môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết, ô nhiễm không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần của không khí. Chủ yếu do khói, bụi, hơi hoặc các khí lạ được đưa vào không khí.

Nó có sự tỏa mùi, làm giảm tầm nhìn xa, gây biến đổi khí hậu, gây bệnh cho con người. Nó cũng có thể gây hại cho sinh vật khác như động vật và cây lương thực. Nó còn có thể làm hỏng môi trường tự nhiên hoặc xây dựng. Hoạt động của con người và các quá trình tự nhiên có thể gây ra ô nhiễm không khí.

Chất gây ô nhiễm không khí gây hại cho con người và hệ sinh thái. Chất này có thể là các hạt rắn, lỏng hoặc khí. Chất gây ô nhiễm có nguồn gốc tự nhiên hoặc do con người tạo ra. Chất gây ô nhiễm được phân loại sơ cấp và thứ cấp. Nguyên nhân phát sinh ô nhiễm không khí đa phần từ các hoạt động trên mặt đất như giao thông, xây dựng, công nghiệp… nên lượng bụi lơ lửng trong không khí hoạt động chủ yếu ở mặt đất. Càng lên cao, ô nhiễm không khí càng giảm.

Bà Ngụy Thị Khanh cho biết, trường học cũng là nơi mà tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra nghiêm trọng. Việc cảnh báo là cần thiết để tạo ra môi trường học tập trong sạch cho trẻ. Vừa qua, một lớp gồm 18 học sinh đã có buổi học đầu tiên tại The High School. Tại lớp học này, các bạn nhỏ đã có bài học đặc biệt về không khí và tác động của bụi mịn. Nhận thức của trẻ về tác hại của ô nhiễm không khí được coi là hành trang nền tảng để có những hành động thiết thực bảo vệ không khí, môi trường sống trong tương lai.

Ngay bây giờ, quý phụ huynh có thể đăng ký cho con của mình tham gia “The High School” tại https://www.thehighschool.vn/en. Mỗi lượt đăng ký sẽ được tự động gửi đến trường học hiện tại của con bạn để yêu cầu lắp đặt máy đo chất lượng không khí cho trẻ. Điều này sẽ giúp phụ huynh có thể giám sát chặt chẽ mức độ bụi mịn PM2.5 trong phạm vi khu vực nhà trường để có biện pháp bảo vệ sức khỏe cho con kịp thời. 

Nếu chúng ta thiếu những hành động cụ thể để cải thiện chất lượng không khí, rất có thể trong tương lai, các trường học sẽ phải mở ở trên các tòa nhà cao tầng nhằm bảo vệ học sinh khỏi ô nhiễm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ