Trường ĐH mong cơ chế chính sách phát triển khoa học và công nghệ

GD&TĐ - 4 đoàn khảo sát của Bộ GD&ĐT làm việc với 2 ĐHQG, 3 ĐH vùng, 2 trường ĐHSP trọng điểm, 10 trường ĐH thuộc các khối, ngành, khu vực khác nhau và 3 trường ĐH ngoài công lập đều thu nhận được ý kiến mong muốn nhà nước quan tâm, thúc đẩy các chính sách phát triển khoa học và công nghệ.

Cán bộ, giảng viên, nhà hoa học góp  ý các chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong trường ĐH tại 1 hội thảo do Bộ GD&ĐT tổ chức
Cán bộ, giảng viên, nhà hoa học góp ý các chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong trường ĐH tại 1 hội thảo do Bộ GD&ĐT tổ chức

GS Tạ Ngọc Đôn - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT) - cho biết như vậy khi chia sẻ về kết quả lấy ý kiến trực tiếp từ 20 cơ sở giáo dục ĐH đối với 3 cơ chế chính sách trong các cơ sở giáo dục ĐH (gồm: Xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (cho giảng viên), Đầu tư phòng thí nghiệm gắn với chương trình nghiên cứu) mà Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường được giao chủ trì xây dựng. Các ý kiến thể hiện sự quan tâm tới cả 3 chính sách này và cho rằng rất cần thiết cho các trường ĐH hiện nay.

Đối với chính sách đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, có 203 ý kiến cá nhân đóng góp nhiều nội dung và 100% khẳng định sự cần thiết xây dựng chính sách. Cùng với đó, các ý kiến tập trung góp ý liên quan đến việc hướng tới xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH theo đổi mới sáng tạo; chương trình bồi dưỡng, tập huấn về đổi mới sáng tạo cho giảng viên; gắn kết chuyển giao công nghệ với đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác ĐH và doanh nghiệp.

Đối với chính sách phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, GS Tạ Ngọc Đôn cho biết có 258 ý kiến cá nhân đóng góp cho nhiều nội dung khác nhau; trong số này có đến 256 ý kiến khẳng định sự cần thiết xây dựng chính sách. Ngoài ra, các ý kiến tập trung góp ý cho tiêu chí nhóm nghiên cứu mạnh; tiêu chuẩn trưởng nhóm nghiên cứu mạnh và 2 thành viên chủ chốt; chế độ ưu đãi với nhóm nghiên cứu mạnh; thủ tục công nhận và công nhận lại nhóm nghiên cứu mạnh…

Các ý kiến đồng thời quan tâm tới vấn đề sở hữu trí tuệ; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo cho giảng viên; vấn đề tài trợ, tài chính; mô hình Trung tâm khởi nghiệp-đổi mới sáng tạo trong trường ĐH…

Đối với đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho giảng viên, theo GS Tạ Ngọc Đôn, bên cạnh Quyết định 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" và Quyết định 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ GD&ĐT chủ trương xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục ĐH mà đối tượng chính là các nhà khoa học và các giảng viên.

Về chính sách này, các ý kiến tham luận tập trung vào giải pháp làm thế nào để đưa các ý tưởng sáng tạo của các nhà khoa học vào thực tiễn? Làm thế nào để thu hút được kinh phí tài trợ cho phát triển các kết quả nghiên cứu từ các ý tưởng sáng tạo của giảng viên? Làm thế nào để gắn kết nhà khoa học trong trường ĐH với doanh nghiệp tiếp nhận đầu tư chuyển giao công nghệ từ kết quả nghiên cứu sáng tạo? Làm sao để các nhà khoa học có công nghệ và sản phẩm mới có thể xây dựng thành công doanh nghiệp của chính mình trong trường ĐH nơi họ công tác? Vấn đề sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và chủ sở hữu các giải pháp kỹ thuật được bảo hộ và được chuyển giao vào thực tiễn?...

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo khoa học Xây dựng cơ chế chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH được tổ chức mới đây
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo khoa học Xây dựng cơ chế chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH được tổ chức mới đây

Những ý kiến góp ý được Bộ GD&ĐT nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện 3 dự thảo về xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (cho giảng viên); đầu tư phòng thí nghiệm gắn với chương trình nghiên cứu. Những dự thảo này sau khi hoàn thiện sẽ được công khai rộng rãi để xin ý kiến góp ý của nhân dân.

Nói về cơ sở đề xuất 3 chính sách trên, GS Tạ Ngọc Đôn cho biết: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH có quy định: “Nhà nước tập trung đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, tạo cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong cơ sở giáo dục ĐH phục vụ phát triển đất nước; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ nghiên cứu ngang tầm khu vực và quốc tế”.

Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH cũng ghi rõ:

Xây dựng các mô hình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp gắn với chuyển giao tri thức; đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trong một số trường ĐH định hướng nghiên cứu, trường ĐH thông minh;

Xây dựng chính sách và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh với các chương trình nghiên cứu gắn với hợp tác quốc tế và đào tạo trình độ tiến sĩ; xây dựng chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học cho các giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục ĐH;

Xây dựng một số trung tâm thí nghiệm, phòng thí nghiệm đa ngành, liên ngành dùng chung theo ngành, lĩnh vực ưu tiên gắn với hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo trình độ cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.