Trường học ở Lào Cai khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

GD&TĐ - Nén lại đau thương sau trận lũ, thầy cô ở huyện Bảo Yên (Lào Cai) nỗ lực ổn định cơ sở vật chất, trường lớp để sớm đón học sinh trở lại trường.

Thầy cô dọn dẹp trường lớp ở trường THCS số 1 Phố Ràng.
Thầy cô dọn dẹp trường lớp ở trường THCS số 1 Phố Ràng.

Do chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong những ngày qua, trận mưa lũ đã tàn phá, cướp đi nhiều sinh mạng trên địa bàn huyện Bảo Yên (Lào Cai). Nhiều đơn vị hành chính, trường học, nhà dân ngập trong biển nước và bùn đất. Khi lũ rút, tại các trường học bàn ghế ngổn ngang, khắp nơi từ sân trường đến hành lang, trong lớp học đều phủ lớp bùn dày hàng chục centimet. Nhiều bàn ghế và thiết bị học tập bị hư hỏng nặng.

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại huyện Bảo Yên có 7 trường học bị ngập lụt hoàn toàn; trên 30 trường học bị sạt lở, hư hỏng tài sản, cơ sở vật chất. Hiện, thị trấn Phố Ràng vẫn đang ngập nước; nhiều trường, điểm trường ở các xã vẫn chưa thể thông tin liên lạc.

bao_yen_3.jpg
Các sinh viên trường Cao đẳng Lào Cai giúp đỡ trường học ở Bảo Yên khắc phục hậu quả mưa lũ.

Đau thương hơn khi trận lũ quét đã vùi lấp 38 hộ dân tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh khiến 42 người tử vong và 53 người đang mất tích (tính đến 10 giờ sáng 12/9). Trong đó, có 27 học sinh bị tử vong (20 học sinh của trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh).

Nén lại đau thương, các thầy cô giáo nơi đây đang nỗ lực vượt khó, gấp rút ổn định cơ sở vật chất, trường lớp. Công tác triển khai khắc phục hậu quả thiên tai đang được ngành GD&ĐT huyện Bảo Yên khẩn trương thực hiện với phương châm đảm bảo an toàn mới cho học sinh quay trở lại lớp học. Tại các nhà trường không bị ảnh hưởng của thiên tai sẽ tiếp tục mở cửa để đón người dân đến sơ tán.

Trường THCS số 1 Phố Ràng, huyện Bảo Yên là một trong những đơn vị trường học bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ.

Các thầy, cô giáo nhà trường cùng sợ hỗ trợ của sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai đang khẩn trương thu dọn bùn đất, rửa sạch bàn ghế, khắc phục thiệt hại, nhanh chóng chuẩn bị cơ sở vật chất để đón học sinh trở lại lớp học. Tuy nhiên, do lượng đất bùn lớn, lại không có nước nên công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn.

Cô Phạm Hoàng Ngọc Huế - Phó Hiệu trưởng trường THCS số 1 Phố Ràng, huyện Bảo Yên cho biết: "Chưa bao giờ nhà trường phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề như vậy. Nước ngập toàn bộ các lớp học, lớp bùn đất dày tới 30cm. Hiện nay, chúng tôi thiếu nước sạch nghiêm trọng và gặp rất nhiều khó khăn để có thể dọn sạch được lượng lớn bùn đất này".

Bao_yen_2.jpg
Trường THCS số 2 Phố Ràng dọn dẹp để chuẩn bị đón học sinh quay trở lại trường.

Ông Bùi Minh Tuân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Yên cho biết: Hiện, toàn ngành có hơn 364 gia đình cán bộ, viên chức bị ảnh hưởng ngập lụt do thiên tai (cả khối trường và khối phòng).

“Đây cũng là khó khăn của ngành GD&ĐT huyện Bảo Yên. Ngành cũng đang nỗ lực huy động mọi lực lượng để hỗ trợ các nhà trường vệ sinh, dọn dẹp trường lớp học, đảm bảo các điều kiện cần thiết để việc dạy và học trở lại bình thường. Đồng thời, động viên các cán bộ, giáo viên bị ảnh hưởng tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống”.

Theo kế hoạch, huyện Bảo Yên tiếp tục cho học sinh nghỉ học, đến hết ngày 15/9 trên 22.000 học sinh ở tất cả các bậc học mới quay trở lại lớp học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.