Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G-20: Khẩu chiến Nga - Mỹ

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G-20: Khẩu chiến Nga - Mỹ

(GD&TĐ) - Hội nghị Thượng đỉnh G-20 năm nay được tổ chức tại St. Petersburg trong hai ngày 5 - 6/9. Theo các nhà phân tích, sẽ có rất nhiều vấn đề được đem ra bàn luận. Tuy nhiên cuộc chiến Syria vẫn là đề tài nóng nhất tại hội nghị này. Bằng chứng là trước thềm hội nghị, cuộc khẩu chiến căng thẳng giữa Nga và Mỹ về Syria đã nói lên tất cả.

Khi V.Putin lên tiếng

Sau thảm hoạ vũ khí hoá học ở Syria, ý tưởng tấn công Syria của phương Tây đã được lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp bàn luận sôi nổi, trong khi Tổng thống nga V.Putin vẫn giữ thái độ im lặng. Nhiều nhà phân tích đồn đoán, việc kín tiếng của V.Putin là để giữ cho Syria.

Tuy nhiên, khi chính quyền Obama ra sức vận động lưỡng viện Mỹ ủng hộ quyết định tấn công Syria của họ thì người đứng đầu nước Nga không thể lặng im. Bình luận về buổi thảo luận sử dụng vũ lực với Syria tại Quốc hội Mỹ, V.Putin khẳng định: “Họ nói dối, tất nhiên đó là hành động xấu. Tôi theo dõi cuộc tranh luận tại Quốc hội (Mỹ), các đại biểu hỏi ngài Kerry: Có Al- Qaeda? Có ý kiến nói rằng họ đang lớn mạnh? - “Không. Nói một cách hết sức trách nhiệm rằng không có Al-Qaeda...” - Ria-Novosti trích lời V.Putin.

Theo V.Putin thì Al-Qaeda là lực lượng chủ yếu của phe đối lập ở Syria. “Đội quân chiến đấu chủ yếu nhất là “Al-Nursa” - một nhánh của Al-Qaeda. Họ rất biết điều này. Tôi cảm thấy khó chịu và hết sức ngạc nhiên vì chúng tôi đã trao đổi với nhau...Và bạn biết đấy, đây là những luận điệu dối trá. Một câu chuyện buồn”- V.Putin nói.

Trước đó, hôm 31/8, trong khuôn khổ chuyến công du Vladivostok, Tổng thống Nga yêu cầu Mỹ công khai bằng chứng mà họ quy kết chính quyền Bashar Assad là chủ mưu vụ giết dân thường bằng vũ khí hoá học. “Hãy cho xem bằng chứng” - V.Putin đòi hỏi.

Theo V.Putin thì Washington phải “xem xét kỹ lưỡng tất cả những điều này trước khi thông qua quyết định tấn công, mà hiển nhiên sẽ gây ra thương vong cho cả dân thường”. “Trước hết, tôi muốn nói với Tổng thống Obama không phải như với người đồng nhiệm, cũng không phải như với Tổng thống Mỹ mà với người từng nhận giải Nobel Hoà bình” - V.Putin nhấn mạnh.

Trả lời phỏng vấn Kênh 1 của Nga và hãng AP tại dinh thự Novo - Ogaryovo (Moskva) ngày 3/9, Tổng thống Nga V.Putin khẳng định Nga có thể ủng hộ cuộc tấn công Syria của Mỹ với hai điều kiện mang tính nguyên tắc: Cuộc tấn công diễn ra trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc và chỉ khi Mỹ đưa ra được bằng chứng xác đáng rằng chính quyền Syria sử dụng vũ khí hoá học ở ngoại ô Damascus.

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, V.Putin nhắc lại rằng Nga không bảo vệ Chính phủ Bashar Assad mà bảo vệ “thể chế và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trật tự thế giới hiện đại”. Ông Putin không quên nhắc lại rằng trong những năm gần đây Mỹ đã tiến hành bao nhiêu cuộc chiến tranh mà kết quả thì...

x
Barack Obama có làm V.Putin thay đổi quan điểm về Syria?

Barack Obama đến Nga để thuyết phục V.Putin?

Liên quan đến những tuyên bố của Tổng thống Nga V.Putin trong những ngày gần đây và một số nguyên nhân khác, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từ chối đến Nga tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở St.Petersburg. Hãng Ria-Novosti của Nga trích các nguồn tin ngoại giao cho rằng, John Kerry sẽ không đến với Hội nghị Thượng đỉnh trong thành phần của đoàn Tổng thống Mỹ mà thay vào đó là cố vấn an ninh quốc gia, bà Susan Rice.

Mặc dù căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước đang có chiều hướng gia tăng nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama “vẫn còn hy vọng” có thể thuyết phục được V.Putin. Ngày thứ tư (4/9), trong cuộc họp báo tại Stockholm, Barack Obama nhấn mạnh việc “tái khởi động” quan hệ Nga - Mỹ không phải là chuyện có thể “theo ý thích của ai đó” mà vì lợi ích của cả hai nước.

Theo Barack Obama thì vào thời điểm hiện tại quan hệ giữa hai nước đang “vòng vo ở chân tường của sự tiến bộ” nhưng ông vẫn tin vào ý tưởng rằng trong tương lai Mỹ và Nga sẽ tiếp tục duy trì các lợi ích chung. Về bất đồng hiện tại, Barack Obama chỉ đích danh là vấn đề Syria. Tổng thống Mỹ khẳng định rằng ông chưa hoàn toàn mất hy vọng vào khả năng thay đổi quan điểm của Nga.

Về phần mình, Barack Obama tuyên bố sẽ không thay đổi lập trường tức là sẽ tấn công Syria. “Các hoạt động sẽ được giới hạn về thời gian và phạm vi” - Barack Obama tuyên bố. “Nhân dân Mỹ hiểu rằng, nếu chúng ta không đưa ra câu trả lời, sau đó mọi chuyện sẽ cứ diễn ra như vậy và như vậy”- Barack Obama bổ sung. Tổng thống Mỹ cũng thừa nhận, là chủ nhân của giải thưởng Nobel Hoà bình, ông rất khó xử trong vụ này.

Như vậy, quyết định tấn công Syria của Tổng thống Mỹ (mặc dù đã được Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ phê chuẩn) vẫn có cơ hội huỷ bỏ. Số là Barack Obama và V.Putin sẽ có buổi đàm đạo vào cuối chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G-20. Trong số những người phản đối chiến tranh, cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ hiện đang là giảng viên ĐH John Hopkin- GS Eliot Cohen đặt câu hỏi: Tại sao Mỹ phải can thiệp sau khi 1,4 ngàn người Syria thiệt mạng, khi hơn 100 ngàn lính Mỹ bị thiệt mạng trong 2 năm qua thì lại lờ đi?

Đa số các nhà phân tích cho rằng, quyết định tấn công Syria của Tổng thống Barack Obama là để “gỡ lại danh dự” cho một siêu cường, còn nói như một số chính trị gia đối lập ở Mỹ là “gỡ” cho những tuyên bố “không mấy chín chắn” của chính Tổng thống Barack Obama. Có lẽ sau cuộc đàm đạo sắp tới giữa Barack Obama và V.Putin sẽ có câu giải đáp rõ hơn về số phận cuộc tấn công đang thu hút sự quan tâm của cả thế giới này.

Duy Long (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.