Trường học tại TPHCM hoàn tất lựa chọn sách giáo khoa năm học mới trước ngày 6/3

GD&TĐ - Sở GD&ĐT TPHCM vừa có văn bản hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn TPHCM.

Hoạt động trải nghiệm của học sinh Trường tiểu học Phú Thọ (quận 11).
Hoạt động trải nghiệm của học sinh Trường tiểu học Phú Thọ (quận 11).

Sở GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục lớp 5 và sách giáo khoa các môn Ngoại ngữ 1; điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa thông Thông tư 27 sử dụng trong các cơ sở giáo dục từ năm học 2024-2025.

Theo đó, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các cơ sở giáo dục phải tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh nghiên cứu kĩ Thông tư 32/2018 của Bộ GD&ĐT về ban hành chương trình tổng thể, chương trình các môn học; các clip thông tin do Bộ GD&ĐT, các tổ chức, cá nhân và đơn vị liên kết có sách giáo khoa được phê duyệt; các văn bản, quyết định của Bộ GD&ĐT về phê duyệt danh mục sách giáo khoa các môn học.

Sau khi nghiên cứu các nội dung trên, tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên chuẩn bị ý kiến cá nhân bằng phiếu nhận xét, đánh giá các sách giáo khoa môn học theo các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục sẽ thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư 27 của Bộ GD&ĐT. Điểm mới đáng chú ý nhất của Thông tư 27 là quyền quyết định chọn sách giáo khoa đã được giao về cho các cơ sở giáo dục thay vì UBND cấp tỉnh như trước.

Công tác lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông được thực hiện từ sau ngày 12/2 đến hết ngày 5/3.

Về quy trình thực hiện, việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện theo các bước: Tổ trưởng chuyên môn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa cho từng môn học, báo cáo người đứng đầu đơn vị trước khi thực hiện; Tổ trưởng chuyên môn tổ chức họp với các giáo viên môn học để thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn 1 sách giáo khoa cho môn học.

Trường hợp môn học chỉ có 1 sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định phê duyệt thì tổ chuyên môn lựa chọn sách giáo khoa trong quyết định, không cần bỏ phiếu.

Sách giáo khoa được lựa chọn bảo đảm có từ 1/2 số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu lựa chọn.

Trường hợp không có sách giáo khoa nào đạt từ 1/2 số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu lựa chọn thì tổ chuyên môn phải thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn lại. Sách giáo khoa được lựa chọn là sách có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất trong lần bỏ phiếu thứ hai.

Trong cả 2 lần bỏ phiếu, nếu có từ 2 sách giáo khoa có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất bằng nhau thì tổ trưởng chuyên môn quyết định lựa chọn một trong số sách giáo khoa có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất.

Các cơ sở giáo dục lập hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa gửi về Phòng GD&ĐT quận, huyện.

Trong quá trình sử dụng, căn cứ các kiến nghị của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, cơ sở giáo dục báo cáo, đề xuất Phòng GD&ĐT về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ