Trường đại học làm 'cầu nối' việc làm cho sinh viên

GD&TĐ -Với mong muốn tất cả sinh viên đều có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, nhiều trường đại học tại Đà Nẵng đã tổ chức “Ngày hội việc làm” quy mô lớn, và tăng cường liên kết với doanh nghiệp nhằm đảm bảo cơ hội việc làm cho sinh viên.

Sinh viên được các nhà tuyển dụng “săn đón” tại Ngày hội việc làm năm 2022.
Sinh viên được các nhà tuyển dụng “săn đón” tại Ngày hội việc làm năm 2022.

Làm “cầu nối” cho sinh viên với doanh nghiệp

Cuối tháng 7/2022, khuôn viên Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) chật cứng sinh viên tham gia “Ngày hội việc làm năm 2022”. Hoạt động thường niên này được phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng tổ chức quy mô lớn và đây là lần tổ chức thứ 6, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.

“Ngày hội việc làm năm 2022” là nơi trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, nơi đăng ký, cung cấp thông tin về người tìm việc - việc tìm người, về xuất khẩu lao động, tư vấn về chính sách lao động, việc làm, học nghề.

Đồng thời là dịp để các doanh nghiệp tiếp xúc và quảng bá hình ảnh tới sinh viên của nhà trường, để từ đó các doanh nghiệp có thể lựa chọn được những nhân sự tốt nhất cho đơn vị của mình.

Tại ngày hội, đã có hơn 6.000 vị trí cần tuyển dụng, trong đó trải đều các chuyên ngành như: Quản lý kinh tế, tài chính - kế toán, quản trị kinh doanh, thương mại, kinh doanh quốc tế… với nhiều vị trí việc làm từ quản lý điều hành, quản trị đến các kỹ sư/cử nhân, kỹ thuật viên, nhân viên bán hàng, dịch vụ tài chính, nhà hàng, khách sạn…

Theo sinh viên Võ Thị Diệu – Khoa Kế toán (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng), thông qua ngày hội, sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp và vừa tốt nghiệp như Diệu sẽ có cơ hội tiếp cận việc làm nhiều hơn.

“Chúng em được tiếp cận với các công ty lớn, các doanh nghiệp lớn để sẵn sàng thử thách mình ở môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại. Kiến thức trên trường chỉ là một phần. Chúng em vẫn phải học hỏi từ thực tế, bởi mỗi doanh nghiệp lại có những yêu cầu khác nhau buộc mình phải thích ứng để phù hợp”, Diệu chia sẻ.

Sinh viên Bùi Hữu Ẩn – Khoa Ngân hàng (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) - cho rằng, ngày hội việc làm thực sự hữu ích giúp các sinh viên năm 3 và năm 4 tiếp cận, làm quen với công việc sau khi ra trường. Đồng thời, phát triển và hoàn thiện bản thân, chuẩn bị đầy đủ kiến thức trong những năm cuối của trường đại học.

Thực tế cho thấy, những ngày hội việc làm như thế này đã mang đến hàng ngàn cơ hội việc làm cho sinh viên ngay khi vừa tốt nghiệp ra trường. Đơn cử, ngày 11/8 vừa qua, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa nhà trường và Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Nam Long (NLT).

Đây là một tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam triển khai các dự án chuyển đổi số cho các tổ chức, tập đoàn và doanh nghiệp Nhà nước trên nền tảng IoT, AI, GIS Cloud phục vụ cho nhiều lĩnh vực quan trọng tại Việt Nam.

Sau khi cùng ký kết Biên bản ghi nhớ, hai bên xúc tiến thỏa thuận sẽ tổ chức hợp tác toàn diện và chiến lược trong các mảng: Nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng, xây dựng các dự án chuyển đổi số, thành phố thông minh.

Đồng thời trao học bổng cho sinh viên có thành tích khoa học công nghệ, tiếp nhận sinh viên thực tập, sinh viên tốt nghiệp vào làm việc cho tập đoàn, đặc biệt tập đoàn cam kết sẽ tài trợ xây dựng phòng thực hành công nghệ cao cho nhà trường với kinh phí 10 tỷ đồng.

Giúp sinh viên hưởng lợi từ việc kết nối “hai nhà”

PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) - cho hay, từ các quan hệ hợp tác giữa “hai nhà” là nhà trường với doanh nghiệp, giảng viên đã chủ động kết nối để đưa sinh viên đến thực tập, thực hiện học kỳ doanh nghiệp.

Khi đến với doanh nghiệp, các em sẽ có cơ hội tiếp cận với công việc thực tế, với công nghệ mới, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm và có thể được nhận vào làm việc ngay sau kỳ thực tập hoặc tốt nghiệp ra trường.

“Cũng trong kỳ thực tập vừa qua, có hàng chục sinh viên của trường được doanh nghiệp nhận vào làm việc sau khi hết thời gian thực tập. Đây là những thành quả khích lệ, những “quả ngọt” cho sự cố gắng của các em và sự hỗ trợ tận tình của các doanh nghiệp”, PGS.TS Phan Cao Thọ chia sẻ.

Theo PGS.TS Phan Cao Thọ, đặc biệt, năm 2022, lứa sinh viên đầu tiên hệ đại học chính quy của trường tốt nghiệp. Nhà trường đã mời chuyên gia và đại diện nhiều doanh nghiệp, tập đoàn cùng tham gia Hội đồng chấm Đồ án tốt nghiệp. Thông qua hoạt động này, rất nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng được sinh viên ngay tại buổi bảo vệ Đồ án tốt nghiệp.

Còn PGS.TS Lê Văn Huy – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) - cho hay, thông qua những ngày hội việc làm vừa qua, nhà trường sẽ khảo sát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, nhà trường sẽ điều chỉnh và thay đổi chương trình đào tạo để phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

“Bên cạnh đó, xây dựng và phối hợp giữa nhà trường và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, thông qua đó, xây dựng mối quan hệ với doanh nghiệp. Từ đó, trường sẽ thông báo số lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm và các doanh nghiệp sẽ xây dựng kế hoạch tuyển dụng phù hợp với nhu cầu phát triển doanh nghiệp đó”, PGS.TS Lê Văn Huy cho biết thêm.

Còn đại diện Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU) - Đại học Đà Nẵng cho hay, trong năm học 2021-2022 đã có 106 sinh viên tốt nghiệp hệ đại học. Qua khảo sát, có hơn 90% tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm. Trong đó, có một số sinh viên đã được nhận vào làm việc tại doanh nghiệp sau khi hoàn thành thực tập.

PGS.TS Huỳnh Công Pháp – Hiệu trường VKU - cho hay, nhu cầu nguồn nhân lực số đang rất lớn đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin ở TP Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. VKU đã chủ động mở các ngành mới đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, thay đổi phương thức đào tạo, tăng cường năng lực ngoại ngữ tạo các sân chơi học thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ