Trung Quốc thể hiện sự tự tin trong chống tham nhũng

Tân Hoa Xã nhận định, chủ đề các câu chuyện của người dân Trung Quốc trong tháng này xoay quanh "In the Name of the People" - bộ phim dài 55 tập có nội dung xây dựng trên nhân vật hư cấu hoạt động trong đội ngũ Đảng Cộng sản Trung Quốc, mô tả lối sống của các quan chức cao cấp, hoạt động tham nhũng.

Áp phích quảng cáo phim "In the Name of the People". Ảnh: jnnc.com
Áp phích quảng cáo phim "In the Name of the People". Ảnh: jnnc.com

Không chỉ là hư cấu

Bộ phim kể về câu chuyện của công tố viên Hou Liangping - người đang điều tra và đấu tranh chống lại các quan chức trong mạng lưới tội phạm liên quan đến tham nhũng, bao gồm cả những quan chức cấp bộ, để bảo vệ công lý, công bằng trong xã hội.

Các nhà phê bình phim truyền hình cho rằng, một chương trình truyền hình cần phải đạt được 3 tiêu chí (3 E) là: "Enlighten" (Khai sáng), "Entertain" (Giải trí) và "Educate" (Giáo dục).

"Nếu một chương trình truyền hình đạt được 1 tiêu chí là tốt; 2 tiêu chí là khá thành công. Trong trường hợp bộ phim này, nó đã đạt được cả 3 tiêu chí", Harvey Dzodin, nhà phê bình truyền hình, cựu Phó Giám đốc Công ty Truyền thông Mỹ nhận định.

Đáng nói, bộ phim không chỉ là sự hư cấu, mà hoàn toàn có thật ngoài xã hội, như trường hợp của Yang Chongyong, một nhà lập pháp cấp cao ở tỉnh Hà Bắc, đang bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) điều tra vì "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật". Trước Yang, 4 lãnh đạo cấp tỉnh cũng bị điều tra từ tháng 11/2014, trong đó bao gồm cựu Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Zhou Benshun.

Các cuộc điều tra chỉ ra rằng, nếu một lãnh đạo hàng đầu của một khu vực hay một lĩnh vực tham nhũng, họ sẽ làm hư hỏng cả cấp dưới của họ. Như Tô Vinh, cựu Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc đã bị xử tù vô thời hạn vì tội “hối lộ” là một ví dụ điển hình cho việc ảnh hưởng xấu tới các quan chức tỉnh Giang Tây. Trong suốt thời gian làm lãnh đạo, ông Tô đã bán "ghế" ở các vị trí để đổi lại các khoản tiền. Để giải quyết tình trạng này, theo nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, cần phải tăng cường sự giám sát, các nhà lãnh đạo cấp cao ở các cấp phải trở nên miễn nhiễm với tham nhũng.

Kể từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vào cuối năm 2012, CCDI đã điều tra hơn 200 quan chức cấp cao. Riêng năm 2016, cơ quan này đã trừng phạt 76 quan chức cấp bộ và hơn 2.700 quan chức ở cấp quận.

Hơn cả "The House of Cards"

Đây là phim đầu tiên về nạn tham nhũng được mô tả cụ thể, chân thật. Khi bắt đầu tạo được tiếng tăm, "In the Name of the People" thường được đưa ra bàn luận cùng với bộ phim "The House of Cards" từng gây sốt thế giới của Mỹ và được coi là phiên bản Trung Quốc của loạt phim này.

"Mặc dù chung một chủ đề, nhưng 2 bộ phim truyền hình nổi tiếng này rất khác nhau", nhà phê bình Dzodin nhấn mạnh rằng, bộ phim của Trung Quốc đào sâu vào chủ đề tham nhũng với chiều sâu thâm thúy hơn, cho thấy cả sự kịch tính trong phim nghệ thuật lẫn tính chân thực trong phim tài liệu.

Bộ phim được ra mắt trước công chúng là một nỗ lực hiếm thấy cho một tác phẩm mang chủ đề chống tham nhũng ở Trung Quốc. Bộ phim đã phá vỡ lệnh cấm kéo dài hàng thập kỷ của nước này nhằm ngăn chặn những phim có nội dung liên quan tiêu cực đến hình ảnh Đảng cầm quyền. Đây cũng là phim truyền hình đầu tiên mô tả một nhân vật lãnh đạo vị trí thứ hai trong Đảng Cộng sản Trung Quốc ở vị thế kẻ phản diện. "In the Name of the People" được đánh giá là không đi xa như "House of Cards" khi dính líu đến tổng thống, nhưng nó đi xa nhất trong các phim chính trị Trung Quốc từ trước đến nay.

Sức lan tỏa rộng rãi

"In the Name of The People" mang phong cách hiện đại đã thu hút đông giới trẻ Trung Quốc - những người vốn chưa bao giờ thích những phim đề tài chính trị khô khan, giáo điều trên truyền hình.

Không chỉ vậy, Tân Hoa Xã nhận định, bộ phim còn có sức ảnh hưởng tới cả những người nước ngoài đang sinh sống tại Trung Quốc. Thông qua các tập phim, khán giả ngoại quốc có cơ hội để hiểu rõ hơn về nền chính trị và văn hóa, cũng như các giải pháp chống tham nhũng trong giới chính trị, doanh nghiệp Trung Quốc.

Eric Ivarsen từ Na Uy, một học viên đào tạo thạc sỹ chuyên ngành quản lý công và phát triển xã hội của Đại học Khoa học Trung Quốc chia sẻ: "Chuyên ngành học của tôi yêu cầu sự hiểu biết rất cao về hệ thống chính trị và văn hóa Trung Quốc. Sau khi xem bộ phim, tôi hiểu rõ hơn về các điều khoản cũng như những điều cấm kỵ trong chính trị Trung Quốc… Những điều này khá khác biệt so với đất nước của tôi”.

Đồng nghiệp, cũng là bạn cùng lớp của Ivarsen là Mads Nielsen thì thấy được qua bộ phim những yếu tố con người rất chân thực với nhiều mặt, nhiều sắc thái khác nhau giữa đen và trắng.

"Một số người được thấy là tốt trong một vài tình huống, nhưng lại trở thành người xấu ở những hoàn cảnh khác. Thật khó để nói ai là người tốt, ai là kẻ xấu. Chính điều này đã khiến các các nhân vật trong phim rất sống động, rất thực", Nielsen nói sau khi xem 6 tập của "In the Name of the People".

Nhà phê bình Mỹ Harvey Dzodin, người đã sống ở Trung Quốc 14 năm, cho rằng, con người dễ bị cám dỗ dẫn đến tham nhũng: "Không thể xóa sạch tham nhũng vì lý do bản chất của con người, nhưng có thể giảm thiểu được đáng kể vấn nạn này”.

Còn Ivarsen nhận định: "Một chính phủ đủ dũng cảm để thừa nhận sai lầm của mình được coi là chính phủ trung thực ở Na Uy... Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc cho tôi một cái nhìn tích cực về tương lai của nước này. Điều đó cho tôi thấy rằng, Trung Quốc đang nỗ lực để cải thiện chính mình".

Trước đó, năm 2004, do lo ngại những chi tiết về tham nhũng cho dù là tưởng tượng cũng có thể làm suy yếu lòng tin của công chúng vào Đảng, Cơ quan quản lý phim Trung Quốc quyết định hạn chế đề tài liên quan tiêu cực đến Đảng cầm quyền. Việc sản xuất và phát sóng "In the Name of the People" vào giờ cao điểm cho thấy Trung Quốc đang rất tự tin trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Theo Thanh Tra

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thường trực Thành ủy TPHCM tặng hoa chúc mừng bà Trần Thị Diệu Thúy, ông Dương Ngọc Hải và ông Võ Ngọc Quốc Thuận tại kỳ họp thứ 15, HĐND TPHCM khóa X. (Ảnh: Thành Nhân).

TPHCM có hai tân Phó Chủ tịch UBND

GD&TĐ - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Trần Thị Diệu Thúy và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Dương Ngọc Hải được bầu làm Phó Chủ tịch UBND Thành phố.
Ảnh chụp từ trailer của Nhà hát Tuổi trẻ.

Cùng dự 'Bữa tiệc của Elsa'

GD&TĐ - Các tối cuối tuần: 11, 19, 25/5 và 1/6, khán giả yêu thích nhạc kịch có thể đến Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội) cùng dự 'Bữa tiệc của Elsa'.