Trường học tích cực hỗ trợ phụ huynh, học sinh mua sách giáo khoa

GD&TĐ - Thời điểm này nhiều học sinh, phụ huynh tất bật chuẩn bị sách giáo khoa, tập viết, đồ dùng học tập cho con bước vào năm học mới.

Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa tiếng Việt lớp 4.
Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa tiếng Việt lớp 4.

Để hỗ trợ phụ huynh mua sách giáo khoa theo chương trình mới, các cơ sở giáo dục đã phối hợp với nhà xuất bản, đơn vị phân phối để cung ứng sách cho học sinh.

Nhà trường mua hộ

Hiện nay, các trường học ở TPHCM đã công bố danh mục sách giáo khoa sử dụng trong năm học mới ở các khối lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018 bằng nhiều hình thức: Trên web, fanpage chính thức của trường, qua tư vấn học sinh lớp đầu cấp, qua giáo viên chủ nhiệm, đảm bảo từng phụ huynh học sinh nắm rõ, chủ động. Nhiều trường học trên địa bàn TPHCM sẽ phối hợp với các đơn vị để cung ứng sách cho học sinh.

Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), từ tháng 6 nhà trường đã công bố danh mục sách giáo khoa lớp 10, 11 sử dụng trong năm học 2023-2024 trên trang thông tin điện tử và fanpage trường. Về cơ bản sách giáo khoa lớp 10 sử dụng trong năm học mới không có thay đổi so với năm học trước, đảm bảo về tính ổn định. Với sách giáo khoa lớp 11, nhà trường lựa chọn có tính kế thừa với năm lớp 10, đồng thời nằm trong danh mục sách giáo khoa được UBND TPHCM phê duyệt.

Thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc công khai sớm danh mục sách giáo khoa sẽ giúp phụ huynh học sinh có sự chủ động trong mua sắm, chuẩn bị năm học mới. Với những trường hợp khó khăn khi mua sách, nhà trường sẽ có sự hỗ trợ. Ngoài ra, trường cũng trang bị thêm 60-70 đầu sách giáo khoa mới ở mỗi khối lớp để hỗ trợ học sinh mượn sử dụng trong năm học”.

Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (quận 3) từ đầu tháng 7 nhà trường đã công bố danh mục sách giáo khoa lớp 10, 11 theo Chương trình GDPT 2018 sử dụng trong năm học 2023-2024 trên các trang thông tin điện tử của trường và đến từng phụ huynh học sinh khối 10, 11.

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Tường Minh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, hiện nay, mỗi một bộ sách chương trình mới sử dụng trong trường học sẽ gồm từ 2-3 bộ sách khác nhau, do vậy để tạo thuận lợi nhất cho phụ huynh, nhà trường đã chủ động liên hệ với các nhà xuất bản trong việc hỗ trợ mua sách cho học sinh.

“Nhà trường không yêu cầu phụ huynh học sinh phải mua sách tại trường. Cha mẹ nào có nhu cầu đăng ký nhà trường sẽ hỗ trợ, còn lại phụ huynh có thể chủ động từ chính danh mục sách được nhà trường cung cấp. Trên thư viện trường cũng trang bị các bộ sách giáo khoa mới để hỗ trợ học sinh mượn”.

Cán bộ, giáo viên tham khảo sách giáo khoa theo chương trình GDPT 2018.

Cán bộ, giáo viên tham khảo sách giáo khoa theo chương trình GDPT 2018.

Không để thiếu sách

Ngày 27/4, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1029/QĐ-UBND phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 sử dụng trong các cơ sở GDPT 2018 năm học 2023-2024. Theo đó, danh mục sách giáo khoa lớp 4 bao gồm 15 đầu sách, lớp 8 bao gồm 13 đầu sách, lớp 11 bao gồm 29 đầu sách.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết để bảo đảm cung ứng đủ sách giáo khoa cho năm học mới, Sở đã có văn bản thông báo về danh mục sách đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Đồng thời, tổng hợp nhu cầu dự kiến số lượng sách giáo khoa của toàn tỉnh gửi đến các nhà xuất bản có sách được lựa chọn để các đơn vị có kế hoạch in ấn và cung ứng đủ sách, bảo đảm học sinh có đủ sách giáo khoa trước khai giảng năm học 2023-2024.

Theo đó, căn cứ danh mục SGK lớp 4, 8 và 11 sử dụng trong cơ sở GDPT tại tỉnh Bình Dương, Sở GD&ĐT địa phương này đã có văn bản gửi đến các nhà xuất bản dự kiến nhu cầu SGK dành cho lớp 4, 8 và 11 năm học 2023-2024, như sau: Số lượng học sinh lớp 4 khoảng 42.810 em, lớp 8 khoảng 27.500 em, lớp 11 khoảng 14.214 em.

Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương cũng đã đề nghị các nhà xuất bản chủ động phối hợp với các trường THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên của các huyện, thị, thành phố; Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Bồi dưỡng nghiệp vụ tỉnh, Phòng GD&ĐT các địa phương thống nhất cách thức phân phối sách giáo khoa.

Thầy Nguyễn Phúc Lộc, Hiệu trưởng trường THPT Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cho biết: “Thực tế 2 năm thực hiện lựa chọn sách giáo khoa mới lớp 10 và 11 cho thấy, các giáo viên đã bắt nhịp và quen với quy trình lựa chọn sách mới. Đến nay nhà trường đã chọn xong bộ sách giáo khoa lớp 11. Đối với những môn có 1 bộ sách thì trường sẽ theo quyết định của sở, còn với những môn có 2 bộ sách trở lên nhà trường giao cho các tổ bộ môn họp và thống nhất chọn ra bộ sách phù hợp với chương trình giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh trong trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ