Trước cửa hòa bình

GD&TĐ - Với những người lính đi chiến đấu để giành độc lập tự do cho Tổ quốc thì còn gì xót đau hơn khi: “Trước giờ đất nước thanh bình/Bao đồng đội vẫn hi sinh lặng thầm”.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Lời bình của Đặng Toán

Họ nằm xuống ngay trước “cánh cửa hòa bình”, không được cùng đồng đội, cùng dân tộc ca khúc khải hoàn chiến thắng.

Các anh đã hiến trọn tuổi thanh xuân của mình chẳng giây phút mảy may, suy tính. Điều duy nhất khiến người chiến sĩ day dứt, chính là lời hứa trở về bên mẹ khi đất nước sạch bóng quân thù đã không còn cơ hội để thực hiện: “Lời hứa xin nợ trời xanh/Chưa về bên mẹ dẫu thành khói mây”.

Cho dù có nằm lại bất kỳ nơi đâu thì cũng là trên đất đai của Tổ quốc, nơi mà các anh đã gìn giữ, đã đánh đổi bằng chính xương máu của mình. Bởi vậy mà tình cảm nhân dân dành cho đã được các anh ghi nhận: “Nơi con nằm lại rừng dầy/Nắng mưa đắp đổi đủ đầy hương hoa”.

Với những người lính sống chan chứa tình cảm như vậy, hẳn nhiên nỗi nhớ quê hương, lòng thương yêu gia đình, cha mẹ luôn luôn thường trực, khiến nhiều khi họ cũng đành phải thú thực: “Chỉ khát hơi ấm mẹ cha/Thơm làn khói bếp quê nhà sớm hôm”.

Những khát khao thường tình đó không chỉ là của riêng anh linh người chiến sĩ, mà còn là nỗi canh cánh trong lòng bao người thân khi chưa tìm được nơi các anh yên nghỉ, cũng như chưa có điều kiện để đưa các anh về với cha mẹ, với làng xóm quê hương.

Chắc các anh cũng rất cảm thông cho người ở hậu phương, thấu tỏ nỗi lòng những người cha, người mẹ đang ngày đêm bạc tóc trông chờ, nên đã có những nhắn gửi hết sức ân tình mong làm yên lòng người ở lại: “Nơi con nằm lại rừng dầy/Nắng mưa đắp đổi đủ đầy hương hoa.../Chia chớp bể sẻ mưa nguồn/Thẳm sâu ấm tiếng linh hồn nhắc nhau”.

Hẳn mỗi chúng ta đều cảm thấy sống mũi mình cay cay khi đọc những câu thơ, những tâm sự thấm đẫm tình cảm và nhói buốt tâm can như thế này: “Lời hứa xin nợ trời xanh/Chưa về bên mẹ dẫu thành khói mây.../Vì hòa bình nén nỗi đau/ Xin tạ lỗi mẹ bạc đầu đợi con”.

Lời xin lỗi của những người mà chúng ta phải cảm ơn, phải biết ơn tới ngàn lần còn chưa đủ, càng tô thắm phẩm chất cũng như hình ảnh cao đẹp của các anh bao nhiêu, càng tăng thêm nỗi xót đau trong lòng nhân dân bấy nhiêu.

Bằng thể thơ lục bát da diết, câu chữ giản dị cùng cách chia khổ nhỏ tạo cho tác phẩm có thêm độ lắng, nhịp thơ chậm rãi, trang nghiêm. Nhà thơ Lệ Bình đã “thay lời đồng đội hi sinh” nhắn gửi tới cha mẹ, tới quê hương những tình cảm, nỗi niềm cũng như những khát khao rất đời thường của bao người con đã xả thân vì quê hương, đất nước.

Qua đó nhắc nhở mỗi chúng ta không bao giờ được phép quên đi những hi sinh xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ vì độc lập, tự do cho dân tộc!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ