Trường ĐH Dân lập Duy Tân được Chính phủ cho phép thành lập vào ngày 11/11/1994 theo chủ trương xã hội hóa giáo dục. Đến năm 2015, Trường đã chuyển đổi từ loại hình Dân lập sang Tư thục theo Quyết định số 1704 của Thủ tướng Chính phủ với tên gọi là Trường Đại học Duy Tân.
TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, là một trường ĐH đa ngành, đa hệ; tổ chức đào tạo trình độ ĐH và sau ĐH, Trường đã xác định mô hình: “Đào tạo gắn liền với nghiên cứu trên nền nhân văn – hiện đại" và lấy thực hành gắn với doanh nghiệp làm trọng tâm trong suốt quá trình đào tạo và nghiên cứu của nhà trường.
Đến nay, Trường ĐH Duy Tân có 10 Viện nghiên cứu, 20 Khoa, 22 Trung tâm nghiên cứu ứng dụng; tổ chức đào tạo 3 chuyên ngành trình độ TS, 8 chuyên ngành trình độ thạc sĩ; 28 ngành trình độ ĐH; trong đó có 13 ngành hợp tác quốc tế về đào tạo với 4 ĐH uy tín tại Hoa Kỳ; 6 chương trình liên kết đào tạo, 3 chương trình du học tại chỗ với Hoa Kỳ, Anh Quốc, Đài Loan; đào tạo hệ liên thông; hệ từ xa theo phương thức E-Learning. Trường không tổ chức đào tạo trình độ Trung cấp chuyên nghiệp từ năm 2012 và trình độ Cao đẳng năm 2018.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất do Nhà nước trao tặng cho tập thể trường ĐH Duy Tân |
Năm 2017, Trường ĐH Duy Tân được công nhận là một trong 20 trường ĐH đầu tiên của cả nước và là trường ĐH ngoài công lập đầu tiên được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Năm 2019, là Trường ĐH thứ hai của Việt Nam kiểm định ngành đạt chuẩn ABET với 2 chương trình đào tạo: An ninh mạng và Hệ thống thông tin quản lý. Trong hai năm 2018, 2019, trường ĐH Duy Tân là 1 trong 4 trường ĐH có công bố quốc tế nhiều nhất. Tháng 11/2019, Trường đã được tổ chức xếp hạng QS World University Rankings xếp vị thứ 451, thuộc top 451-500 trường ĐH tốt nhất châu Á.
Hiện nay, hơn 40% các môn học cơ sở và chuyên ngành của trường ĐH Duy Tân được sử dụng phương pháp giảng dạy mới: CDIO, PBL, Học qua làm và được quản lý khoa học thông qua hệ thống phần mềm quản lý đào tạo do trường xây dựng nên. Trường đã tái cấu trúc theo hướng thực hành cho hơn 1800 môn học của tất cả các ngành đào tạo...
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những nỗ lực của tập thể trường ĐH Duy Tân trong đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là trong thực hiện chính sách thực học thực nghiệp, gắn với doanh nghiệp trong suốt quá trình đào tạo và nghiên cứu…
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong giai đoạn tiếp theo, bên cạnh việc phát triển nhà trường theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, trường ĐH Duy Tân cần rà soát lại tổng thể ngành nghề đào tạo để tập trung đầu tư vào một số ngành có thế mạnh, xây dựng “thương hiệu” cho nhà trường như các ngành Kỹ thuật mạng, Hệ thống thông tin quản lý theo chuẩn quốc tế, khoa học sức khỏe, du lịch... Đây cũng là những ngành mà địa phương và nhà nước ưu tiên để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, trước hết là cho khu vực Miền Trung và Tây Nguyên…
“Nhà trường cần tập trung đầu tư đồng bộ và định hướng các hoạt động trọng tâm để hình thành hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp trong toàn trường. Tinh thần đổi mới sáng tạo phải được lan tỏa để phát huy thế mạnh của từng giảng viên, nghiên cứu viên, SV; tạo nên văn hóa chất lượng riêng của Nhà trường” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nha gợi ý.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Trường cũng cần phát huy hơn nữa kết quả nghiên cứu để bên cạnh mục đích công bố, xuất bản thì nghiên cứu phải để thực hiện mục đích lớn nhất là nâng cao chất lượng đào tạo , chuyển giao công nghệ, kết nối với các doanh nghiệp để ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu...
Tiến tới, ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư cho các nghiên cứu của Trường để vừa sử dụng kết quả nghiên cứu, vừa nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Từ đó, hình thành mô hình hợp tác cùng có lợi giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đầu tư - đào tạo - nghiên cứu - chuyển giao – sử dụng. Đó cũng là một trong các giải pháp nhằm phát triển bền vững về tài chính cho nhà trường, giảm áp lực cho áp lực phải đạt chỉ tiêu tuyển sinh và giảm vốn vay, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển bền vững.