Trung tâm Bảo trợ xã hội Kon Tum: Mong ước của những số phận

GD&TĐ - Cận kề Tết, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum trở nên nhộp nhịp, phấn khởi hơn mọi ngày.

Các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội được cắt tóc miễn phí để chào đón năm mới.
Các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội được cắt tóc miễn phí để chào đón năm mới.

Nhưng đâu đó, những đứa trẻ luôn mong ước được đón cái Tết đoàn viên với gia đình. Những em nhỏ cùng cán bộ, nhân viên nơi đây tham gia trang trí, gói bánh chưng, bánh tét với mong muốn năm mới ấm áp, đủ đầy.

Mong ước sum vầy

Những ngày cuối năm, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum nhộn nhịp hơn ngày thường. Lũ trẻ ở đây vui vẻ, háo hức khi được nhận những phần quà, chiếc áo ấm của mạnh thường quân gửi tặng. Các em cũng được cắt tóc miễn phí để đón chào năm mới.

10 năm gắn bó với Trung tâm là chừng ấy thời gian em Lương Thị Nga (21 tuổi, trú huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) cùng cán bộ, nhân viên nơi đây trang trí, chuẩn bị Tết.

Nga tâm sự, từ khi lọt lòng mẹ em đã bị dị tật bẩm sinh. Do đó, em không có đầy đủ các bộ phận trên cơ thể như bạn bè cùng trang lứa. Mọi sinh hoạt hàng ngày của Nga đều phải nhờ bố mẹ hỗ trợ. Đến khi lớn lên người bạn đồng hành của em là chiếc xe lăn, nhưng em cũng không thể tự điều khiển được mà phải nhờ người khác giúp đỡ.

Nga chia sẻ, 10 năm sinh sống tại Trung tâm dù xa gia đình nhưng em không cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Tại đây, em được các cán bộ, nhân viên quan tâm, chăm sóc như người thân. Bên cạnh đó, em cũng có những người bạn luôn giúp đỡ, sẻ chia mỗi khi khó khăn.

“Năm nào cũng vậy, những ngày gần Tết em và các bạn tham gia dọn dẹp, trang trí Trung tâm. Bên cạnh đó, thầy, cô còn dạy các bạn nhỏ gói bánh chưng, bánh tét và tổ chức đón Giao thừa sớm để mọi người về với gia đình.

Hàng năm cứ khoảng 28 hoặc 29 Tết gia đình lại đến đón em về nhà. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không biết em và một số bạn khác có thể về nhà đón Tết không. Nhưng dù đón Tết ở đâu em đều cảm thấy vui và hạnh phúc, vì ở đâu em cũng xem là nhà”, Nga bộc bạch.

Mấy năm nay, A MRiêng (huyện Đăk Glei, Kon Tum) không về nhà đón Tết. Nhà MRiêng cách Trung tâm hơn 100km, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên lâu lâu mới về thăm nhà. MRiêng bị mù bẩm sinh nên việc đi lại gặp nhiều bất tiện.

MRiêng kể, những ngày cuối năm cả Trung tâm cùng nhau dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên. Bên cạnh đó, MRiêng cùng các bạn trang trí cây mai, đào tạo cảm giác Tết đang cận kề.

“Những năm qua đón Tết tại Trung tâm mình và các bạn được thầy cô chăm sóc rất tận tình, chu đáo. Thầy, cô nấu nhiều món ngon ngày Tết như: Chả ram, bánh chưng, canh xương… Bên cạnh đó, mình và các bạn nhỏ được thầy, cô lì xì, mừng tuổi năm mới.

Cảm giác thân thương như ở nhà. Tuy ở đây mình được mọi người quan tâm, yêu quý như người thân trong gia đình nhưng mình vẫn mong được về nhà đón Tết. Mình hy vọng năm nay dịch bệnh ổn định để mình và nhiều bạn khác có thể đón Tết đoàn viên với gia đình”, MRiêng tâm sự.

Các em được trải nghiệm gói, luộc bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán.
Các em được trải nghiệm gói, luộc bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán.

Tết ấm áp

Để các cụ già, em nhỏ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội có một cái Tết đầy đủ, ấm cúng thì những ngày này cán bộ, nhân viên lại tất bật chuẩn bị. Họ luôn cố gắng tạo không khí gần gũi, đầm ấm để mọi người nơi đây cảm nhận như được sống tại gia đình.

Hơn 10 năm gắn bó với Trung tâm, cũng là chừng đó thời gian chị Lê Thị Hương, Phòng Chăm sóc khẩn cấp và dài hạn đã cùng các em mồ côi, khuyết tật đón năm mới.

Chị Hương tâm sự, mỗi em đến với Trung tâm đều có một câu chuyện riêng, nhưng đa số là hoàn cảnh bất hạnh. Có những em mồ côi cả bố lẫn mẹ, em khác thì bị thần kinh, khuyết tật không thể tự sinh hoạt cá nhân.

“Tết Nguyên đán năm nay cũng như mọi năm, những em nào không về với gia đình thì Trung tâm sẽ tổ chức cho các em đi tảo mộ, đón Giao thừa. Trong những ngày Tết chúng tôi sẽ thay phiên nhau trực, tổ chức các trò chơi dân gian và nấu món ăn truyền thống cho các em. Chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức cho các em một cái Tết Nguyên đán đủ đầy, ấm áp và hạnh phúc”, chị Hương chia sẻ.

Bà Lê Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng Y tế - Phục hồi chức năng, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum, cho biết, hiện tại đơn vị đang nuôi dưỡng 156 người, trong đó có 82 trẻ mồ côi, 52 trẻ khuyết tật và 22 người cao tuổi.

Theo bà Hạnh, trong năm đa số các em nhỏ sống tại Trung tâm nên ít có thời gian ở cùng gia đình. Những năm trước vào dịp nghỉ hè, Tết thì các em và một số cụ già được bố trí đưa về nhà.

Tuy nhiên năm nay do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên hè các em không được về với gia đình. Những ngày cận kề Tết, các em luôn mong muốn được về nhà đoàn viên với gia đình. Do đó, Trung tâm đang xin ý kiến của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để cho các em về nhà đón Tết.

Cũng theo bà Hạnh, những gia đình nào không có điều kiện đón trẻ thì các em ở lại Trung tâm đón Tết. Tại đây, các em được gói bánh chưng, đón Giao thừa và tham gia các trò chơi tập thể…

“Trung tâm cố gắng trang trí khuôn viên, phòng ở ấm cúng để các em cảm thấy như đang đón Tết Nguyên đán tại nhà. Từ đó, các em thấy vui vẻ, ấm áp và xem đây như ngôi nhà thứ 2 của mình”, bà Hạnh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.