Trước thềm năm học mới: Các điều kiện đã sẵn sàng

GD&TĐ - Tháng 8 là thời điểm nước rút để các nhà trường chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho năm học mới. Tại một số trường vùng cao, câu chuyện đầu năm học mới không chỉ là việc sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, tập huấn giáo viên… mà công tác vận động học sinh quay lại trường lớp cũng được quan tâm và tiến hành tích cực.

Trước thềm năm học mới: Các điều kiện  đã sẵn sàng

Một năm học mới đang đến gần, các ban ngành địa phương tại cơ sở và những thầy cô giáo đang miệt mài chuẩn bị.

Đảm bảo về cơ sở vật chất

Tu sửa, mua sắm trang thiết bị cơ sở vật chất trong các nhà trường để đón năm học mới dẫu có sự khác nhau và phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh ở mỗi địa phương song hầu hết từ các trường đều cho thấy những tín hiệu đáng mừng và đang có sự chủ động tích cực chuẩn bị.

Trao đổi với một số lãnh đạo các trường ở thành phố, vùng đồng bằng thuận lợi đều cho biết, để bước vào đầu năm học mới hầu hết nhà trường đều rà soát về trang thiết bị dạy học. Trong trường hợp các trang thiết bị bị cũ, nát, không đảm bảo cho việc dạy và học sẽ đầu tư mua sắm bổ sung.

Việc sửa chữa, quét sơn lại tường trường, lớp học cũng đã được tiến hành để hoàn thành trước ngày đón học sinh tới trường. Tại nhiều trường ở thành phố cũng như nông thôn, việc sơn sửa lại tường lớp học, làm vệ sinh cửa sổ cửa ra vào, bàn ghế, mắc lại đường điện, lắp đặt quạt gió mát…trong lớp được chính phụ huynh của lớp bắt tay vào làm.

Với một số trường vùng khó, việc mua sắm thay đổi trang thiết bị có khó khăn hơn song các trường đều nỗ lực làm tốt nhất trong điều kiện cho phép. Thầy Phạm Xuân Thảo - Hiệu trưởng trường THPT A Túc - Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết: Những năm trước nhà trường đã làm được việc lớn trước khi bước vào năm học mới đó là xây dựng được nhiều bể chứa nước mưa cho sinh hoạt của giáo viên và học sinh. Năm nay cơ sở vật chất không phải tu sửa nhiều, nhà trường chú trọng vào mua sắm thiết bị đồ dùng dạy học mới thay thế đồ hỏng bên cạnh đó tiếp tục tập dụng các đồ dùng còn sử dụng được.

Mặt khác, tại trường THPT A Túc – Hướng Hóa (Quảng Trị) cũng ghi nhận sự tích cực của ban giám hiệu nhà trường trong việc quyên góp, xin tài trợ (sách vở, xe đạp, học bổng…) từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để trao tặng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Món quà tuy nhỏ nhưng đã có tác dụng tích cực trong việc tiếp sức các em tới trường.

Từ Mường Khương (Lào Cai), thầy giáo Phùng Thế Tùng - Hiệu trưởng trường PTDTBT Tả Gia Khâu chia sẻ: Năm học mới này tổng học sinh toàn trường có 281 học sinh; 36 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó nhà trường sẽ đón mới hơn 54 học sinh vào lớp 1 (thuộc 5 dân tộc: Mông, Thu Loa, Phù Lá, Nùng, Bố Y. Số học sinh thuộc dân tộc Phù Lá chiếm khoảng hơn 50%).

Công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất cơ bản được tiến hành khẩn trương, hiệu quả. Đến tháng 9/2017 khi năm học mới chính thức bắt đầu cũng là thời điểm trường sẽ đưa vào sử dụng 8 phòng công vụ cho giáo viên được xây mới từ tháng 6/2017. Việc hoàn thiện hơn hệ thống nhà công vụ cho giáo viên sẽ là động lực và tạo điều kiện tốt hơn nữa để các thầy cô bớt khó khăn trong sinh hoạt và yên tâm bám trường, bám lớp.

Ngoài ra, với 6 điểm trường lẻ, nhà trường cũng tiến hành nâng cấp sửa chữa, dọn vệ sinh… để đảm bảo tốt nhất cho hoạt động dạy và học.

Qua nắm bắt tình hình từ các nhà trường cũng c ho thấy, điều đáng ghi nhận từ những trường vùng cao, vùng khó cho thấy các thầy cô giáo đang hết sức nỗ lực, linh hoạt trong việc củng cố cơ sở vật chất, đồ dùng giảng dạy bằng chính sức lao động, sự tâm huyết của mình.

Nhiều thầy cô giáo đã cần mẫn và tâm huyết tự tạo ra những đồ dùng dạy họccho lớp học bằng những vật dụng gần gũi như vỏ trứng, hộp cát tông, lon bia... Nhiều trường học, chủ động điều tra nguồn sách vở của học sinh để nắm bắt thiếu đủ từ đó có kế hoạch bổ sung, cấp mới sách vở cho học sinh. Đảm bảo mọi học sinh khi đến lớp có đầy đủ sách vở.

Có những trường tìm được cách làm hay như: huy động học sinh cùng đóng góp sách giáo khoa, sách tham khảo, truyện… cho thư viện nhà trường vào năm học. Với cách làm như vậy, cả giáo viên và học sinh đều có điều kiện được tiếp xúc hơn với nhiều đầu sách cũng như có thời gian để nghiên cứu, cùng chia sẻ tìm hiểu những thông tin với nhau. Điều đó cũng biến thư viện nhà trường trở thành nơi hữu ích giúp cho việc nghiên cứu học tập của cả giáo viên, học sinh.

Có thể nói, tại thời điểm này ở mọi nơi những người giáo viên trên khắp mọi miền đất nước đã đang có sự chuẩn bị tích cực để bước vào năm học mới với một tâm thế sẵn sàng. Tất cả đều nỗ lực hết mình, sáng tạo không ngừng cho những thế hệ học sinh được tiếp cận tốt nhất, hiệu quả nhất với tri thức.

Tích cực đưa học sinh quay lại trường lớp

Trao đổi về vấn đề vận động học sinh quay lại trường lớp sau thời gian nghỉ hè hầu hết các thầy cô giáo ở những vùng cao, vùng núi xa đều cho biết: Công tác vận động học sinh tới lớp luôn được các cấp chính quyền địa phương, ngành giáo dục, các nhà trường quan tâm và chủ động tiến hành từ sớm.Chính với sự chuẩn bị tích cực này mà tỉ lệ học sinh quay trở lại trường lớp, tỉ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi cũng như học sinh chuyên cần luôn đạt được những kết quả khả quan.

Mặt khác, như thầy Hà Hồng – Phó hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Lao Chải – Mù Cang Chải cho biết: Hiện nay nhận thức của người dân đã nâng lên đáng kể vì vậy việc học tập của con em được quan tâm. Thậm chí, nhiều phụ huynh học sinh còn chủ động tới trường, hỏi thăm giáo viên về ngày nhập học để đưa con em tới lớp đúng ngày.

Tuy có sự tiến bộ đáng kể như vậy nhưng nhà trường không lấy đó làm chủ quan. Công tác nắm bắt tình hình quay trở lại trường lớp, hoàn cảnh, tâm lý… của học sinh vẫn được các thầy cô sát sao để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nếu xảy ra. Trong trường hợp học sinh nào đó vắng mặt trong ngày trở lại trường lớp thì nhà trường và giáo viên chủ nhiệm phải có trách nhiệm kịp thời đến tận nơi tìm hiểu lý do, vận động để học sinh trở lại trường lớp.

Đến thời điểm này, không chỉ công tác vận động học sinh quay lại trường lớp được tiến hành cẩn thận mà các hoạt động bồi dưỡng giáo viên trước thềm năm học mới cũng được các nhà trường thực hiện nghiêm túc.

“Đổi mới giáo dục đang đòi hỏi giáo viên sự nâng cấp mình từng ngày. Mặt khác, việc bồi dưỡng giáo viên định kỳ cũng giúp giáo viên được cập nhật những thông tin, bài giảng, kinh nghiệm mới, hay hiệu quả để có thể ứng dụng ngay cho quá trình lên lớp của mình. Thế nên công tác bồi dưỡng giáo viên được các nhà trường và giáo viên chủ động đón nhận. Các thầy cô giáo và nhà trường đều ý thức được sự cần thiết và hiệu quả của hoạt động này…” – Thầy giáo Phùng Thế Tùng - Hiệu trưởng trường PTDTBT Tả Gia Khâu cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ