Cắt, giảm thu nhập
Thầy Vũ Tất Tạo – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT Lê Ngọc Hân (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Kể từ khi học sinh nghỉ học, nhà trường không thu học phí trong khi hàng tháng vẫn phải trả khoản tiền thuê đất và các chi phí khác. “Cực chẳng đã, chúng tôi buộc phải cắt giảm thu nhập của giáo viên, còn cán bộ văn phòng – bộ khung của nhà trường vẫn phải bảo đảm thu nhập ổn định cho họ”, thầy Tạo cho hay.
Theo thầy Tạo, nhà trường chỉ có thể hỗ trợ khoảng 500 nghìn đồng/tháng cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên hợp đồng chính với nhà trường. Với giáo viên đã có lương hưu hoặc thuộc biên chế của các trường công lập đã có lương của Nhà nước trả (giáo viên thỉnh giảng), chúng tôi không đủ khả năng để hỗ trợ họ. “Đây là sự nỗ lực của nhà trường để vượt qua đại dịch. Nhưng nếu dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và học sinh vẫn phải nghỉ học, không biết chúng tôi có thể cầm cự được đến bao giờ”, thầy Tạo lo lắng.
Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu (Cầu Giấy, Hà Nội) - trường ngoài công lập có quy mô lớn - cũng phải áp dụng biện pháp cắt giảm thu nhập của giáo viên. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết: Trong tháng 1 - 2, nhà trường vẫn bảo đảm 100% thu nhập cho cán bộ, giáo viên. Nhưng sang tháng 3 phải tính đến phương án: Nhà trường sẽ trả cho giáo viên theo hiệu suất và hiệu quả công việc. Những giáo viên dạy học online vẫn trả lương bình thường. Còn thầy, cô thuộc bộ môn không phải dạy học trực tuyến, nhà trường hỗ trợ từ 50% - 60% tổng thu nhập/tháng, bảo đảm cao hơn mức trợ cấp thất nghiệp.
“Nhà trường đã và đang nỗ lực, cố gắng hết sức để duy trì thu nhập cho đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, nếu dịch vẫn có những dấu hiệu phức tạp, học sinh phải nghỉ học hết tháng 4, thậm chí sang tháng 5 là bài toán nan giải đối với nhà trường” – cô Thúy bộc bạch.
Thầy Trần Văn Kỳ Nam – Chủ tịch Hội đồng Quản trị hệ thống Trường Quốc Văn cở sở TPHCM và TP Cần Thơ cho hay: Hiện, nhà trường trả 70% thu nhập cho các giáo viên cơ hữu. Đối với giáo viên hợp đồng thỉnh giảng, nhà trường không đủ khả năng để hỗ trợ. Còn bộ phận hành chính, nhà trường hỗ trợ 50% tiền lương.
Là một trong những trường đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ, TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội khẳng định: Nhà trường vẫn bảo đảm thu nhập cả phần “cứng”, lẫn phần “mềm” cho cán bộ, giảng viên. “Để bảo đảm thu nhập và việc làm ổn định cho cán bộ giảng viên, chúng tôi điều chỉnh kế hoạch giảng dạy và thời gian nghỉ hè hàng năm. Cụ thể: Nhà trường áp dụng phương án đào tạo trực tuyến cho sinh viên. Ngoài ra, thay vì nghỉ 4 tuần của tháng 7 như những năm trước, năm nay nhà trường đẩy kỳ nghỉ này lên sớm hơn (từ 18/3 đến hết ngày 12/4/2020) trùng với thời gian nhà trường cho sinh viên nghỉ học để phòng tránh dịch Covid-19. Hết kỳ nghỉ này, cán bộ giảng viên sẽ phải làm việc như bình thường cho đến hết năm” - TS Hoàng Xuân Hiệp dẫn giải.
Còn theo TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng), nguyên tắc trả lương của nhà trường là giữ ổn định thu nhập phần cứng (gồm lương cứng theo hệ số và các chế độ của Nhà nước), còn phần thu nhập “mềm” có thể linh động tùy theo điều kiện thực tế. Hiện nay, thu nhập của giảng viên vẫn được bảo đảm ổn định cả phần “cứng” lẫn phần “mềm”. Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2020, đội ngũ nhân viên hành chính của nhà trường sẽ phải giảm ít nhất 30% thu nhập “mềm”, còn thu nhập phần “cứng” vẫn giữ ổn định.
Cố gắng cầm cự
Trường Mầm non Tư thục Tương Lai (phường 1, TP Sa Đéc, Đồng Tháp) cố gắng duy trì hoạt động bằng cách lấy quỹ phúc lợi để hỗ trợ chi trả theo mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng và đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên.
Cùng cảnh ngộ, một số trường mầm non ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cũng điêu đứng. Đại diện Trường Mầm non Minh Đức (khóm 2, thị trấn Mỹ An) trao đổi: Trường được thụ hưởng nguồn vốn vay hỗ trợ ưu đãi tín dụng đầu tư từ chính sách khuyến khích xã hội hoá lĩnh vực GD-ĐT theo Nghị quyết của HĐND tỉnh nên giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian nghỉ phòng dịch, chi trả cho giáo viên, nhân viên theo hướng bằng 50% bình quân ngày thường. Còn tại Trường Mầm non Tư thục Hoa Mai (khóm 3, thị trấn Mỹ An), chế độ cho cán bộ, giáo viên trong thời gian nghỉ phòng dịch được trả bằng 30% ngày thường.
TP Cao Lãnh, nơi tập trung nhiều trường ngoài công lập cũng hết sức khó khăn vì học sinh nghỉ, không có nguồn thu. Cô Phạm Thị Mỹ Hằng - chủ Nhóm trẻ Mầm non Tư thục 19/5 (TP Cao Lãnh) thông tin: “Hằng ngày, các cô điện thoại hỏi tình hình ra sao? Tôi cũng không biết trả lời thế nào vì nghỉ học sẽ còn kéo dài. Trong khi đa số giáo viên gia đình hoàn cảnh khó khăn, nếu hưởng 50% lương hợp đồng thực sự không đủ sống. Nhiều cô gắn bó với lớp lâu dài, nếu không giữ chân được thì rất buồn, đây cũng là điều đáng lo nhất của nhóm trẻ chúng tôi!”.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, trong tháng 2/2020, chỉ có 3/3 trường tiểu học và 60/158 trường, cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chi trả chế độ cho giáo viên, nhân viên. Trong đó, chỉ có vài trường chi trả đủ 100% theo thỏa thuận (không trả các khoản phúc lợi khác) khiến giáo viên không bảo đảm được đời sống… Đây cũng là khó khăn chung của hơn 600 giáo viên, nhân viên của 161 trường, cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.
Đối với cơ sở mầm non ngoài công lập tỉnh Đồng Tháp, có 2 cơ sở thông báo chấm dứt hoạt động, 4 cơ sở tạm dừng, 92 cơ sở không thực hiện chi trả chế độ, 62 cơ sở thực hiện chi trả lương từ 30 - 50% so với mức bình thường. Có 20 giáo viên, nhân viên của các trường ngoài công lập xin nghỉ việc. Qua khảo sát, Liên đoàn Lao động TP Cao Lãnh đã yêu cầu Công đoàn cơ sở các đơn vị nắm tình hình đời sống của đoàn viên, người lao động, kịp thời đề nghị hỗ trợ các suất trợ cấp cho đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Theo ông Nguyễn Văn Ngợi, Trưởng phòng GD&ĐT TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), việc nộp bảo hiểm xã hội cho giáo viên hợp đồng và đóng thuế của trường tư thục, phòng đã phản ánh đến các đơn vị chức năng xem xét, giải quyết. Qua đó chia sẻ khó khăn với thầy cô, để làm sao công tác phòng chống dịch hiệu quả. Để thầy cô giáo, đặc biệt là chủ các cơ sở giáo dục ngoài công lập tiếp tục đồng hành cùng ngành Giáo dục.
Trong quá trình thăm hỏi, động viên các trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp hiểu rõ khó khăn của các trường trong quá trình làm thủ tục vay vốn của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh. Đồng thời ghi nhận các kiến nghị của cơ sở giáo dục về hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên; Có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho giáo viên, nhân viên trong các cơ sở mầm non tư thục về tài chính; Giảm thuế thu nhập cá nhân hàng tháng đối với doanh nghiệp…; Sẽ lồng ghép tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vào nội dung giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực GD-ĐT trong thời gian tới.
Trường công loay hoay với dạy - học trực tuyến
Bắt tay vào dạy học trực tuyến, cô Nguyễn Thị Thu Nguyệt – giáo viên môn Hóa học, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) mới dừng lại ở việc giao bài tập ôn tập cho học sinh thông qua website và các group chứ chưa tổ chức dạy – học trực tuyến. “Trước đây, tôi sử dụng phần mềm Kahoot để các em làm bài tập trong một số tiết ôn tập. Thầy cô chỉ cần đăng ký tài khoản Kahoot tại địa chỉ GetKahoot.com, sau đó tạo bộ câu hỏi trắc nghiệm hoặc có thể chọn trong thư viện được chia sẻ với cộng đồng. Trò sẽ truy cập vào website bằng bất kỳ thiết bị nào có kết nối Internet và nhập số hiệu rồi dùng nickname của mình mà không cần đăng ký tài khoản để trả lời câu hỏi. Tuy nhiên, phần mềm này không sử dụng để dạy – học trực tuyến được”, cô Nguyệt tâm sự.
Từ thử nghiệm của một số giáo viên, giữa tháng 3, Trường THCS Nguyễn Huệ (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) triển khai sử dụng phần mềm Zoom để dạy bài mới cho HS khối 9 ở 3 môn Toán – Ngữ văn và Anh văn. Thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết: “Để bảo đảm tương tác giữa thầy và trò, chúng tôi tổ chức cho giáo viên khối 9 dạy theo lớp phân công trước đây, mỗi Zoom có 40 - 45 HS. Tất nhiên, để làm được điều này, trường phải chuẩn bị tốt kỹ thuật, chất lượng đường truyền và huy động đội ngũ GV nhiều hơn”.
Cũng sử dụng phần mềm Zoom giảng dạy, nhưng Trường THCS Tây Sơn (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) mới dừng lại ở ôn tập kiến thức và lồng ghép cung cấp một số kiến thức mới ở mức độ vừa phải. Thầy Nguyễn Đức Tú Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn thông tin: “Chúng tôi đăng ký dùng Zoom trực tuyến với gói 2 triệu/tháng nên số lượng HS tham gia mỗi Zoom được nhiều hơn. Chính vì vậy, một giáo viên/môn sẽ chịu trách nhiệm giảng dạy cho cả khối”. Những ngày đầu mới học trực tuyến, nhà trường “đau đầu” vì HS chat riêng với nhau ngay trong giờ học. Về sau, bộ phận kỹ thuật phát hiện có thể tắt phần chat giữa học sinh với học sinh, chỉ để lại chức năng chat giữa giáo viên với học sinh.
Một số trường học tại huyện Hòa Vang đã thực hiện giảng dạy trên kênh YouTube. Tuy nhiên, hình thức giảng dạy này không được khuyến khích. Phòng GD&ĐT Hòa Vang cũng yêu cầu các trường phải thẩm định chất lượng bài giảng khi tải lên kênh này và nên tắt chế độ bình luận.
Việc dạy - học trực tuyến còn dè dặt theo các trường, ngày 3/4 Sở GD&ĐT Đà Nẵng mới có công văn về việc tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng chống Covid–19. Theo đó, các trường sẽ dạy học bài mới, các kiến thức mới cho HS, có kiểm tra, đánh giá.
Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu cho hay: “Từ một số trường học tổ chức dạy – học trực tuyến với các phần mềm giảng dạy có sự tương tác giữa thầy và trò cho thấy cần có sự đầu tư về phương tiện dạy – học. Ít nhất các em phải được trang bị iPad hoặc máy vi tính. Nơi học cũng phải thật yên tĩnh vì âm thanh ngoài lọt vào cũng khiến học sinh trong Zoom mất tập trung”.
Tuy mới chỉ dừng lại ở ôn tập kiến thức cũ, nhưng theo như bà Thúy Hà, đây là cơ hội để giáo viên và HS tập làm quen và thích ứng với phương thức học tập mới. “Một tiết học trên Zoom giảng dạy cũng có thời gian 45 phút nhưng giáo viên không thể “bê nguyên” giáo án như một tiết dạy ở trên lớp mà phải thiết kế lại. Thầy cô cũng phải chuẩn bị chu đáo để có thể giải quyết linh hoạt các tình huống dạy học, như khâu ổn định lớp học cũng đã khác so với lớp học truyền thống”, bà Thúy Hà phân tích.
Dự kiến, trong năm học tới, với học sinh lớp 1 của Chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi sẽ tuyên truyền với phụ huynh ngay từ đầu năm học để “thả” một vài tiết học trực tuyến cho các em quen dần. Việc làm này cần có sự đồng hành, ủng hộ của phụ huynh. Đây là cách để xây dựng thói quen tự học cho học sinh những bậc học cao hơn. - Bà Trần Thị Thúy Hà