Trường học không khói thuốc: Làm gì để luật đi vào cuộc sống?

Trường học không khói thuốc: Làm gì để luật đi vào cuộc sống?

Trường học chưa chuyển động theo luật

Theo Điều 22 Luật Giáo dục 2019, hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự là những hành vi bị nghiêm cấm. Như vậy, khác với Luật Giáo dục 2005 chỉ nghiêm cấm các hành vi trên với người học, Luật Giáo dục 2019 quy định bất kỳ ai, kể cả là giáo viên, giảng viên hay học sinh, sinh viên, phụ huynh, khách tới làm việc... sẽ không được phép hút thuốc, uống rượu, bia, gây rối tại cơ sở giáo dục.

Đây được xem là hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục thực hiện tốt hơn nữa việc xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp và văn minh. Nói không với khói thuốc cũng sẽ giúp cơ sở giáo dục tiến tới xây dựng chế tài riêng cho sinh viên, giảng viên của mình với các hành vi trên.

Sau một tuần Luật Giáo dục mới đi vào cuộc sống, với quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học, ghi nhận của chúng tôi tại nhiều cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập cho thấy các hoạt động như tuyên truyền, thực hiện việc cấm hút thuốc tại nơi công cộng (căng tin, sân trường, sân bóng) trong khuôn viên nhiều trường vẫn chưa được thực hiện.

Tại nhiều nơi, sinh viên và khách đến liên hệ công tác vẫn vô tư hút thuốc. Khi được hỏi về quy định cấm sinh viên hút thuốc trong khuôn viên trường học, một sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tỏ ra bất ngờ vì không hay biết gì. Tương tự, một vị khách đến liên hệ công tác với Trường ĐH Sư phạm TPHCM vẫn vừa đi vừa hút thuốc bởi không thấy ai nhắc nhở gì?

Ông Nguyễn Thanh An - Phó Giám đốc Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên (Trường ĐH Luật TPHCM) cho biết: Trường biết quy định mới của Luật Giáo dục 2019. Ngoài giải pháp tuyên truyền, kêu gọi ý thức từ cán bộ, GV, sinh viên, các phương án và giải pháp để triển khai vấn đề trên mới chỉ bắt đầu vì còn phải xây dựng quy định.

Tương tự, tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, các giải pháp về xây dựng chế tài xử phạt người vi phạm hút thuốc trong khuôn viên mới chỉ manh nha.

Trường học không khói thuốc: Làm gì để luật đi vào cuộc sống? ảnh 1
Với những đơn vị có khuôn viên rộng lớn như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM rất khó để giám sát sinh viên, giảng viên hút thuốc trong khuôn viên trường.

Cần chế tài đủ mạnh

Nhìn nhận khó khăn phải đối mặt khi xây dựng môi trường học đường không khói thuốc, Trưởng phòng công tác sinh viên một trường đại học công lập cho rằng: Ngoài công tác tuyên truyền, vận động người hút thuốc tự giác thực hiện các quy định, để luật đi vào cuộc sống một cách bền vững cần có nhiều giải pháp đồng bộ và trong thời gian dài.

Ghi nhận tại nhiều không gian công cộng tại các trường đại học lớn ở TP HCM như ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐHQG TPHCM hay ĐH Sài Gòn… chúng tôi nhận thấy, để giám sát và quản lý, thậm chí xử phạt hành vi vi phạm hút thuốc lá trong cơ sở giáo dục là không hề đơn giản, và các trường trên sẽ không thể có lực lượng giám sát đủ lớn để thực hiện vấn đề trên. Đơn cử như với khuôn viên rộng lớn và nhiều mảng xanh như Trường ĐH Nông Lâm TPHCM hay ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, sinh viên, giảng viên có hút thuốc cũng không dễ bị phát hiện.

TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho rằng: Để xây dựng môi trường giáo dục không khói thuốc, trước hết cần sự chủ động từ chính các đơn vị. Đầu tiên, phải thiết lập được khu vực dành riêng cho người hút thuốc (nếu có), thứ đến là công tác tuyên truyền vận động; xây dựng chế tài xử phạt phải thật nghiêm và nặng với người vi phạm mới mong chuyển dịch được thói quen xấu (nghiện thuốc lá) mà nhiều sinh viên, giảng viên đang vướng.

"Nếu các trường không có kế hoạch và chiến lược mang tính lâu dài và bền vững, nhất là các giải pháp tác động vào ý thức tự giác và nhận thức của người nghiện thuốc lá cho vấn đề này chắc chắn mọi cách quản lý người hút thuốc lá giống như "bắt cóc bỏ đĩa" mà thôi. Bởi khi sinh viên, giảng viên đã thèm thuốc họ có thể hút thuốc bất cứ đâu khi thèm, đó có thể là cầu thang thoát hiểm, nhà vệ sinh, hay ngoài khuôn viên sân trường… mà không dễ bắt gặp và xử phạt. Cá nhân tôi thấy để luật đi vào cuộc sống, bám rễ và song hành với các hoạt động của nhà trường, các trường phải sớm ban hành các định chế xử phạt nghiêm" – TS Lê Lâm nói. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đặt bẫy ảnh để điều tra nắm bắt các loài động vật hoang dã.

'Mắt thần' giữ rừng Quảng Trị

GD&TĐ - Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) có tổng diện tích gần 23.500ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh nên có nhiều loài động vật quý hiếm.
Chúng ta không nhất thiết phải kiêng ăn thịt, vấn đề là chất lượng và số lượng thịt mà chúng ta nạp vào cơ thể. (Ảnh: ITN)

Ăn nhiều thịt gây nguy cơ mắc ung thư?

GD&TĐ - Nghiên cứu mới nhất của WHO cho biết thịt chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và thịt đỏ cũng có thể gây ra rủi ro này.
Diễn viên Anh Đào hóa thân thành Đoàn Thị Điểm trong phim 'Hồng Hà nữ sĩ'. Ảnh: Bình Thanh

Tiếc cho 'Hồng Hà nữ sĩ'

GD&TĐ - Cùng với 'Đào, phở và piano', 'Hồng Hà nữ sĩ' là phim Nhà nước đặt hàng Hãng phim truyện 1 và Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất.