Trường học bán trú vùng cao thiếu thốn đủ bề

GD&TĐ - Từ năm học 2015 - 2016, được chuyển đổi thành trường dân tộc bán trú nhưng hiện nay, Trường PTDT bán trú THCS Sơn Long (xã miền núi Sơn Long, huyện nghèo Sơn Tây, Quảng Ngãi) vẫn chưa có gì thay đổi so với trước. 

Nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà ở bán trú cho học sinh còn thiếu và tạm bợ
Nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà ở bán trú cho học sinh còn thiếu và tạm bợ

Hệ thống cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề không đáp ứng được yêu cầu tổ chức bán trú cho học sinh. Bên cạnh việc thiếu phòng, lớp học để triển khai hoạt động dạy học theo mô hình trường học bán trú, nhà trường còn thiếu phòng ở bán trú, nhà vệ sinh, nhà bếp… khiến mọi hoạt động của giáo viên, học sinh gặp phải rất nhiều khó khăn.

Cơ sở vật chất chắp vá

Theo Ban giám hiệu nhà trường, để thực hiện chuyển đổi Trường THCS Sơn Long thành mô hình Trường PTDT bán trú Sơn Long, Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây đã “cắt” dãy phòng học của Trường Tiểu học Sơn Long bàn giao cho trường sử dụng rồi lấy phòng học bậc mầm non chuyển cho Trường Tiểu học Sơn Long. 

Việc làm như kiểu “giật gấu, vá vai” khiến cho hoạt động của các trường gặp phải không ít lo lắng. Bởi vậy, mặc dù đã bàn giao phòng học cho Trường PTDT bán trú THCS Sơn Long nhưng để giải quyết tình hình thiếu phòng học, giáo viên, học sinh Trường TH Sơn Long vẫn sử dụng phòng học để tổ chức dạy học.

Dẫn chúng tôi đến căn nhà dựng tạm sau trường làm bếp nấu ăn phục vụ bán trú cho học sinh, thầy Nguyễn Anh Tuấn ái ngại nói: “Căn nhà tạm bợ này được cán bộ, giáo viên chung tay dựng cho nhiều năm nay đã không còn chắc chắn nữa. 

Mong rằng, việc chuyển đổi loại hình trường, nhà trường sẽ nhận được sự quan tâm đầu tư từ chính quyền địa phương, lãnh đạo ngành để xây dựng khu nhà bếp cũng như các công trình phụ trợ khác phục vụ hoạt động bán trú cho học sinh”. 

Theo thầy Tuấn, hiện nay nhà trường cũng chưa có kinh phí để hợp đồng thuê nhân viên cấp dưỡng, phục vụ nấu ăn bán trú cho học sinh, mọi công việc đều dồn lên đôi vai của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường. Ngày ngày, ngoài việc tập trung giảng dạy trên lớp, cán bộ, giáo viên còn tranh thủ thời gian, công sức để chăm lo đời sống cho học sinh. 

Thầy Vũ Đức Hiếu - Chủ tịch Công đoàn Trường PTDT bán trú THCS Sơn Long - chia sẻ: Dẫu cuộc sống người giáo viên vùng cao còn chịu nhiều thiệt thòi nhưng ai cũng mong muốn nhà trường sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên triển khai được nhiều giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng dạy và học; học sinh không chỉ được học ngày 2 buổi, mà còn được giáo viên kèm cặp, phù đạo kiến thức vào buổi tối.

Chồng chất nỗi lo

Theo thầy Lê Hoài Thành - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, việc thành lập mô hình trường PTDT bán trú tại huyện nghèo Sơn Tây là một chủ trương đúng đắn. 

Nó sẽ khắc phục được những khó khăn trong việc đi lại, ăn ở, học tập của học sinh, nâng dần chất lượng giáo dục - vấn đề mà bấy lâu nay ngành GD&ĐT Sơn Tây hết sức trăn trở, tập trung tìm giải pháp tháo gỡ. 

Theo lộ trình thành lập trường PTDT bán trú giai đoạn 2013 - 2020 của tỉnh Quảng Ngãi, huyện Sơn Tây dự kiến sẽ thành lập 14 trường PTDT bán trú. Tuy nhiên, đến nay, huyện chỉ thành lập được 1 trường PTDT bán trú trên cơ sở chuyển đổi từ trường công lập. 

Theo đó, năm học 2015 - 2016, Trường THCS Sơn Long thành Trường PTDT bán trú THCS Sơn Long - ngôi trường miền núi đầu tiên của huyện Sơn Tây hoạt động theo mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Ngãi được phê duyệt cách đây 2 năm. 

Nhà trường thực hiện hoạt động theo mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú. Hiện tại, đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó cơ bản nhất là thiếu hệ thống cơ sở vật chất. 

Đây là một quyết định khó khăn của chính quyền địa phương, của ngành GD&ĐT khi thực hiện loại trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ngãi.

Theo thầy Đoàn Dụng - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, việc thành lập trường PTDT bán trú không theo đúng kế hoạch là do nhiều nguyên nhân. 

Trong đó, nguyên nhân chính là việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường trong lộ trình thành lập trường PTDT bán trú bị hạn chế, dẫn đến tình trạng các trường PTDT bán trú trên địa bàn đều thiếu nhà ăn, bếp nấu, nhà ở bán trú cho học sinh. Ngoài ra, nhiều trường còn thiếu đội ngũ cấp dưỡng, quản lý nội trú.

Theo kết quả khảo sát mới nhất do các UBND huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi gửi về Sở GD&ĐT, trong giai đoạn 2013 - 2020, sẽ có 41 trường PTDT bán trú thành lập trên địa bàn 6 huyện.                                                                                                                           Trong đó, huyện Ba Tơ có 5 trường, Sơn Hà 3 trường, Sơn Tây 14, Trà Bồng 5, Tây Trà 12. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đến thời điểm này mới thành lập được 10 trường, nhưng chỉ có 4 trường ở huyện Tây Trà được cấp phép đi vào hoạt động đảm bảo theo mô hình trường PTDT bán trú.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ