Trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ HN lý giải việc được đào tạo Y - Dược

GD&TĐ - Mấy ngày gần đây, việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép đào tạo Y - Dược đã thu hút nhiều quan tâm của dư luận. 

Họp báo của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sáng 28/11.
Họp báo của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sáng 28/11.

Có lẽ bởi vậy mà cuộc họp báo công bố thông tin này sáng nay (28/11) do trường tổ chức đã thu hút đông đảo cơ quan báo chí tham dự. Và, rất nhiều câu hỏi cũng đã được đặt ra cho GS. Hiệu trưởng Trần Phương.

Chuẩn bị 3,5 năm cho việc mở ngành Y - Dược

- Tại sao một trường “ngoại đạo” như Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lại xin mở ngành đào tạo Y - Dược?

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là trường phi lợi nhuận, đào tạo nhằm mục đích cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Nói là phi lợi nhuận là vì những người góp vốn xây dựng trường chỉ nhận một khoản lợi tức giống như lợi tức gửi tiết kiệm vào ngân hàng. Điều này được thực hiện từ khi trường thành lập đến năm 2012.

Từ khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực (tháng 1/2013), nhà trường thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục Đại học - chuyển sang trả lợi tức bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ - tức vẫn giữ nguyên tính chất trường phi lợi nhuận.

GS.Hiệu trưởng Trần Phương chủ trì họp báo. 

Bởi vì là trường phi lợi nhuận nên bất cứ ngành học này đất nước cần, chúng tôi có xin phép Bộ mở ra. Cụ thể, đầu tiên chúng tôi xin phép đào tạo kinh tế - kinh doanh, sau là kỹ thuật công nghệ và giờ là xin mở ngành Y - Dược.

Như vậy, các trường tư không bị khống chế bởi phạm vi đào tạo nào, khác với trường công lập, nhà nước hoặc các cơ quan, bộ ngành căn cứ vào nhu cầu của bộ ngành hay đất nước mà quy định phạm vi hoạt động của trường.

Nói kỹ thêm về việc mở ngành đào tạo Y - Dược. Sau 16 năm hoạt động, tức khoảng năm 2012, lãnh đạo trường sau nhiều thời gian suy nghĩ đi đến kết luận nên mở thêm ngành Y - Dược.

Lý do, nếu xét về số bác sĩ để chăm lo sức khỏe cho nhân dân Việt Nam hiện còn quá thấp, chỉ khoảng 8 bác sĩ trên vạn dân, trong khi các nước tiên tiến đạt khoảng 40 bác sĩ trên vạn dân.

Về dược sĩ, chúng ta chỉ có 1,5 dược sĩ trên 1 vạn dân, trong khi đội ngũ này đóng vai trò quan trọng.

Chúng tôi còn nghĩ đến việc xa hơn: Đất nước mình hiện nay, trên 90% dược liệu phải nhập từ nước ngoài. Như vậy, thuốc chữa bệnh cho người Việt Nam chủ yếu do người nước ngoài sản xuất.

Trong khi đó, theo các nhà dược học, Việt Nam có đến khoảng 4.000 cây có thể dùng làm dược liệu. Tuy nhiên, chúng ta chưa có nghiên cứu, chiết suất, chế biến nên gần như vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài.

Nên đào tạo dược sĩ còn để chế biến dược liệu từ nguồn sẵn có trong nước phục vụ dân mình. Động cơ đó hoàn toàn không có mục đích lợi nhuận, kinh doanh mà chỉ là mong muốn chăm sóc sức khỏe cho người dân và khai thác nguồn dược liệu của Việt Nam.

Nếu nói về chuyện “ngoại đạo” thì chỉ là nhìn vào ông hiệu trưởng và ban giám hiệu. Trong khi đó, có ông hiệu trưởng và ban giám hiệu nào cũng thông thạo các nghề trường đó đào tạo? Còn 47 cán bộ, giảng viên ngành Y - Dược có phải là ngoại đạo hay không?...

- Tại sao trường lại đặt vấn đề mở ngành Y – Dược khi năm 2004, liên Bộ Y tế - GD&ĐT đã thống nhất tạm dừng mở các ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền trình độ ĐH và ngành Dược trình độ ĐH-CĐ ở các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y Dược?

Trên thực tế, tháng 6/2012, chúng tôi đã trình lên Bộ GD&ĐT xin mở ngành Y đa khoa và Dược, đồng thời đề nghị Bộ hướng dẫn. Chúng tôi đã theo các hướng dẫn đó để chuẩn bị các điều kiện.

Cho đến 12/2014, liên Bộ Y tế - GD&ĐT mới có quyết định tạm dừng xét mở một số ngành, trong đó có Y đa khoa và Dược.

Như vậy, chúng tôi đặt vấn đề xin phép trước đến 2,5 năm, chứ không phải xin phép lúc hai Bộ có quyết định tạm dừng. Trong khi Bộ yêu cầu tạm dừng thì chúng tôi đã chuẩn bị gần xong các điều kiện.

Đến cuối 2015, khi các điều kiện chuẩn bị xong, chúng tôi đã báo cáo và Bộ GD&ĐT yêu cầu lập Hội đồng thẩm định các chương trình đào tạo. Kết quả, chương trình đào tạo Y - Dược đã được Hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia đầu ngành thông qua một cách thuận lợi.

Nhưng để mở ra 2 ngành này, Bộ GD&ĐT còn có một số điều kiện nữa, trong đó có 2 điều kiện quan trọng nhất là đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất.

Theo quy định của Bộ Y tế, muốn mở ngành Y đa khoa phải có 50 giảng viên từ trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II đến GS, PGS; trong đó phải có 6 người là GS, PGS hay tiến sĩ thuộc về 4 bộ môn quan trọng nhất. Ngành Dược đòi hỏi ít hơn, chỉ có mấy PGS và GS thôi.

Giảng viên, cơ sở vật chất sẵn sàng cho 2 năm đầu đào tạo

- Tuy nhiên, trong báo cáo của trường thì số lượng giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành của ngành Y đa khoa mới chỉ có 47 người, như vậy là chưa đạt yêu cầu theo quy định?

Chúng tôi đã thỏa thuận với 47 vị là GS, PGS, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II, thạc sĩ.

Khi thẩm định, có đồng chí trong Hội đồng thẩm định nói Bộ Y tế yêu cầu những 50 người, nhưng trường mới có 47 nên chưa đủ.

Nhưng tôi cho rằng, để dùng 50 người này phải trong 6 năm mới dùng đến. Nên số 47 là cho 2 năm trước mắt, còn dần dần chúng tôi sẽ mời tiếp.

Hay khi thẩm định về cơ sở vật chất, chúng tôi đã chuẩn bị 28 phòng học, phòng thực hành và chi ra 80 tỷ đồng để trang bị cho những phòng thực hành đó.

Nhưng cũng có đồng chí trong đoàn thẩm định nói là vẫn chưa đủ. Tôi trả lời: Nếu mua để 5 – 6 năm nữa mới dùng thì sẽ hỏng. Nên chúng tôi mua cho hai năm đầu đã, rồi từ năm thứ 3 trở đi sẽ mua dần. Chúng tôi đã ký hợp đồng với các công ty thiết bị y tế, khi nào cần, chỉ một vài tuần là sẽ có ngay.

Nên trong biên bản thẩm định ghi chưa chuẩn bị đầy đủ là theo nghĩa đó.

Như vậy, về cơ sở vật chất, 28 phòng thực hành tại chỗ đã sẵn sàng dùng cho 2 năm trước mắt. Ngoài ra, chỗ sinh viên thực tập, theo Bộ Y tế, phải có bệnh viện từ loại 1 trở lên, chúng tôi đã ký hợp đồng với 4 bệnh viện loại 1. Các bệnh viện này đều sẵn sàng nhận lời và cử giáo viên hướng dẫn.

Với ngành Dược, chúng tôi đã ký hợp đồng với 4 công ty dược.

Đoàn thẩm định 2 Bộ gồm 8 người đã đi xem cơ sở, kiểm tra hồ sơ của gần 100 giảng viên, sau đó đã ký vào biên bản. Nhưng trước khi Bộ GD&ĐT cho phép cũng đã rất cẩn thận yêu cầu Bộ Y tế gửi trả lời chính thức có cho phép trường mở hai ngành đó hay không. Và đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đã có thư trả lời là Bộ Y tế đồng ý cho Trường ĐH Khoa học và Công nghệ mở ngành Y - Dược. Việc thẩm định của 2 Bộ có thể nói là quá chặt chẽ.

Cũng có ý kiến nói rằng, nếu 4 bệnh viện, 4 công ty dược như vậy thì sinh viên sẽ đi như thế nào? Điều này tôi có thể khẳng định: Trường chúng tôi có 2 cơ sở: Hà Nội và Từ Sơn (Bắc Ninh), có 8 ô tô hàng ngày vẫn chuyển hàng nghìn sinh viên, giảng viên đi lại giữa các cơ sở, do đó, chuyện di chuyển 1 – 2 chục cây số là bình thường.

- Nếu dạy ngành Y thì cần phải có nhà xác để thực hiện giải phẫu người, trong khi đó trường lại không có?

Hiện nay, chỉ có hai cơ sở đào tạo Y dược lớn cả nước mới có nhà xác, còn các trường khác chủ yếu thực tập trên mô hình. Chúng tôi sẽ có cách để dạy giải phẫu.

Nhận hồ sơ ở mức 20 điểm

- Đã chính thức nhận được quyết định được phép mở ngành, vậy dự kiến bao giờ trường bắt đầu tuyển sinh? Kế hoạch tuyển sinh cụ thể sẽ như thế nào?

Chắc chúng tôi sẽ tuyển sinh vào đợt tháng Giêng, tháng 2. Hiện nhà trường đang làm thủ tục xin phép về việc tuyển sinh này.

Chúng tôi cũng đề nghị với Bộ là dựa vào tổ hợp gồm Toán, Lý, Hóa, Sinh, 4 môn đó chọn lấy 3 môn để đào tạo Y và Dược.

Về điểm nhận hồ sơ, chúng tôi đang đề nghị lấy điểm nhận hồ sơ từ 20 điểm trở lên, sau đó chọn từ cao xuống thấp.

- Mức điểm 20 liệu có thấp so với một ngành đặc thù như Y - Dược?

Có người cho rằng 20 điểm là thấp. Tôi thấy, để đạt được 20 điểm với học sinh phổ thông phải học nghiêm túc mới đạt được.

Bên cạnh đó, dù đầu vào quan trọng, nhưng chúng tôi cho rằng quá trình đào tạo, quá trình học của sinh viên quan trọng hơn.

Để ra trường, ít nhất một sinh viên học ĐH 4 năm phải thi 50 - 60 lần mời đạt được đầu ra. Chỉ cần 1 học phần không đỗ thì chưa được cấp bằng tốt nghiệp.

Nên tôi cho rằng, đầu vào 20 điểm là chọn được sinh viên nghiêm túc, giỏi hay không còn phục thuộc vào quá trình sinh viên phấn đấu và quá trình dạy. Vì phải mất 6 năm mới đào tạo được một bác sĩ.

- Nhà trường dự kiến mức học phí như thế nào?

Chúng tôi chưa có kinh nghiệm nên thực hiện tham khảo các trường khác. Và theo tham khảo của chúng tôi, về ngành Dược, trường thấp nhất lấy học phí 1,8 triệu/tháng, có trường còn lấy đến 3,5 triệu.

Còn ngành Y ngoài công lập, tôi biết có Trường ĐH Duy Tân lấy học phí là 5 triệu đồng/tháng.

Chúng tôi cũng tham khảo học phí đào tạo Y - Dược của Nhật Bản thì thấy, các trường đào tạo ngành Kinh tế họ lấy 9 nghìn đô cho 1 năm học; ngành Dược lấy gần 16 nghìn đô/năm học, gấn 1,7 lần ngành Kinh tế; ngành Y họ lấy trên 33,5 nghìn đô, gấp khoảng trên 2 lần ngành Dược. Tôi quan tâm đến tỷ lệ này.

Ngành Y - Dược có mức học phí cao như vậy bởi 1 GS hướng dẫn khoảng 10 sinh viên nên chi phí cho giáo viên rất lớn, bên cạnh đó còn chi phí thí nghiệm, đưa đón đến bệnh viện, đến công ty dược… Nói chung đào tạo 2 ngành này rất công phu. Nghề Y là nghề cực kỳ phức tạp, tinh vi, liên quan đến sinh mệnh con người nên các nước họ đều đào tạo rất công phu. Và công phu như vậy thì chắc chắn học phí phải cao.

Các trường dược nên nghĩ đến chuyện 30.000 nhà thuốc hiện nay không có dược sĩ 

PGS.TS Lê Văn Truyền – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - Chủ nhiệm khoa Dược Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lý giải thêm về việc nhà trường dự kiến lấy điểm nhận hồ sơ là 20 điểm.

Theo đó, PGS cho rằng: Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không hướng tới đào tạo đội ngũ dược sĩ chủ yếu làm công tác nghiên cứu, chế tạo thuốc mới như khoa Y - Dược của ĐHQG Hà Nội.

Hiện chúng ta có 30 nghìn hiệu thuốc và không hiệu thuốc nào có dược sĩ thực sự nào tư vấn cho người mua. Tôi nghĩ các trường dược nên nghĩ đến chuyện 30.000 nhà thuốc hiện nay không có dược sĩ hơn là đòi hỏi những dược sĩ này phải làm việc trong những phòng nghiên cứu khoa học. 

90 triệu dân cần vài chục nghìn dược sĩ có mặt ở các hiệu thuốc. Nếu sản xuất ra nhiều thuốc mà dân uống thuốc không được hướng dẫn như ở các hiệu thuốc hiện nay là lợi bất cập hại. Do đó, nên có một cái nhìn uyển chuyển hơn

.Mấy hôm nay tôi có đọc báo, các ý kiến đều lo lắng về chất lượng, đó là điều quá đúng.

Nhưng rõ ràng số lượng sẽ tạo nên chất lượng, chất lượng không phải từ con số 0. Ta chê việc đào tạo tuyến xã quá kém, nhưng chắc chắn người ở tuyến xã được đào tạo 6 năm sẽ hơn anh lang băm. Không nên so sánh bác sĩ tuyến xã, huyện với các GS ở Bệnh viện Bạch Mai.

Bên cạnh đó, bằng ĐH là điều kiện cần nhưng chưa đủ vì người dược sĩ muốn hành nghề phải có chứng chỉ hành nghề và điều kiện có chứng chỉ cũng rất khắt khe.

Đó là chưa kể, sau mỗi 5 năm, cơ quan quản lý về y tế sẽ kiểm tra lại để xem xét có cấp thêm một chu kỳ nữa hay không.

Đó là rào cản về kỹ thuật để những dược sĩ, bác sĩ tốt nghiệp ra trường phải đạt đến dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước mới được “đụng” đến người bệnh, hay tư vấn người bệnh sử dụng thuốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ