Tại buổi giới thiệu, Phó Giáo sư Tiến sĩ Võ Văn Sen (Hiệu trưởng trường) đã ôn lại chặng đường hình thành, xây dựng và phát triển của trường qua 3 giai đoạn lịch sử: Trường Đại học Văn khoa – Viện Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG-HCM.
PSG.TS Võ Văn Sen cũng đã giới thiệu về các hoạt động sôi nổi và đa dạng trong khuôn khổ chương trình Kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển nhà Trường sẽ được tổ chức xuyên suốt từ nay đến cuối tháng 11.2017.
Trong đó có các hoạt động tiêu biểu như: Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học thuộc Mạng lưới các trường đại học Con đường tơ lụa (SUN) năm 2017; Hội thảo Khoa học quốc tế “Khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”, “Hội nghị cựu sinh viên” với 60 gương mặt cựu sinh viên tiêu biểu trong mọi lĩnh vực Chính trị Xã hội, Khoa học Giáo dục, Kinh tế, Văn hóa Nghệ thuật… Và đặc biệt là Lễ kỷ niệm và đêm Gala kỉ niệm 60 năm hình thành và phát triển trường ĐH KHXH&NV vào ngày 20 tháng 11 năm 2017.
Trong 60 năm hình thành và phát triển, Trường ĐH KHXH&NV đã đạt được nhiều thành quả to lớn, khẳng định được vai trò quan trọng đối với ngành giáo dục. Trường là một trong hai trung tâm đào tạo, nghiên cứu nguồn nhân lực trình độ cao và các sản phẩm khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, góp phần hoạch định chính sách xã hội và tạo dựng vị thế của khoa học xã hội và nhân văn trong khu vực.
Năm 2017, Trường ĐH KHXH&NV đã nhận Giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng giáo dục. Trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục với tỷ lệ các tiêu chí đạt yêu cầu là 86,9%. Đây là kết quả ghi nhận chất lượng, truyền thống giáo dục và những đóng góp của Trường ĐH KHXH&NV đối với xã hội.
PSG.TS Võ Văn Sen cho biết:“Trường vẫn đang tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm khẳng định định hướng, chiến lược và triển vọng phát triển Nhà trường trong giai đoạn mới, hướng đến một đại học nghiên cứu hàng đầu Việt Nam và khu vực trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đồng thời, khẳng định tính đúng đắn của triết lý Giáo dục toàn diện – Khai phóng – Đa văn hoá”.