Trường học đầu tiên của Vĩnh Phúc đạt 5S

GD&TĐ - Trường THPT Vĩnh Yên là trường đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc được trao Chứng nhận trường học 5S.

Trao Chứng nhận đạt 5S cho trường THPT Vĩnh Yên. Ảnh: Văn Lự
Trao Chứng nhận đạt 5S cho trường THPT Vĩnh Yên. Ảnh: Văn Lự

Chương trình tổng kết thí điểm xây dựng mô hình áp dụng công cụ cải tiến năng suất, chất lượng 5S được Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cùng Sở KH&CN và Trường THPT Vĩnh Yên tổ chức ngày 15/1.

Tạo môi trường làm việc khoa học

Sau hơn 4 tháng thực hiện Dự án, đoàn đánh giá gồm đại diện Cục đo lường chất lượng - Sở KH&CN Vĩnh Phúc, đại diện Sở GD&ĐT và trường THPT Vĩnh Yên đã kiểm tra, đánh giá với kết quả đạt 60% các yêu cầu mục tiêu đặt ra.

5S là một phương pháp quản lý nhằm mục đích cải tiến môi trường làm việc. Đây cũng là một chương trình, hoạt động thường trực trong một doanh nghiệp hoặc một đơn vị hành chính.

Ông Tạ Văn Sinh, Chi cục Trưởng Chi cục đo lường chất lượng Sở KH&CN Vĩnh Phúc phát biểu tại buổi tổng kết. Ảnh: Văn Lự
Ông Tạ Văn Sinh, Chi cục Trưởng Chi cục đo lường chất lượng Sở KH&CN Vĩnh Phúc phát biểu tại buổi tổng kết. Ảnh: Văn Lự

Thực tế nhà trường phổ thông nước ta, môi trường làm việc là nhân tố quan trọng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng công việc nhưng chưa được chú trọng và chưa được tổ chức ngăn nắp, khoa học. Để có môi trường dạy và học hiệu quả thì không gian xung quanh, đồ dùng, dụng cụ, hồ sơ, giấy tờ cần được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ, khoa học.

Với tiêu chí sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng, 5S giúp phân loại, bố trí, sắp đặt mọi thứ ngăn nắp, giữ gìn vệ sinh, đảm bảo môi trường, mỹ quan, thuận tiện cho công việc. Đây là yếu tố thiết thực của môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp phù hợp với các nhà trường phổ thông trong công tác quản lý dạy và học.

Thực hiện 5S trong nhà trường tạo ra sự thay đổi kỳ diệu, bỏ đi thứ không cần thiết và sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, thuận tiện mọi thứ một cách khoa học, dễ dàng tìm và sử dụng. Dự án 5S đòi hỏi tinh thần tập thể, hòa đồng thầy cô giáo và học sinh cùng thay đổi nhận thức và thói quen, cùng xây dựng thái độ tích cực và có trách nhiệm trong công việc dạy và học tập.

Một yêu cầu quan trọng nữa là từ nhận thức về 5S, thầy và trò sẽ tuyên truyền mọi người cùng làm, cùng thường xuyên thực hiện và duy trì 5S trong mọi lúc mọi nơi để thói quen 5S thành nếp sống của mỗi người Việt Nam hiện đại.

Mục tiêu của chương trình 5S.

Mục tiêu của chương trình 5S.

Xu thế áp dụng 5S trong trường phổ thông đã được nhiều quốc gia, và nhiều tỉnh ở Việt Nam đã và đang thực hiện hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế 4.0. Việc thực hiện 5S không phải là quá khó khăn hay tốn kém.

Những thành quả to lớn thực hiện 5S đều bắt nguồn từ những thay đổi nhỏ tích cực của từng cá nhân. Mục đích cuối cùng của chương trình 5S là tạo ra môi trường làm việc khoa học, có lợi cho sức khỏe, góp phần nâng cao năng suất hoạt động giảng dạy và học tập, trải nghiệm trong các nhà trường hiện nay.

Lan tỏa đến gia đình và cộng đồng

Nhà giáo Nguyễn Thị Mai Chang, Hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Yên, cho biết: “Không ai phủ nhận được tác dụng của dự án 5S đã làm thay đổi nhà trường THPT Vĩnh Yên như thế nào. Từ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, khi hiểu về 5S đã bắt tay vào làm và làm hết sức để hoàn tất công việc. Tôi hi vọng tư tưởng và giá trị của 5S sẽ lan tỏa đến từng gia đình và cộng đồng dân cư để thành ý thức, hành động thường xuyên của mỗi người”.

Ảnh chụp màn Facebook của nhà giáo Kim Thu Hương. Ảnh: Văn Lự.

Ảnh chụp màn Facebook của nhà giáo Kim Thu Hương. Ảnh: Văn Lự.

Nhà giáo Kim Thu Hương, môn Vật Lý trường THPT Vĩnh Yên đã cùng các con thực hiện 5S và sau vài ngày, căn nhà, khu bếp sáng sủa và gọn gàng như mới.

Chia sẻ với học sinh, các em cho biết còn mơ hồ về 5S và mong muốn, các dự án dành cho các em nhiều thời gian và trải nghiệm hơn. Về khó khăn duy trì và thực hiện 5S, các em nói rằng với học sinh hiện nay là rất khó. Làm thay đổi nhận thức và thói quen cần thời gian và kỉ luật.

“Em biết các nước hiện đại họ dùng camera giám sát và xử nguội, nên người dân buộc phải làm và thành quen. Học sinh Nhật Bản từ nhỏ mẫu giáo đã thực hiện 5S còn ở ta thì chỉ học được ưu tiên số một”- một học sinh lớp 11A6 cho biết.

Nhà giáo Nguyễn Văn Tuấn, chia sẻ thêm: “Tôi rất tán thành 5S. Khi thực hiện 5S, tôi thấy khó khăn về cơ sở vật chất thiếu thốn và xuống cấp, thiếu kinh phí và đặc biệt là sự lười biếng của con người. Muốn duy trì được 5S, mỗi thầy cô, mỗi học trò cần thay đổi suy nghĩ và hành động, coi đây như một thói quen tốt cần làm ngay và thường xuyên, ở nhà rồi ở trường”.

Kết quả đánh giá thực hiện 5S (Ảnh chụp màn hình Báo cáo của Đoàn đánh giá).

Kết quả đánh giá thực hiện 5S (Ảnh chụp màn hình Báo cáo của Đoàn đánh giá).

Phát biểu tại buổi Tổng kết, ông Tạ Văn Sinh, Chi cục Trưởng Chi cục đo lường chất lượng Sở KH&CN Vĩnh Phúc đã cảm ơn nhà trường và các cán bộ chuyên gia đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“Trường THPT Vĩnh Yên vinh dự là trường đầu tiên của Vĩnh Phúc được trao Chứng nhận trường học 5S và tôi mong thầy trò nhà trường hãy phát huy tính tự giác và kỉ luật để duy trì thật tốt, hoàn tất thật tốt các tiêu chí của chương trình 5S”, ông Tạ Văn Sinh nhấn mạnh.

Được biết, trường THPT Vĩnh Yên thực hiện thí điểm trong năm 2023 và trường THPT Bến Tre (TP Phúc Yên) sẽ là trường thứ 2 của Vĩnh Phúc thực hiện thí điểm chương trình 5S. Sau khi tổng kết, đánh giá, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ mở rộng mô hình 5S trong nhiều đơn vị nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ