Trung Quốc thu hồi sách giáo khoa có tranh nhạy cảm

GD&TĐ - Ngày 30/5, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Nhân dân thu hồi sách giáo khoa Toán tiểu học sau khi hình minh họa bị chỉ trích. Những hình ảnh được cho là “xấu xí, khiêu dâm và thân Mỹ”.

Hình minh họa trẻ em mắt một mí, mũi hếch bị cho là phân biệt chủng tộc.
Hình minh họa trẻ em mắt một mí, mũi hếch bị cho là phân biệt chủng tộc.

Sách giáo khoa môn Toán tiểu học đã được đưa vào sử dụng từ năm 2013 nhưng gần đây, những tranh minh họa trong sách bị chỉ trích vì nhiều lý do.

Một số cộng đồng mạng Trung Quốc cho rằng, tranh vẽ những em bé có đôi mắt nhỏ nhưng cố mở to, trán dô, mũi hếch. Những hình ảnh như vậy là quá xấu xí và mang tính phân biệt chủng tộc.

Một số hình ảnh khác từ sách giáo khoa bị cho là khiêu dâm khi đăng hình bé trai với đường viền cơ quan sinh dục nam hằn trên trang phục. Hình khác có bé trai đang chơi trò chơi điện tử, không phù hợp với thói quen sống và học tập lành mạnh.

Thậm chí, một số tranh bị cho là mang ý nghĩa “thân Mỹ” vì trẻ em mặc quần áo có hình ngôi sao và sọc giống màu quốc kỳ Mỹ.

Những bức tranh đã trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội Trung Quốc từ ngày 26/5 với hàng triệu lượt xem và bình luận. Nhiều phụ huynh bày tỏ tức giận khi tranh minh họa trong sách giáo khoa tiểu học có chất lượng kém.

Hơn nữa, sách do Nhà xuất bản Giáo dục Nhân dân, đơn vị phát hành sách lớn nhất Trung Quốc, xuất bản nhưng những “hạt sạn” này không hề bị phát hiện trong suốt thời gian qua.

Nhà xuất bản Giáo dục Nhân dân được thành lập vào năm 1950, chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục Trung Quốc. Nhiệm vụ của nhà xuất bản là biên soạn và xuất bản sách giáo khoa cho học sinh tiểu học và trung học. Sách giáo khoa tiểu học, được đưa vào sử dụng năm 2013, đã được cơ quan chức năng thẩm định vào năm 2012.

Trước những ồn ào trên, Nhà xuất bản Giáo dục Nhân dân đã thông báo sẽ thu hồi sách và thiết kế lại tranh minh họa. Đại diện nhà xuất bản cho biết đã thành lập một nhóm thiết kế lại sách giáo khoa và cam kết sẽ hoàn thành trước ngày 1/9. Tuy nhiên, làn sóng chỉ trích vẫn không hạ nhiệt.

Do đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã vào cuộc, yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Nhân dân đẩy nhanh các biện pháp chấn chỉnh và đảm bảo sách giáo khoa mới cho học sinh trước khi bắt đầu năm học mới vào tháng 9.

Bộ Giáo dục sẽ tiến hành đánh giá toàn diện tất cả sách giáo khoa được sử dụng trong các trường tiểu học, trung học trên toàn quốc, đặc biệt về nội dung và hình ảnh minh họa.

Việc đánh giá nhằm đảm bảo sách giáo khoa tuân thủ các định hướng và giá trị chính trị đúng đắn, quảng bá văn hóa truyền thống Trung Quốc và phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của công chúng.

Nếu phát hiện bất kỳ sai phạm nào, Bộ Giáo dục sẽ khắc phục và chấn chỉnh ngay lập tức.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc hoan nghênh các ý kiến đóng góp, đề xuất về việc thiết kế sách giáo khoa do người dân gửi đến. Các ý kiến đóng góp sẽ được đem ra thảo luận và bổ sung trong quá trình thiết kế lại sách giáo khoa.

Bộ Giáo dục sẽ thành lập cơ chế trách nhiệm giải trình đối với sách giáo khoa được sử dụng trong chương trình phổ thông nhằm đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn hóa. Điều này sẽ bao gồm biên soạn, hiệu đính, in ấn, phân phối và lựa chọn sách giáo khoa.

Trước đó, từ năm 2021, Chính phủ Trung Quốc đã cấm sử dụng tài liệu giảng dạy của nước ngoài, bao gồm sách giáo khoa và tác phẩm văn học kinh điển, trong các trường tiểu học, THCS.

Theo China Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.