Trung Quốc: Thoái trào kinh doanh giáo dục trực tuyến

GD&TĐ - Sau làn sóng vốn đầu tư đổ vào lĩnh vực kinh doanh giáo dục trực tuyến trong 2 năm qua, nhiều công ty “lính mới” trong ngành này đã phải đóng cửa.

Trung Quốc: Thoái trào kinh doanh giáo dục trực tuyến

Ngành đầu tư triển vọng

Năm nay dường như sẽ chứng kiến thêm nhiều nữa những doanh nghiệp kinh doanh giáo dục trực tuyến tại Trung Quốc buộc phải đóng cửa bởi không có lợi nhuận; trong khi những doanh nghiệp sắp ra đời sẽ vấp phải khó khăn lớn khi các nhà đầu tư không còn mặn mà với lĩnh vực này.

Ronald Wan, điều hành Quỹ đầu tư Partners Capital International tại Hồng Kông, nhận xét: Hầu hết những doanh nghiệp mới trong lĩnh vực kinh doanh GD trực tuyến đều khó duy trì được ổn định. Thị trường GD trực tuyến có triển vọng và ý tưởng luôn tuyệt vời, nhưng làm thế nào chuyển ý tưởng thành kinh doanh sinh lợi lại rất khó cho doanh nghiệp.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu GD Internet của Trung Quốc cho thấy chỉ 5% công ty GD trực tuyến có lợi nhuận trong năm 2015. Tuy nhiên, thị trường GD trực tuyến tại Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới, đang mở rộng nhanh, đạt doanh số gần 119,2 tỉ nhân dân tệ (141 tỉ HK$) trong năm 2015 và dự báo tăng lên 204,6 tỉ tệ vào năm 2018.

Viễn cảnh triển vọng này đã khiến thị trường GD trực tuyến của Trung Quốc trở thành lĩnh vực nóng hút nhà đầu tư năm 2015. Ít nhất 19 trong 90 doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực này có vốn điều lệ hơn 20 triệu USD năm ngoái, trong đó một số là hơn 100 triệu USD.

Muốn tồn tại phải trường vốn

Tuy nhiên, mặc dù nguồn vốn dồi dào bơm vào 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp mới thành lập đã “cụt” vốn và buộc phải đóng cửa. Hơn 30 trong 110 doanh nghiệp nổi tiếng, trong đó có Tizi.com, nahao.com và fenbi.com, đóng cửa do không còn nhà đầu tư bơm tiếp tiền trong 2 năm qua.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu GD Internet nhận định ngành kinh doanh GD đòi hỏi phải kiên nhẫn và trường vốn để phát triển chương trình, phát triển công nghệ tiên tiến và dịch vụ thị trường đối với học sinh, giáo viên và phụ huynh. Các công ty GD trực tuyến cần bù lỗ ít nhất 3 đến 5 năm trước khi có lợi nhuận. Khi không có nguồn đầu tư bù lấp lỗ thì doanh nghiệp đóng cửa là chuyện tất yếu.

Theo Tuch Lye Koh, Giám đốc điều hành Quỹ Shun Wei, nhịp độ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Trung Quốc đã giảm nghiêm trọng trong năm 2016 so với năm ngoái. “Các nhà đầu tư cân nhắc kĩ càng hơn nhiều về triển vọng đầu tư” – Koh nói. Xu hướng đầu tư giảm không chỉ với các doanh nghiệp GD trực tuyến mà với tất cả doanh nghiệp khởi nghiệp tại đại lục. Đầu tư khởi nghiệp cho ngành công nghiệp của Trung Quốc giảm 28% xuống 1,8 tỉ USD trong quý I năm 2016, so với 2,5 tỉ USD cùng kì năm trước, theo Công ty Nghiên cứu thị trường AVCJ có trụ sở tại Hồng Kông.

Theo Tong, Trường Đại học Wanmen, thì nguồn vốn từ các quỹ đầu tư cắt giảm mạnh có một nguyên nhân chính do thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm mạnh từ năm ngoái. Nhiều công ty mới cũng vướng mắc thủ tục đăng kí lên sàn chứng khoán khiến khó thu hút vốn đầu tư. Hiện có 600 công ty xếp hàng đăng kí niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Theo hãng truyền thông quốc tế uy tín nhất về phân tích tài chính, các quỹ đầu tư rót khoản tiền kỉ lục 37 tỉ USD vào doanh nghiệp khởi nghiệp Trung Quốc trong năm 2015, nhiều hơn gấp đôi so với cả năm trước đó, khi quốc gia này nổi lên thách thức vị trí số một ngành công nghệ thông tin của Mỹ. Tuy nhiên, tốc độ đầu tư đã giảm dần trong quý IV năm ngoái, với giá trị đầu tư giảm khoảng 40%, chủ yếu giảm trong dịch vụ Internet.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ diễu binh, diễu hành là điểm nhấn của Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: ITN

Bài học giá trị cho thế hệ trẻ

GD&TĐ - Nhiều nhà khoa học, giảng viên đã thảo luận phương thức GD HSSV về ý nghĩa Chiến thắng Điện Biên Phủ, vận dụng trong GD quốc phòng và an ninh hiện nay.