(GD&TĐ) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 đã cận kề, nhiều sĩ tử đang cố gắng ôn ngày ôn đêm để có được kết quả tốt. Tuy nhiên, việc học theo kiểu “no dồn đói góp” sẽ không đem lại kết quả như mong muốn, thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý… |
Ôn thi đúng phương pháp để có cơ hội dành chiến thắng. Ảnh minh họa/internet |
Mắc bệnh vì… học
Trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, CĐ, ĐH, Phòng khám Tuna (Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng) lại nhận được nhiều cuộc điện thoại nhờ tư vấn tình trạng stress do học tập quá căng thẳng. TS Lã Thị Bưởi (Phòng khám Tuna) cho biết: Có nhiều em căng thẳng đến mức gia đình phải đưa đến phòng khám để các bác sĩ tư vấn, áp dụng các liệu pháp tâm lý để giảm stress cho các em. Cũng theo TS Bưởi, sở dĩ các sĩ tử rơi vào trạng thái trên do áp lực điểm số khiến các em phải học ngày học đêm mà không biết rằng học theo kiểu đối phó như vậy kiến thức thu được chẳng đáng bao nhiêu mà còn rước thêm bệnh vào thân.
Còn theo bác sĩ Lê Thị Hải, GĐ TT khám – tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, việc học theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” không biết có đem lại hiệu quả hay không nhưng việc ăn uống, nghỉ ngơi không hợp lý cũng đã mang lại nhiều phiền toái. Việc ngồi học bài liên tục khiến mắt sẽ bị mỏi, cảm giác khô mắt đau đầu, giảm khả năng tập trung mà nếu để kéo dài có thể gây ra một số biến chứng cho mắt. Một số khác mỗi khi ngồi vào bàn học lại có cảm giác đau bụng, muốn đi vệ sinh nên không thể tập trung vào bài vở. BS Hải cho rằng hiện tượng trên hay gặp ở sĩ tử trạng thái lo lắng thái quá. Lúc đó có hiện tượng tăng cường thần kinh giao cảm dẫn đến tăng nhu động ruột, biểu hiện rõ nhất là đau bụng, thậm chí đi ngoài.
Nghỉ ngơi, thư giãn để có tâm lý thoải mái khi vào phòng thi
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) Nguyễn Quốc Bình chia sẻ: Ban giám hiệu yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp 12 thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh, cùng bàn biện pháp, tạo môi trường để các em ôn tập, giúp các em phân phối thời gian học, nghỉ, ăn uống, vui chơi để đảm bảo sức khỏe, tâm lý tốt nhất.
43 năm trong nghề dạy học, nhiều năm làm Chủ tịch Hội đồng coi thi, chấm thi, Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring (Long Biên - Hà Nội) Đặng Đình Đại khuyên học sinh để có được kết quả cao ngoài việc học - nghỉ ngơi hợp lý cần có tâm lý bình tĩnh khi vào phòng thi. Mỗi người có một năng lực, khả năng tiếp thu khác nhau nên chắc chắn kết quả học tập cũng khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là dịp để đánh giá kết quả 12 năm học. Do vậy, những ai học lơ là nay ôn tập theo kiểu đối phó chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả. “Tại thời điểm này, các em nên nghỉ ngơi, thư giãn để có tâm lý thoải mái nhất khi bước vào phòng thi, như vậy, bài thi mới đạt kết quả cao”, thầy Đại khuyến cáo.
- Thay vì lo lắng hãy coi việc học và thi là chuyện bình thường. Càng gần ngày thi cường độ học giảm dần. Trước kỳ thi một ngày, nên gấp sách vở lại để nghỉ ngơi, thư giãn. Tâm lý thoải mái khi bước vào phòng thi sẽ giúp các em tự tin, có thể vận dụng tối đa kiến thức đã học để làm bài thi. - Thi cử là thời điểm “nhạy cảm” với con trẻ, cha mẹ không nên hỏi han quá nhiều đến việc học của trẻ, chăm chút quá mức cũng khiến trẻ căng thẳng thêm. |
Minh Ngọc