Trường Đại học Hàng Hải dùng tàu Sao Biển đi “đánh thuê”?

Tàu Sao Biển  (Ảnh Internet)
Tàu Sao Biển (Ảnh Internet)

Trường ĐHHH Việt Nam hiện đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nền kinh tế biển của đất nước. Là trường trọng điểm quốc gia, đẳng cấp quốc tế, Trường ĐHHH đào tạo tất cả các ngành có liên quan đến kinh tế biển, bao gồm: Hàng hải, Đóng tàu, Kinh tế vận tải biển, Công trình thủy và thềm lục địa, Môi trường biển... 

Xác định được tầm quan trọng của mình trong nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, Trường ĐHHH luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, các trang thiết bị thí nghiệm, thiết bị giảng dạy và huấn luyện theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tàu Sao Biển đã xuất bến hàng nghìn chuyến tàu phục vụ cho công tác huấn luyện sinh viên nghề đi biển (Ảnh Internet)
 Tàu Sao Biển đã xuất bến hàng nghìn chuyến tàu phục vụ cho công tác huấn luyện sinh viên nghề đi biển (Ảnh Internet)

Để phục vụ cho công tác nghiên cứu, huấn luyện cho sinh viên các khoa thuộc chuyên ngành Khai thác máy tàu biển, Hàng hải... từ năm 1998, tàu Sao Biển đã được đưa về Việt Nam và biên chế vào Trường ĐHHH Việt Nam giao cho Trung tâm huấn luyện thuyền viên quản lý.

Suốt hơn 20 năm thực hiện nhiệm vụ giáo dục, tàu Sao Biển đã xuất bến hàng nghìn chuyến tàu phục vụ cho công tác huấn luyện sinh viên nghề biển. Đây là phương tiện thực tập quan trọng giúp sinh viên làm quen với công tác chuyên môn vận hành khai thác các thiết bị trong buồng máy của con tàu, quen với các điều kiện thời tiết, sóng gió, luồng lạch. Nhờ vậy sinh viên nghề biển sau khi tốt nghiệp ra trường, về làm việc tại các công ty vận tải biển sẽ không còn bị bỡ ngỡ khi đi thực tế trên các tàu biển.

Huấn luyện trên tàu Sao Biển là yêu cầu bắt buộc đối với bất cứ sinh viên ngành đi biển nào của Trường ĐHHH. Trong quá trình học tập, mỗi sinh viên sẽ có 2 đợt huấn luyện thực tế trên tàu này vào năm thứ 3 và năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp.

Với mật độ hoạt động trung bình 1 tuần ra khơi từ 1 đến 2 chuyến, đã có hàng nghìn giảng viên, sinh viên thực tập, nghiên cứu trên con tàu này.

Ngoài ra, con tàu này thường xuyên thực hiện công tác khảo sát môi trường, huấn luyện sỹ quan hàng hải, sỹ quan máy, thủy thủ đồng thời là con tàu thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học của các giảng viên.

Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam
 Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam

Tuy nhiên, ngày 6/6/2013, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHHH Việt Nam PGS.TS Lương Công Nhớ đã ký quyết định số 1201/QĐ-ĐHHH giao sử dụng tàu huấn luyện Sao Biển cho Trung tâm tư vấn phát triển công nghệ xây dựng hàng hải và Trung tâm đào tạo và tư vấn khoa học công nghệ bảo vệ môi trường thủy để thực hiện gói thầu số 11: Tư vấn giám sát môi trường thuộc dự án Hợp phần A- dự án đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện). Gói thầu này có trị giá 30 tỷ đồng.

Trước quyết định trên của lãnh đạo Trường ĐHHH, dư luận không khỏi băn khoăn: Dựa vào căn cứ nào, nhà trường chấp thuận cho Sao biển đi “đánh thuê”?

Hơn nữa, Trung tâm Trung tâm tư vấn phát triển công nghệ xây dựng hàng hải và Trung tâm đào tạo và tư vấn khoa học công nghệ bảo vệ môi trường thủy là đơn vị trực thuộc Trường ĐHHH nhưng hoàn toàn độc lập về mặt tài chính. Liệu những chi phí cho tàu Sao Biển thực hiện nhiệm vụ kinh tế nói trên sẽ được các đơn vị thanh quyết toán thế nào, trong khi theo phản ánh chi phí thuê các phương tiện vận chuyển, lấy mẫu phục vụ gói thầu số 11 lên tới gần 15 tỷ đồng?

Trước những thông tin trên cùng những bất minh trong quá trình thực hiện gói thầu số 11, Báo GD&TĐ đã đặt lịch lảm việc với Trường ĐHHH nhưng đến nay vẫn chưa nhận được lịch làm việc từ đơn vị này.

Báo GD&TĐ sẽ thông tin trong các bài tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ