Trước Clinton, những phụ nữ nào đã tranh cử Tổng thống Mỹ?

Khi người phụ nữ đầu tiên tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ, bà thậm chí còn chẳng được bỏ phiếu cho mình.

Trước Clinton, những phụ nữ nào đã tranh cử Tổng thống Mỹ?

Victoria Woodhull: Người phụ nữ đầu tiên tranh cử Tổng Thống Mỹ

Truoc Clinton, nhung phu nu nao da tranh cu Tong thong My? - Anh 2

Trong cuốn sách The Highest Glass Ceiling (tạm dịch Trần kính cao nhất), Ellen Fitzpatrick – Giáo sư Khoa Lịch sử, Đại học New Hampshire có nhắc đến nữ ứng viên Tổng thống đầu tiên Victoria Woodhull – người phụ nữ bé nhỏ đến từ một thị trấn thuộc bang Ohio.

Trước khi chính thức bước chân vào con đường chính trị,Victoria Woodhull đã cùng em gái mở công ty môi giới ở trung tâm tài chính phố Wall và trở thành là bà chủ đầu tiên thâm nhập vào "trái tim tài chính" của nước Mỹ.

Victoria Woodhull được đánh giá là một người theo chủ nghĩa nữ quyền kiên định. Bà có biệt danh là "Lady Satan" và bị phe bảo thủ coi như cái gai trong mắt bởi những phát ngôn mạnh mẽ trên các mặt báo, tuyên truyền những quan điểm "quá cấp tiến" về bình đẳng giới, tự do yêu đương và đấu tranh cho quyền bầu cử của phụ nữ.

Năm 1872, Woodhull tuyên bố liên danh với Frederick Douglass – một chính khách theo chủ trương bãi nô, đấu tranh cho quyền lợi của người da đen - đại diện cho Đảng Bình quyền tranh cử Tổng thống.

Trong suốt 88 năm cuộc đời, Victoria Woodhull được biết tới bởi lòng can đảm, dám phá vỡ các nguyên tắc. Theo Polico (Mỹ), Hiến pháp Mỹ bấy giờ quy định ứng cử viên Tổng thống phải đủ 35 tuổi, trong khi bà Woodhull khi ra tranh cử mới chỉ 34 tuổi.

Phụ nữ Mỹ thời đó không có quyền bỏ phiếu trong ngày bầu cử nên Woodhull thậm chí không thể bỏ phiếu cho chính mình, và cuối cùng phải chịu nhận một thất bại cay đắng. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ XIX, việc bà ra tranh cử Tổng thống đã tạo một tiếng vang lớn.

Margaret Chase Smith: Thay chồng tham chính

Truoc Clinton, nhung phu nu nao da tranh cu Tong thong My? - Anh 3

Theo Ellen Fitzpatrick, đến giữa thế kỷ XX, con đường chính trị của phụ nữ Mỹ mới thật sự bắt đầu. Năm 1964, Margaret Chase Smith tới từ bang Maine đã trở thành người phụ nữ đầu tiên được một chính đảng lớn đề cử làm ứng viên Tổng thống.

Con đường chính trị của bà có xuất phát điểm vô cùng đặc biệt. Năm 1930, bà kết hôn với Clyde Smith - Dân biểu Cộng hòa bang Maine, và thường giúp chồng xử lí các công việc ở Washington cho đến khi chồng bà qua đời vì bạo bệnh.

Margaret Chase Smith đã thể hiện được trí tuệ và lòng dũng cảm phi thường. Đầu tiên, bà giành thế áp đảo trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa, rồi tới Hạ nghị sĩ Quốc hội Mỹ lần thứ 77.

Tiếp đó, bà được bầu vào Thượng viện Mỹ, trở thành người phụ nữ đầu tiên làm việc ở Thượng viện và cũng là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm công tác tại Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện và Ủy ban Quân sự.

Sau khi được Đảng Cộng hòa đề cử năm 1964, Margaret tuyên bố ra tranh cử Tổng thống. Bà được tán thưởng và đánh giá cao bởi hiệu quả công việc ở Capitol Hill:

"Trước bà ấy chưa từng có người phụ nữ nào giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chính trị chính thống của Mỹ như thế, sau bà ấy thì con số này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay".

Tuy nhiên, trong bối cảnh chủ nghĩa nam quyền phát triển mạnh mẽ, những tham vọng của bà Smith dần dần bị dập tắt. Năm 1989, Margaret Smith được Tổng thống George H.W. Bush trao tặng Huân chương Tự do, vinh dự cao quý nhất của một công dân Mỹ.

Shirley Chisholm: Nữ nghị sĩ da màu đầu tiên

Truoc Clinton, nhung phu nu nao da tranh cu Tong thong My? - Anh 4

Shirley Chisholm gây tiếng vang trên con đường chính trị vào thập niên 70 của thế kỷ XX với vai trò "nữ nghị sĩ da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ".

Bà từng học trường nữ sinh Bedford High School tại Brooklyn (New York), tốt nghiệp cử nhân văn chương, và giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi hùng biện.

Trước khi tham gia vào chính giới, Shirley Chisholm là một nhà văn, nhà giáo dục, luôn quan tâm đến quyền lợi của người da đen, trẻ em và dân tộc thiểu số. Sau khi tham chính năm 1964, bà được bầu làm nghị sĩ New York, và đến năm 1968 thì bước chân vào Quốc hội.

Shirley Chisholm còn là một trong những thành viên của Tổ chức Phụ nữ Quốc gia, góp phần xây dựng nhóm đồng minh da màu trong Quốc hội để đấu tranh cho quyền, cũng như lợi ích của phụ nữ, trẻ em và người da màu.

Năm 1972, Shirley Chisholm công bố kế hoạch tranh cử, tuy nhiên năm đó bà lại phải chịu thua trước George McGovern, một ứng cử viên khác của Đảng Dân chủ trong vòng bầu cử sơ bộ của Đảng này.

Một trong những phát ngôn đáng chú ý nhất của Chisholm là: "Những kì thị mà tôi phải chịu trong đời dưới thân phận một người phụ nữ còn nhiều hơn dưới thân phận một người da màu".

Shirley Chisholm không muốn được nhớ đến như một nữ nghị sĩ da màu đầu tiên, bà hy vọng mọi người nhìn thấy ở mình hình ảnh của một người tiên phong dũng cảm, dám lên tiếng cho những nhóm người thiểu số. Shirley Chisholm qua đời năm 2005. Tháng 11/2015, bà được Tổng thống Barack Obama truy tặng Huân chương Tự do cao quý.

Theo Soha

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ