Tuy nhiên, bà hiệu trưởng khẳng định: “Không có giấy phép ai mà để yên cho mình đến giờ”.
Có dấu hiệu tuyển sinh, đào tạo trái phép
Theo phản ánh, trường đang rơi vào sự trì trệ và khủng hoảng khi nội bộ mất đoàn kết, thiếu dân chủ. BGH trường (cụ thể là TS Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng) đã tổ chức liên kết đào tạo, liên thông trái quy định ở nhiều tỉnh, thành như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương, Đồng Nai.
Dù chưa được phép đào tạo mã ngành Cao đẳng (CĐ) Dược nhưng nhà trường vẫn thông báo chiêu sinh và đào tạo. Đã có nhiều lớp CĐ Dược được đào tạo tại cơ sở chính, cũng như liên kết với các trường khác từ năm 2017.
Tại cơ sở chính của nhà trường hiện đang có 4 khóa CĐ Dược với hàng chục sinh viên theo học từ niên khóa 2017 đến nay (2017: 18 sinh viên, 2018: 14 sinh viên, 2019: 7 sinh viên, 2020: 9 sinh viên). Riêng về chương trình liên kết ngành CĐ Dược với Trường CĐ nghề số 8 (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) trường cũng đã tuyển sinh và đào tạo được 2 khóa với hàng trăm sinh viên. Tại Quyết định số 16/QĐ-CĐKN II do TS Nguyễn Thị Hằng ký ngày 30/1/2018 đã công nhận 158 sinh viên nhập học trình độ CĐ liên thông.
Trước đó, tháng 8/2019, Báo Giáo dục & Thời đại đã có bài phản ánh về sai phạm này của Trường CĐKN II. Bài viết chỉ ra việc tuyển sinh và đào tạo mã ngành CĐ Dược sĩ (khóa 2016 - 2018), nhưng lại cấp bằng Kỹ thuật Dược. Việc này khiến cho hàng chục sinh viên phản ứng.
Để xử lý việc cấp bằng cho số sinh viên trên, Trường CĐKN II đã có văn bản xin đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp 6 mã ngành, trong đó có CĐ Dược. Tuy nhiên, Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH đã từ chối vì cơ sở vật chất và đội ngũ của nhà trường không đảm bảo.
Trong Văn bản số 1623/TCGDNN-PCTT (ký ngày 17/7/2018) gửi Trường CĐKN II, Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: “Tổng cục GDNN chưa cấp quy mô tuyển sinh/năm đối với 5 ngành nghề trình độ CĐ gồm: Dược, Điều dưỡng, Logistics, Công nghệ kỹ thuật cơ khí và Chăm sóc sắc đẹp”.
Điều đáng nói, dù Tổng cục GDNN chưa đồng ý cấp mã ngành CĐ Dược sĩ nhưng Trường CĐKN II vẫn tuyển sinh. Thực hiện liên kết tuyển sinh thêm hàng trăm sinh viên khóa 2017 - 2019 (C17LT), 2018 – 2020 (C18LT) tại Trường CĐ nghề số 8 và tại cơ sở chính.
Đã được cấp giấy chứng nhận mã ngành?
Theo quy định, các cơ sở đào tạo này chỉ được tuyển sinh khi có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN do Tổng cục GDNN cấp. Nhà trường chỉ được phép cấp bằng cho người học tối thiểu sau 2 năm được cấp có thẩm quyền cấp phép tuyển sinh và đào tạo.
Thế nhưng Trường CĐKN II lại cấp bằng tốt nghiệp tạm thời cho sinh viên mã ngành CĐ Dược từ năm 2019 dù tháng 7/2018 Tổng cục GDNN còn chưa thẩm định điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên. Đặc biệt, Trường CĐKN II đã trao bằng tốt nghiệp xong cho sinh viên khóa học C17-Duoc vào tháng 3/2020.
Một sinh viên khóa C17-Duoc/CD cho biết, tháng 3/2019 em được cấp bằng tốt nghiệp tạm thời. Đến tháng 3/2020, em mới được nhận bằng tốt nghiệp. “Nghe thông tin báo đài nói về khóa học của em là sai phép nên em cũng lo lắng. Nhưng vừa rồi em đã nhận được bằng tốt nghiệp”, bạn này nói.
Một người đứng đơn gửi Báo Giáo dục & Thời đại cho biết, cả Khoa Dược (gồm Kỹ thuật Dược và Dược sĩ) của trường hiện chỉ có 3 giảng viên. Tuy vậy, số lượng sinh viên trường đào tạo các hệ lên tới hàng trăm sinh viên, nhất là số lượng sinh viên CĐ Dược sĩ.
“Tôi thật sự không biết là việc tuyển sinh và đào tạo này có đảm bảo chất lượng hay không? Đội ngũ trên có đảm bảo đủ tiêu chuẩn để Bộ Y tế, Tổng cục GDNN thẩm định và cho mở mã ngành CĐ Dược hay không. Đến thời điểm này, Hiệu trưởng không hề công khai minh bạch thông tin. Nhìn vào đội ngũ hiện có và cơ sở vật chất tôi thật sự lo ngại về chất lượng đào tạo” – người đứng đơn nói.
Để xác minh nội dung CB, GV phản ánh, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với bà Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng nhà trường. Bà Hằng khẳng định trường đã được Tổng cục GDNN cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN mã ngành CĐ Dược sĩ vào năm 2019.
“Thực tế, sau tháng 8/2019 (xảy ra vụ sinh viên học chuyển đổi không thể cấp bằng - PV), nhà trường đã hoàn thiện đầy đủ giấy tờ. Không có giấy phép ai mà để yên cho mình đến giờ” - bà Hằng nói.
Nói về việc tuyển sinh, đào tạo trước khi có giấy phép, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ GDNN Bộ GD&ĐT, lưu ý: “Việc một trường chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ mở ngành, nhất là ngành sức khỏe mà đã tuyển sinh và đào tạo thì rõ ràng là đã sai phạm.
Luật GDNN không cho phép đơn vị làm điều đó. Bởi về nguyên tắc, anh chỉ được phép tuyển sinh và đào tạo khi có Giấy đăng ký hoạt động GDNN mã ngành đó (điều kiện đảm bảo chất lượng). Tuyển sinh đào tạo trước và cấp bằng sau khi được phép có vài tháng thì không ai đảm bảo chất lượng số sinh viên anh đã đào tạo, nhất là với ngành Dược sĩ” - ông Vinh nói.
Ngoài ngành CĐ Dược, nhiều dấu hỏi về chất lượng đào tạo cũng đã được dư luận đặt ra xung quanh việc Trường CĐKN II tuyển sinh và đào tạo liên kết mã ngành TC Bảo vệ. Theo phản ánh, hiện tại trường không có khoa, bộ môn, hay giáo viên nào dạy nghề này.
Nhưng trường đã tuyển sinh và đào tạo liên kết nghề Bảo vệ tại tỉnh Phú Yên từ năm 2017 đến nay với số lượng hàng trăm học sinh. Học phí toàn khóa là 11 triệu đồng. Mỗi tháng chỉ học vài buổi tại Trường CĐ nghề Phú Yên (TP Tuy Hòa). Đơn vị cấp bằng là Trường CĐKN II. Đối tượng học đến từ khắp các huyện, thị xã của tỉnh Phú Yên.