Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM ba năm không tăng học phí

GD&TĐ -Trước những ý kiến trái chiều về việc tăng mạnh học phí so với năm trước, Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với đại diện Trường ĐH SPKT TPHCM. 

Trường ĐH SPKT TPHCM không tăng học phí trong suốt 3 năm qua.
Trường ĐH SPKT TPHCM không tăng học phí trong suốt 3 năm qua.

Học phí thế nào là phù hợp, tăng thì tăng bao nhiêu để đảm bảo hoạt động đào tạo có chất lượng luôn là câu hỏi khó tìm được sự đồng thuận. Tuy nhiên, có một thực tế suốt 2 - 3 năm nay nhiều trường Đại học vì sinh viên đã không tăng học phí.

Điều này rõ ràng là khó có thể duy trì lâu khi đòi hỏi của người học ngày càng cao, chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo của xã hội, doanh nghiệp ngày càng khắt khe và chọn lọc.

Học phí tăng đều nằm trong lộ trình, thông báo đầy đủ đến sinh viên

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, TS Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM khẳng định việc tăng học phí của Nhà trường nằm trong lộ trình và trần quy định.

PV: Ông có thể cho biết lộ trình mức học phí của trường 3 năm gần nhất là bao nhiêu?

TS Quách Thanh Hải: Từ năm học 2017 - 2020, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM được chính phủ phê duyệt thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Quyết định số 937/QĐ-TTg. Theo Quyết định này, năm học 2019 - 2020 trường được thu học phí hệ chính quy đại trà với mức thu tối đa là 19 triệu đồng. Năm học 2020 - 2021, Trường thu học phí hệ chính quy đại trà mức tối đa 19,5 triệu.

Ngày 20/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, xác định Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là đơn vị tự chủ tài chính Nhóm 1.

Ngày 27/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí … thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.

Theo quy định tại Nghị định này có nói rõ: “đối với cơ sở giáo dục đại học công lập đạt mức kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT quy định hoặc đạt kiểm định chất lượng chương trình theo tiêu chuẩn nước ngoài, thì được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành”.

Mặt khác, theo quy định tại Nghị Định 81 thì “đơn vị tự chủ tài chính Nhóm 1 được thu mức thu học phí cao gấp 2,5 lần so với các đơn vị không tự chủ tài chính.

Nếu xác định theo lộ trình học phí theo NĐ81 thì trường có thể thu học phí mức tối đa như sau: Năm học 2021 - 2022: 24 triệu; 2022 - 2023: 36,25 triệu; 2023-2024: 41 triệu…Tuy nhiên thực tế mức thu tại trường các năm qua như sau không tăng khi năm 2021-2022 Trường vẫn giữ nguyên mức thu như năm 2020-2021 (với hệ chính quy đại trà tối đa là 19,5 triệu).

Ở năm học vừa rồi, 2022 -2023, Hội đồng trường đã ban hành Nghị quyết số 75-NQ/HĐT(ngày 13/12/2021) theo đó xác định mức thu học phí hệ chính quy đại trà với 3 mức là 19,5 triệu (các ngành kinh tế, xã hội); 21,5 triệu (các ngành kỹ thuật, công nghệ) và 26 triệu (các ngành kiến trúc).

Tuy nhiên ngày 20/12/2022 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, theo đó Chính phủ quy định mức thu học phí đại học năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 (tối đa 19,5 triệu) do đó có thể nói 3 năm liền Trường không tăng học phí.

Sinh viên Trường ĐH SPKT TPHCM trong một giờ thực hành.

Sinh viên Trường ĐH SPKT TPHCM trong một giờ thực hành.

PV: Mức học phí năm nay được xây dựng trên chính sách nào? So với mức trần của Nghị Định 81 quy định Trường được thu, liệu học phí có tăng cao như phản ánh?

TS Quách Thanh Hải: Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên nhà trường xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và xác định học phí căn cứ theo định mức kinh tế - kỹ thuật đã xây dựng và đảm bảo không vượt quá mức trần quy định tại Nghị Định 81, theo đó mức học phí hệ chính quy đại trà được xác định tối đa 32,5 triệu. Đây là mức thu thấp hơn cả mức trần của năm học 2022 - 2023 theo Nghị Định 81.

Trên cơ sở mức học phí đã xác định, Nhà trường đã phê duyệt đề án tuyển sinh năm 2023 tại đề án số 1510/ĐA-ĐHSPKT ngày 8/5/2023, với 3 mức học phí lần lượt là 26 triệu (các ngành kinh tế, xã hội); 29 triệu (các ngành kỹ thuật, công nghệ) và 32.5 triệu (các ngành kiến trúc).

Đề án này được công khai trước khi tuyển sinh tại trang Hemis, trang nghiệp vụ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và trang tuyển sinh của Nhà trường để phụ huynh và sinh viên được biết.

Riêng đối với các khoá từ 2022 trở về trước, nhà trường đang dự định thu mức học phí thấp hơn mức thu đã công khai của khoá 2023. Mức thu dao động từ 23,5 triệu đến 28,5 triệu. Cụ thể 23,5 triệu (các ngành kinh tế, xã hội); 26 triệu (các ngành kỹ thuật, công nghệ) và 28.5 triệu (các ngành kiến trúc).

Mức tăng trong quy định, học bổng đồng hành sinh viên tăng 60%

PV: Vậy sự so sánh học phí hiện nay của sinh viên với năm học trước đã có sự nhầm lẫn và hiểu lầm?

TS Quách Thanh Hải: Như tôi đã thông tin, đối chiếu các số liệu ở trên cho thấy 3 năm học liên tiếp 2020 - 2021, 2021-2022, 2022-2023 học phí không tăng. Như vậy học phí hiện nay của nhà trường đang được so sánh tăng hơn cao là so sánh mức học phí năm học 2023 - 2024 với năm học 2020-2021 (cách đây 3 năm).

Đây là sự so sánh chưa đầy đủ, vì nếu so sánh với mức học phí năm học 2022-2023 đã được Hội đồng trường phê duyệt tại Nghị quyết số 75-NQ/HĐT ngày 13/12/2021 thì mức tăng bình quân của là chưa đến 15%.

Hiện nay, khoá 2023 đã nhập học và đóng học phí theo đúng Đề án tuyển sinh đã công khai trước khi tuyển sinh.

Sinh viên Trường ĐH SPKT TPHCM trong ngày vui tốt nghiệp.

Sinh viên Trường ĐH SPKT TPHCM trong ngày vui tốt nghiệp.

PV: Hướng hỗ trợ cho sinh viên khó khăn về học phí, cũng như các chính sách học bổng của trường dành cho sinh viên hiện có đảm bảo cho việc không để sinh viên khó khăn phải nghỉ học không?

TS Quách Thanh Hải: Chủ trương của Nhà trường là “mức học phí hiện nay là mức thu được xác định trên cơ sở Đề án kinh tế kỹ thuật đã được HĐT phê duyệt. Trong thời gian tới, khi Chính phủ và Bộ GD&ĐT có văn bản chính thức quy định về mức học phí cho năm học 2023-2024, thì nhà trường sẽ điều chỉnh theo đúng quy định”

Với chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng sinh viên khó khăn, năm học 2023 - 2024 Nhà trường dự kiến trích lập quỹ hỗ trợ sinh viên từ nhiều nguồn, với số tiền hơn 50 tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên khó khăn (tăng khoảng 60% so với năm trước).

Các em sinh viên khó khăn có xác nhận của địa phương về hoàn cảnh đều được xét trợ cấp khó khăn vào mỗi học kỳ. Các em sinh viên khác có hoàn cảnh khó khăn đột xuất cũng có thể liên hệ để được trực tiếp gặp gỡ lãnh đạo Nhà trường, trình bày hoàn cảnh và được xem xét giải quyết. Quan điểm của Trường là hỗ trợ và luôn thực hiện tính “nhân bản” không để sinh viên nào phải dừng học, hay phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ