Theo đó, trong danh sách mà WDOMs vừa công bố, tại Việt Nam, ngoài ĐH Tân Tạo còn có một số trường ĐH có chuyên ngành Y “tên tuổi” như: ĐH Y Hà Nội, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y dược Hải Phòng, ĐH Y dược Huế… (có thể xem danh sách chi tiết các trường ĐH Y được công bố trên trang web chính thức của WDOMs).
GS Thạch Nguyễn, Quyền Hiệu trưởng, kiêm Trưởng khoa Y - Trường TTU trong buổi khai giảng năm học mới. |
GS Thạch Nguyễn, Quyền Hiệu trưởng, kiêm Trưởng khoa Y, Trường ĐH Tân Tạo cho biết, cũng từ thời điểm này, sinh viên (SV) khoa Y của TTU đã từng ôn tập chương trình Chứng chỉ hành nghề Y tại Mỹ (USMLE) sẽ bước vào giai đoạn thách thức nhất: thi chứng chỉ hành nghề Y tại Mỹ. Đây là một bước ngoặt lớn không chỉ cho riêng TTU mà còn cho mọi trường Y tại Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử đào tạo ngành Y nước nhà, một trường ĐH tư thục non trẻ đã mở ra cánh cửa cho SV được thi bằng hành nghề ở Mỹ. Nhờ đó, SV khoa Y của TTU sau khi tốt nghiệp hoàn toàn có thể chuyển tiếp bác sĩ nội trú tại Mỹ, thi nốt Step 3 theo như quy định. Sau khi thi đậu, được phép hành nghề tại Mỹ như bất cứ SV khoa Y của quốc gia này.
Cách đây 4 năm, khi TTU bắt đầu chương trình đào tạo USMLE cho SV, đã có nhiều người hồ nghi về tính khả thi của việc ôn luyện này. Vì khi ấy, TTU còn chưa được công nhận trong danh sách trường Y thế giới. Nếu không được công nhận, SV khoa Y sẽ không bao giờ được dự thi USMLE dù khổ luyện bao nhiêu.
Một góc khuôn viên Trường TTU |
Với việc TTU đã chính thức được công nhận trong danh sách các trường đào tạo ngành Y trên toàn thế giới, mọi SV đã học USMLE đã có điều kiện cần và đủ để được tham gia kỳ thi, do đó, cần ôn tập lại kiến thức để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi đầu tiên sẽ diễn ra sau đây không lâu.
Vướng mắc duy nhất là do Việt Nam chưa có địa điểm thi nên các SV sẽ phải đăng ký thi tại Thái Lan hoặc Singapore. Tuy nhiên, đại diện Ban giám hiệu của TTU khẳng định đó không phải khó khăn. Nhà trường sẽ hỗ trợ các SV tốt nhất trong kỳ thi này.
GS.TS.BS Thạch Nguyễn khẳng định: TTU dạy cho các SV chương trình USMLE không phải là để sau khi tốt nghiệp các em sẽ hành nghề tại Mỹ mà mục đích tối thượng là để nâng cao trình độ Y khoa của các bác sĩ Việt Nam xuất thân từ TTU sánh ngang với các bác sĩ Mỹ. Họ sẽ dùng tài năng đó để chăm sóc sức khỏe, phụng sự nhân dân, đồng bào cả nước. Đó là chiến lược thứ nhất và quan trọng nhất trong định hướng phát triển của TTU.