Trung Quốc xây phòng nghiên cứu “khói bụi” lớn nhất thế giới

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã thông qua dự án xây một trung tâm nghiên cứu khói bụi lớn nhất thế giới ở quận Hoài Nhu (Bắc Kinh).

Người tập thể dục buổi sáng ở Bắc Kinh phải đeo khẩu trang - Ảnh: Reuters
Người tập thể dục buổi sáng ở Bắc Kinh phải đeo khẩu trang - Ảnh: Reuters

Trung tâm này có thiết kế mô phỏng theo mô hình Trung tâm nghiên cứu về các vấn đề không khí lớn nhất thế giới của châu Âu (European Photoreactor) ở Valencia (Tây Ban Nha). Thậm chí Bắc Kinh tuyên bố sẽ lắp đặt trang thiết bị hiện đại hơn.

Truyền thông Trung Quốc hôm 28/2 cho biết Chính phủ Trung Quốc đã cấp hơn 5 ha đất ở quận Hoài Nhu cùng 500 triệu nhân dân tệ (khoảng 81 triệu USD) cho việc xây dựng khu phức hợp này, sau nhiều năm dự án bị trì trệ. Kết cấu chính của công trình là hai ống thủy tinh khổng lồ được xây dựng trên mái của tòa nhà chính trong khu phức hợp.

Không khí ô nhiễm sẽ được bơm vào bên trong hai ống thủy tinh này để các nhà khoa học nghiên cứu phản ứng hóa học của chúng dưới ánh sáng mặt trời, sau đó đưa ra giải pháp cụ thể xử lý tình trạng ô nhiễm ở Trung Quốc hiện nay.

Giới chuyên gia Trung Quốc cho biết thời điểm khởi công dự kiến đầu năm 2016 nhưng với tình hình ô nhiễm không khí đang gây bất bình trong dân, ảnh hưởng nặng đến kinh tế thì Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ ấn định thời điểm khởi công sớm hơn.

GS Hà Hồng - Chuyên gia ở Viện Khoa học Trung Quốc, cũng là trưởng dự án - cho biết: Khi hoàn thành, cơ quan nghiên cứu “khói bụi” Hoài Nhu có thể xét nghiệm, phân tích đến 600 m3 không khí ô nhiễm, cao hơn khả năng của European Photoreactor đến 50%. 

“Chúng tôi đang chịu nhiều áp lực trong việc phải đưa ra các giải pháp và câu trả lời ngay lập tức về tình hình ô nhiễm không khí ở Trung Quốc hiện nay, nhưng nghiên cứu khoa học cần phải có thời gian, tôi mong mọi người hãy hiểu cho chúng tôi” - GS Hồng bày tỏ.

Theo Tuổi Trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ