Trường ĐHSP- ĐHTN với công tác nghiên cứu khoa học

Trường ĐHSP- ĐHTN với công tác nghiên cứu khoa học

(GD&TĐ)- Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên (ĐHSP- ĐHTN), trước đây là Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, được thành lập năm 1966. Nhà trường hiện có 577 CB-VC với 380 giảng viên. Trong số đó có 20 PGS, 65 Tiến sĩ, 262 Thạc sĩ, 118 giảng viên đang học NCS trong và ngoài nước, phấn đấu đạt mục tiêu 25% giảng viên có trình độ TS vào năm 2015. Quy mô đào tạo của nhà trường hiện nay là 12.180 SV và học viên cao học, NCS.

thuc nghiem.jpg
GV nhà trường đang hướng dẫn SV lấy mẫu tiêu bản. 

Trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy, Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên luôn coi trọng và đưa nghiên cứu khoa học (NCKH) trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Từ khi thành lập cho đến nay, ĐHSP- ĐHTN luôn được đánh giá là cơ sở đào tạo, NCKH vững mạnh trong khối các trường thuộc Đại học Thái Nguyên, cũng như trong khối ngành sư phạm. Mới đây, Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với Hiệu trưởng Trường ĐHSP- ĐHTN PGS.TS Phạm Hồng Quang xung quanh vấn đề này.

NCKH là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, từ trước tới nay nhà trường đã có nhiều đề tài, công trình, vậy các công trình NCKH này mang lại hiệu quả như thế nào?

PGS.Ts Phạm Hồng Quang: Trong 5 năm (2006 - 2010) số lượng đề tài các cấp đã tăng nhanh (đề tài cấp Bộ tăng 164.86% so với giai đoạn 2001-2005), lĩnh vực nghiên cứu đa dạng, kết quả nghiên cứu có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn. Nhà trường đã và đang chủ trì 02 đề tài độc lập cấp Nhà nước, 05 đề tài nghiên cứu cơ bản, 12 đề tài trọng điểm cấp Bộ, 118 đề tài cấp Bộ, 04 dự án cấp Bộ liên quan đến việc phục vụ công tác chỉ đạo và quản lý ngành. Kết quả nghiệm thu các đề tài được đánh giá xếp loại xuất sắc và tốt đạt trên 92%. 

Chúng tôi xác định nghiên cứu Khoa học và Công nghệ (KH-CN) là một trong những thế mạnh của đơn vị, trong đó Khoa học Giáo dục là trọng tâm. Các đề tài KH-CN gắn với hoạt động này đã phục vụ tốt công tác đào tạo, bồi d­ưỡng GV Phổ thông, gắn với mục tiêu phát triển giáo dục của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Kết quả nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn, về văn hoá, về con ng­ười đã được ứng dụng vào nhiệm vụ phát triển KT-XH miền núi phía Bắc. 100% các đề tài Khoa học Giáo dục có khả năng ứng dụng thiết thực và triển khai hiệu quả trong thực tiễn đào tạo và bồi dưỡng giáo viên phổ thông. 

PGS.Ts Phạm Hồng Quang
 PGS.Ts Phạm Hồng Quang

Trong thời gian qua, các đề tài KH đã phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo. Đã có 14 Tiến sĩ, 872 thạc sĩ bảo vệ thành công luận án từ các đề tài NCKH, cũng từ hoạt động NCKH, 17 Tiến sĩ đủ tiêu chuẩn phong chức danh Phó giáo sư, 40 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Qua quá trình thực hiện đề tài KH-CN, chất lượng giảng viên trong Nhà trường được nâng lên thông qua quá trình tự bồi dưỡng và nghiên cứu.

Tiềm lực khoa học cũng được nâng lên rõ rệt: Các nhóm chuyên gia của Trường đã xây dựng, đấu thầu thành công 12 đề tài khoa học trọng điểm; 1 đề tài cấp Nhà nước. Đã có 75 công trình công bố Quốc tế và 600 công trình công bố trong nước. Sản phẩm nghiên cứu của các đề tài trở thành các học liệu, phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo của Trường.

Qua công tác này, nhiều hội thảo KH-CN được tổ chức, đồng thời mở ra cho nhà trường cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác nghiên cứu với rất nhiều Trường đại học trong và ngoài nước.

Công tác NCKH trong đội ngũ cán bộ trẻ được nhà trường quan tâm, khuyến khích như thế nào?

PGS.Ts Phạm Hồng Quang: Trong số 118 giảng viên là nghiên cứu sinh, 262 Thạc sĩ của trường đang học tập và nghiên cứu tại các cơ sở trong và ngoài trường thì tỷ lệ giảng viên trẻ, dưới 35 tuổi chiếm tới 2/3. Để động viên, khuyến khích GV trẻ tham gia NCKH, nhà trường có chủ trương ưu tiên xét duyệt đề tài NCKH cấp Bộ, cấp Cơ sở cho các đối tượng là các cán bộ trẻ (2/3 số lượng đề tài cấp Bộ là do các nghiên cứu sinh chủ trì). Ngoài ra, Nhà trường còn có chế độ chính sách ưu đãi cho các cán bộ đi học, bảo vệ luận án đúng hạn, có bài đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành và quốc tế.

Trong những năm qua, Trường đã có sự quan tâm đúng mức đến hoạt động khoa học cấp Cơ sở, đặc biệt là các đề tài phục vụ công tác giảng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên. Bên cạnh nguồn kinh phí do ĐHTN hỗ trợ (367,5 triệu đồng), Trường đã hỗ trợ tổng số kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học cấp cơ sở là 588,74 triệu đồng. Giai đoạn 2006 - 2010, trường đã và đang tiến hành 212 đề tài cấp cơ sở. Kết quả nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học cơ sở xếp loại xuất sắc và tốt đạt 85,7%; loại khá đạt 12,2%.

Sắp tới, ngày 14/5/2011, Trường ĐHSP- ĐHTN tổ chức "Hội thảo khoa học cán bộ trẻ". Đối tượng tham gia là GV có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ hoặc đang học cao học, NCS dưới 35 tuổi. Hội thảo sẽ tạo diễn đàn khoa học để cán bộ trẻ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, trình bày các kết quả nghiên cứu và ứng dụng KH-CN, phát triển các kỹ năng cần thiết trong hoạt động nghiên cứu, góp phần thực hiện chiến lược xây dựng đội ngũ CBGV có trình độ cao. Đây là một trong những hoạt động quan trọng và thiết thực của cán bộ trẻ hưởng ứng phong trào thi đua lập thành tích chào mừng 45 năm thành lập Trường.

Còn đối với Sinh viên, nhà trường đã triển khai công tác này như thế nào, và chất lượng các đề tài, công trình NCKH được đánh giá ra sao?

PGS.Ts Phạm Hồng Quang: Sinh viên Trường ĐHSP- ĐHTN đã sớm tham gia giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học”, giải thưởng “Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - VIFOTEC” và luôn giành được thành tích cao. Trong 10 năm, đã có 3.005 đề tài NCKH, thu hút 3.423 SV tại trường tham gia nghiên cứu. Trường có 76 đề tài đoạt giải SV NCKH toàn quốc.

Nhiều năm liên tục, Trường ĐHSP-ĐHTN luôn được đánh giá là một trong tốp 20 trường Đại học và Học viện trên cả nước có thành tích nổi bật trong hoạt động NCKH của sinh viên. Nhiều giảng viên trẻ của Trường đã trưởng thành từ hoạt động NCKH sinh viên. 

Tu Thuc hanh.jpg
SV trường ĐHSP- ĐHTN trong giờ thực nghiệm. 

Năm 2005, Trường đã đăng cai và tổ chức thành công “Hội nghị NCKH sinh viên toàn quốc lần thứ III”, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao, để lại ấn tượng tốt cho các trường tham dự Hội nghị. Đây là mốc quan trọng mở ra một giai đoạn phát triển mới của hoạt động NCKH sinh viên của Trường cả về quy mô và chất lượng của đề tài nghiên cứu. Từ năm 2006-2010 Trường có 2213 sinh viên tham gia nghiên cứu 1988 đề tài khoa học. Trong giai đoạn này 32 đề tài đã đạt giải SVNCKH toàn quốc. Về kinh phí hỗ trợ sinh viên NCKH, trong thời gian qua, từ nhiều nguồn khác nhau, nhà trường đã hỗ trợ hơn 3 tỷ 620 triệu đồng cho các công trình.

Với những kết quả đạt được, nhiều năm liền (từ 2000-2009) Trường ĐHSP-ĐHTN liên tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen giành cho đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong phong trào NCKH của sinh viên. Hai lần Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen "vì thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học" trong giai đoạn 1989- 2004, 2000- 2010.

Theo ông đâu là yếu tố quyết định những thành tích trong NCKH của Trường ĐHSP- ĐHTN thời gian qua và trong thời gian tới nhà trường tổ chức thực hiện công tác này như thế nào?

PGS.Ts Phạm Hồng Quang: Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường thường xuyên quan tâm, kịp thời chỉ đạo sâu sát, đội ngũ giảng viên cùng với bộ phận Quản lí Khoa học và Quan hệ Quốc tế đã chủ động tích cực là nhân tố đầu tiên, quyết định đến định hướng và hiệu quả nghiên cứu khoa học của đơn vị. Hoạt động NCKH của nhà trường luôn được tiến hành đúng quy trình, trình tự theo luật và quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, Tr­ường luôn chủ động kế hoạch và kịp thời điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị. Đồng thời, xây dựng các nhóm chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực nghiên cứu để chủ động đề xuất các dự án, các đề tài trọng điểm, xác định hư­ớng nghiên cứu; Luôn luôn tạo môi tr­ường thuận lợi cho cán bộ, giảng viên được tham gia nghiên cứu KH&CN, công bố các kết quả nghiên cứu trong quá trình thực hiện các đề tài khoa học, trong quá trình làm luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ. Thực hiện quy định 100% đề tài cấp Bộ công bố kết quả trên các tạp chí chuyên ngành, kết quả đề tài trọng điểm xuất bản thành sách.

Xin cảm ơn ông?
Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ