Trung thu cho ai?

GD&TĐ - Thời hiện đại Tết Trung thu vẫn được duy trì nhưng có những tiếp biến văn hóa mới, khiến nhiều người lo ngại sẽ dần mất đi các giá trị cổ truyền.

Không khí lễ hội Tết Trung thu tại TP Tuyên Quang năm 2023.
Không khí lễ hội Tết Trung thu tại TP Tuyên Quang năm 2023.

Thời hiện đại Tết Trung thu vẫn được duy trì nhưng có những tiếp biến văn hóa mới, khiến nhiều người lo ngại sẽ dần mất đi các giá trị cổ truyền. Đặc biệt, ý nghĩa thực sự của Tết Trung thu không còn được đề cao.

Trung thu cho ai?

Nhà văn Đỗ Phấn.

Nhà văn Đỗ Phấn.

Tết Trung thu ở Việt Nam có nhiều sự tích. Dù theo sự tích nào thì Tết Trung thu cũng đã gắn liền với nền văn hóa Việt Nam và trở thành một lễ hội độc đáo.

Nhà biên khảo Phan Kế Bính trong sách “Việt Nam phong tục” ghi rằng: Dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng.

Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi. Đồ chơi trẻ em trong Tết Trung thu là các thứ bồi bằng giấy như bươm bướm, bọ ngựa, voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá…

Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát trống quân và treo đèn kéo quân trong dịp Tết Trung thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình”.

Thời hiện đại Tết Trung thu vẫn được duy trì nhưng có những tiếp biến văn hóa mới, khiến nhiều người lo ngại sẽ dần mất đi các giá trị cổ truyền. Đặc biệt, ý nghĩa thực sự của Tết trung thu không còn được đề cao.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, nhà văn Đỗ Phấn nói rằng: “Tết Trung thu ở một đô thị cổ kính như Hà Nội thật lắm sắc màu. Trẻ con vào năm học mới ngồi chưa ấm chỗ đã náo nức chuẩn bị cho ngày Trung thu. Những đứa lớn khéo tay sẽ làm đèn ông sao.

“Không riêng gì Tết Trung thu, hiện nay người lớn đang xâm thực và can thiệp quá sâu vào nhiều thứ vốn dành cho con trẻ. Ngay cả Ngày Quốc tế Thiếu nhi, giáo dục trẻ em cũng bị “người lớn hóa”. Hoặc nói cách khác, người lớn đang muốn trẻ em “nhanh trưởng thành”, “nhanh già dặn”.

Ngay cả chuyện cái bánh Trung thu giá quá cao, trẻ em không thể mua được, lại không để ăn mà để biếu, thì đủ hiểu người lớn đang lạc lối trong cách yêu thương cũng như phương pháp giáo dục trẻ em” - Nhà nghiên cứu Lý Đợi.

Đứa nhỏ hơn xâu hạt bưởi đã bóc vỏ lụa vào sợi dây thép dài chờ đến đêm Rằm mang ra đốt nổ tí tách. Nhà dù nghèo đến mấy cũng cố sắm cho con trẻ chiếc đèn ông sao, đèn ông sư. Khá giả hơn sẽ là đầu sư tử, đèn kéo quân, mặt nạ hề. Khá nữa là đèn hình tôm, hình con thiềm thừ. Kèm theo đó là bánh nướng, bánh dẻo.

Những năm chiến tranh đói khổ mua bánh nướng, bánh dẻo mậu dịch theo tiêu chuẩn bìa gia đình. Nhà tám người cũng như nhà một khẩu đều có hai chiếc bánh: Một nướng, một dẻo.

Người lớn sắp mâm cỗ Rằm bằng quả bưởi, quả na, quả hồng, quả chuối và bánh. Con gái lớn khéo tay có thể bóc bưởi làm con chó xù bày lên mâm cỗ. Con gái nhỏ lên chợ Hàng Mã mua những con thiên nga bằng bông trắng muốt bày thêm vào. Cũng có đứa mua những con giống nặn bằng bột nhuộm phẩm màu rất vui mắt.

Đèn ông sao thắp lên mâm cỗ để ngoài sân ngắm trăng. Bao giờ trăng đến đúng đỉnh đầu mới được phá cỗ. Bánh nướng, bánh dẻo cắt làm tám phần nhọn hoắt như mảnh sắt khêu ốc. Ăn xong, lũ trẻ kéo nhau ra đường rước đèn đến khuya mới về. Quanh bờ hồ Hoàn Kiếm năm nào cũng có múa sư tử. Đó là nói chuyện ngày xưa.

Trung thu bây giờ đã không còn không khí ấy nữa. Có cảm giác như nó còn không dành cho trẻ con. Phố Hàng Mã bày bán những chiếc đèn ông sao và đầu sư tử chế tạo rất cẩu thả. Mặt nạ kinh dị nhập từ Trung Quốc. Đồ chơi nhựa xanh đỏ chói mắt mà trông vẫn vô hồn. Làm sao có thể hấp dẫn trẻ con bằng con chuột rút chỉ chạy loăng quăng. Trung thu nay không còn tiếng trống bỏi giòn tan đến từng ngõ hẻm.

Trung thu nay không còn những chiếc tàu thủy bằng sắt tây sơn đỏ chạy dầu hỏa phát ra tiếng máy lạch tạch như thật. Bánh nướng, bánh dẻo nhiều đến phát sợ. Nhiều nhà vứt ra thùng rác cả những hộp bánh ăn dở. Giờ thì mỗi nhà chỉ có đến hai trẻ con là cùng.

Cho chúng ra phố vào buổi tối phải có người đi kèm rất phiền phức. Để chúng ở nhà cũng không đủ trẻ con để bày hẳn một mâm cỗ. Hoa quả bánh kẹo chỉ để lên ban thờ như cúng Rằm thông thường. Không khí Tết Trung thu trong từng ngôi nhà cũng dần biến mất.

Trung thu bây giờ hình như là Tết của người lớn. Người “đủ lớn” mua bánh trái hoa quả mang biếu sếp. Người “lớn hẳn” chở hàng xe ô tô quà bánh như thế đi biếu các đối tác làm ăn. Người “rất lớn” trong nhà chất đầy bánh biếu mà lại không có nghĩa vụ phải biếu ai mới thật sự là phiền”.

Trưng bày 'Trở về Trung thu xưa' tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ.

Trưng bày 'Trở về Trung thu xưa' tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ.

Cần hài hòa truyền thống và hiện đại

Không chỉ tràn ngập các loại bánh bán sẵn, đồ chơi Trung thu cũng đã trở thành mặt hàng thương mại đầy tính cạnh tranh. Nhiếp ảnh gia Lê Bích - người có nhiều năm đi thực tế tại các làng nghề, tiếp xúc nhiều với giới nghệ nhân cho hay: “Cách đây vài năm tôi có thực hiện triển lãm về đề tài “Những người giữ hồn Trung thu”.

Phải thấy rằng, các nghề liên quan đến Trung thu chỉ là nghề làm thêm và luôn rơi vào cảnh khó khăn vì hàng ngoại nhập tràn lan. Các nghề truyền thống đúng là đang mai một, nhưng may mắn là vẫn còn người tiếp nghề và giữ nghề”.

Theo nhiếp ảnh gia Lê Bích, không khí Trung thu xưa và nay có sự khác biệt khá rõ nét. Nếu như ngày xưa trẻ em tự làm đồ chơi hoặc được bố mẹ, anh chị làm cho thì nay gần như mua sẵn. Ngay cả mâm cỗ Trung thu cũng toàn đồ mua sẵn.

“Đồ chơi Trung thu xưa mang tính văn hóa, tính giáo dục cao vì sáng tạo từ các sự tích hay câu chuyện lịch sử. Ngày nay thì đồ chơi phong phú, nhưng mang tính điện tử hóa, hòa nhập nhiều hơn”, nhiếp ảnh gia Lê Bích cho hay.

Trước những thay đổi theo hướng công nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, Tết Trung thu ngày nay không còn giữ được các nét đẹp truyền thống mà đã biến hóa theo lối phô trương “phú quý sinh lễ nghĩa”.

Đạo diễn Lương Đình Dũng.

Đạo diễn Lương Đình Dũng.

Anh Trần Ngọc Đông - thành viên tích cực của Cộng đồng bảo vệ di sản Việt nói rằng, Tết Trung thu xưa dù tối giản nhưng lại ẩn chứa ý nghĩa văn hóa và nhân văn sâu sắc, đặc biệt hướng về trẻ em.

Ngày nay, Trung thu có nhiều mặt thái quá, nặng về hình thức. Trong đó, việc biếu xén được coi trọng, rồi múa rồng rước đèn thành múa lân xin tiền.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, đạo diễn Lương Đình Dũng lại cho rằng, việc tặng quà - tốt hay xấu phụ thuộc vào yếu tố con người. Bởi thực tế, chúng ta muốn quay lại ngày xưa cũng không được và cũng không nên vì thời đó còn nhiều khó khăn. Hiện nay, chúng ta có thể làm phong phú hơn nếu có một tâm hồn trong sáng dành cho trẻ em.

“Nhiều người nói Trung thu là cơ hội để nịnh nọt, biếu xén, hối lộ. Tuy nhiên phải biết rằng, nếu muốn hối lộ thì lúc nào người ta cũng có thể thực hiện chứ đâu phải chờ đến Trung thu? Biếu tặng quà cũng là một nét văn hóa, phong thái ứng xử từ xa xưa và không nên phản đối việc tặng quà cho nhau nếu đó là ý tốt đẹp”, đạo diễn Lương Đình Dũng nêu quan điểm.

Trước thực trạng các giá trị truyền thống bị phai nhạt, ông Dũng cho rằng vẫn có những nỗ lực để duy trì giá trị truyền thống thông qua việc hòa quyện các yếu tố cổ điển và hiện đại. Điều này thể hiện qua việc nhiều người vẫn ưa thích làm đèn lồng và đèn ông sao thủ công để gìn giữ văn hóa truyền thống của ngày Tết Trung thu, thậm chí tự làm bánh Trung thu cho gia đình.

“Ngành văn hóa, bao gồm cả điện ảnh có thể tham gia bằng cách kết hợp giữa truyền thống và sự sáng tạo. Chúng ta có thể tạo ra các tác phẩm điện ảnh hoặc sự kiện nghệ thuật để tôn vinh và duy trì giá trị văn hóa truyền thống của Tết Trung thu.

Năm nay, tỉnh Tuyên Quang được chọn là nơi tổ chức Lễ hội Trung thu lớn nhất cả nước. Tôi có đến dự và thấy rất ý nghĩa, vừa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, lại có thể giúp lan tỏa giá trị và ý nghĩa của lễ hội truyền thống này đến với thế hệ trẻ”, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết, Tết Trung thu 2023 cùng với hoạt động trưng bày cụm sắp đặt đèn lồng Trung thu truyền thống trên phố Hàng Mã, Hàng Lược (Hà Nội) thì tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ) cũng diễn ra trưng bày “Trở về Trung thu xưa” với những tư liệu cổ về lịch sử Tết Trung thu ở Việt Nam qua nhiều thời kỳ lịch sử, được “mở kho” từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.