Ngồi sau xe máy của một nam thanh niên, P.Y không may bị ô tô tải cán chết trên đường thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc hôm 23.10.
Nguyên nhân do cả hai té xe máy sau khi đi vào đống cát đổ ra đường để sửa chữa vỉa hè và ô tô tải từ sau chạy tới cán qua đầu P.V.
Bị thương và tay chân chảy nhiều máu, nam thanh niên kia dù bàng hoàng nhưng vẫn cố đi tới đắp chiếu lên thi thể P.Y, sau đó vào viện chữa trị vết thương.
P.Y là cô gái khá xinh xắn, cao ráo, sinh năm 1999, quê ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Biết tin P.Y đột ngột qua đời khi còn quá trẻ, nhiều bạn bè vào Facebook cá nhân để lại lời thương xót, đau buồn và mong cô an nghỉ nơi chín suối.
Bạn bè xót thương P.Y.
Xem dòng thời gian của P.Y, nhiều người giật mình vì thấy status liên quan đến chết cách đây chưa lâu.
Cụ thể hơn, P.Y chia sẻ: “Tôi thường xuyên lo lắng sẽ mất đi một ai đó. Thế nhưng đôi khi tôi cũng tự hỏi rằng, liệu sẽ có một ai lo lắng rằng họ sẽ mất đi tôi hay không?”.
Chưa rõ P.Y muốn nhắc đến ai trong status này, song nhiều người dự đoán đó là chàng trai mà cô thích.
Vài ý kiến cho rằng nếu không có biển cảnh báo thi công vỉa hè thì người đổ đống cát ra đường có thể phải chịu trách nhiệm hình sự vì tội cản trở giao thông đường bộ, gián tiếp gây nên cái chết của P.Y.
Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, tội cản trở giao thông đường bộ được quy định như sau:
1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng...
P.Y không phải trường hợp đầu tiên đăng status xui rủi và liên quan đến cái chết rồi gặp nạn.
Cuối tháng 3.2019, chị S (quê Sóc Trăng) đăng status: "Ranh giới giữa sự sống và cái chết gần lắm người ơi!”. 5 tiếng sau, chồng chị S dù chở vợ nhưng chạy xe máy cực nhanh, lấn làn và không làm chủ được tốc độ nên lao vào đầu ô tô tải lưu thông theo chiều ngược lại. Cú va chạm mạnh khiến hai vợ chồng chị S tử vong tại chỗ và nón bảo hiểm dính chặt luôn trong kính chắn gió xe tải.
4 tiếng trước khi tử nạn tối 19.3.2019, H.T.K.E - cô gái Bến Tre 25 tuổi đăng status: “Đêm nay tao chết nè. Ai thương tao, xuống đốt nhang được rồi” khiến bạn bè hoang mang.
Tối 9.1.2019, P.T.K.N bị tai nạn giao thông trên đoạn đường dẫn vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và tử vong tại chỗ. Trước đó, cô gái Quảng Ngãi 15 tuổi liên tục chia sẻ ảnh bia mộ, quan tài và còn ước được nằm xuống đó.
Trước khi chết vì xe khách rơi xuống đèo Hải Vân chiều 8.1.2019, Vũ Thị Thảo – nữ sinh trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Kiên Giang từng đăng status liên quan đến chuyện "ngồi nhầm chuyến xe cuộc đời khi đã gần bến cuối".
Hồi tháng 7.2017, nam thanh niên Bình Dương đăng status về cái chết, sau đó bị té xe máy dập phổi, máu tụ não và nhập viện trong tình trạng nguy kịch.