Trường học Hà Nội sẵn sàng đón dân đến sơ tán do ngập úng

GD&TĐ - Trong sáng 10/9, nhiều trường học tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã đón người dân tại các khu vực ngập lụt tới ở tạm trong nhà đa năng, phòng họp.

Nhà đa năng của Trường Tiểu học Đức Thắng đã đón một số người dân thuộc khu vực có nguy cơ bị ngập úng trên địa bàn phường tới sơ tán.
Nhà đa năng của Trường Tiểu học Đức Thắng đã đón một số người dân thuộc khu vực có nguy cơ bị ngập úng trên địa bàn phường tới sơ tán.

Sáng 10/9, ông Nguyễn Hữu Tuyên - Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) và lãnh đạo một số ban ngành trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo di dời người dân ở một số nơi xung yếu và có nguy cơ bị ngập lụt về nơi an toàn.

Thực hiện chỉ đạo của UBND quận, UBND các phường trên địa bàn đã chuẩn bị các nhà văn hóa để phục vụ việc di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Các cơ quan chức năng của quận lên phương án đảm bảo nhu yếu phẩm cho nhân dân.

tu liem 1.jpg
Các phòng mà học sinh không học sẽ được trưng dụng tạm thời làm nơi ở tạm cho người dân.

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, bà Nguyễn Thị Hương - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho hay, đơn vị này đã chỉ đạo các trường học chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, đồ dùng và thực phẩm thiết yếu để đón người dân vào tránh trú tại trường học khi các địa phương tiến hành di dời dân, đảm bảo an toàn.

"Trong sáng 10/9, Trường Tiểu học Đức Thắng đã bố trí Nhà đa năng và phòng chức năng để tiếp nhận người dân tại khu vực nguy hiểm trên địa bàn phường tới trường ở tạm tránh ngập lụt. Việc học tập của học sinh không ảnh hưởng. Điều này thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau lúc khó khăn của dân tộc", bà Hương thông tin.

tu liem 4.jpg
Nhà đa năng Trường THCS Đông Ngạc sẽ là nơi ở tạm của người dân bị ảnh hưởng bởi ngập úng trong những ngày tới với đầy đủ nhu yếu phẩm kèm theo.

Tương tự, tại Trường THCS Đông Ngạc - cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lan Phương trao đổi, nhà trường hiện đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về chỗ ở để khi được lệnh từ cấp trên sẽ đón người dân vào ở tạm tại nhà đa năng của trường. Dự kiến trường có thể đón khoảng 200 người dân tới ở.

Nhà trường đã chủ động chuẩn bị cơ số thảm xốp, chăn, gối, chiếu, nước uống, thực phẩm ăn liền để phục vụ người dân đến sơ tán. Tinh thần đoàn kết, sẻ chia khó khăn lúc người dân gặp hoạn nạn tiếp tục được phát huy cao độ trong thời điểm này. Công tác dạy và học vẫn được nhà trường triển khai theo đúng kế hoạch năm học 2024-2025.

tu liem 2.jpg
Tại trường học đã chuẩn bị sẵn giường tầng, chăn chiếu gối để đón người dân đến sơ tán tránh ngập lụt.

Các phường trên địa bàn quận đã bố trí cán bộ trực ban 24/24h, chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực có địa hình trũng thấp dễ xảy ra ngập sâu, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán.

Đồng thời chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, đảm bảo không người dân nào bị bỏ lại phía sau; chủ động thu hoạch hoa màu ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy cơ bị ngập lũ.

lien mac.jpg
Trường Mầm non Liên Mạc sẵn sàng các điều kiện đón dân tới sơ tán từ chiều 10/9.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận Bắc Từ Liêm yêu cầu UBND các phường kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

Sông Hồng chảy qua địa bàn 4 phường thuộc quận Bắc Từ Liêm gồm: Thượng Cát, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc. Sông Nhuệ chảy qua các phường: Cổ Nhuế 2, Đức Thắng, Cổ Nhuế 1, Phú Diễn, Phúc Diễn, Thụy Phương. Công tác ứng phó với mưa lũ đang được các ban ngành chức năng quận Bắc Từ Liêm tích cực triển khai để đảm bảo an toàn cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.