Trung Quốc quyết liệt "diệt hổ đập ruồi"

Trung Quốc quyết liệt "diệt hổ đập ruồi"
Chính quyền Trung Quốc thời gian qua có những biện pháp chống tham nhũng và lãng phí quyết liệt khiến dư luận thế giới quan tâm, nhất là sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố tăng các chiến dịch “bắt” những “con hổ” và “con ruồi” tham nhũng.
Bắt “hổ” Bạc Hy Lai để răn đe
Bạc Hy Lai trong phiên tòa hồi tháng 9.2013 - Ảnh: AFP
Bạc Hy Lai trong phiên tòa hồi tháng 9.2013 - Ảnh: AFP
Tòa án thành phố Tế Nam (tỉnh Sơn Đông) hôm 22/9 đã tuyên án phạt Bạc Hy Lai, 64 tuổi, từng là một trong 25 chính trị gia hàng đầu của Trung Quốc, tù chung thân vì tội nhận hối lộ, biển thủ công quỹ và lạm dụng quyền lực, theo Tân Hoa xã.
Đến ngày 25/10, Tòa án Tối cao tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc đã bác đơn kháng cáo của Bạc Hy Lai, y án tù chung thân.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng vụ xét xử ông Bạc là một bằng chứng thể hiện sự quyết tâm phòng chống tham nhũng của chính quyền Bắc Kinh.
Nhưng nhiều nghi vấn đặt ra liệu rằng vụ bê bối chính trị Bạc Hy Lai có được phơi bày ra ánh sáng nếu như cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân không chạy trốn đến lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô sau khi rò rỉ vụ bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc, giết hại doanh nhân người Anh Neil Heywood.
Ông Vương Lập Quân đã lãnh án 15 năm tù giam về tội đào nhiệm, nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và “bẻ cong” pháp luật để tư lợi, còn bà Cốc lãnh án tử hình, nhưng được hoãn thi hành án hai năm.
Cấm xây dựng “cung điện” hành chính
Trước hiện trạng nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc đua nhau xây dựng trụ sở hành chính hoành tráng gây lãng phí, Tân Hoa xã hồi tháng 7/2013 đưa tin Bắc Kinh đã ra lệnh cấm xây dựng các trụ sở hành chính mới trong vòng 5 năm tới.
Nhưng mới đây, một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Hồ Nam đã chi hơn 2,4 triệu USD để xây một trụ sở hành chính 7 tầng cho… 5 quan chức và 3 phụ tá ngồi làm việc, nhằm xúc tiến… đầu tư, du lịch. Vụ việc này khiến dư luận Trung Quốc bức xúc.
Cấm quảng cáo quà tặng xa xỉ
Chính quyền Trung Quốc cấm các đài truyền hình, phát thanh quảng cáo những loại quà tặng xa xỉ, đắt tiền như đồng hồ, bộ sưu tập tem hiếm, đồng xu vàng... trong nỗ lực ngăn chặn tham nhũng và lãng phí.
Những loại quảng cáo này tuyên truyền những giá trị không đúng của quà tặng và tạo một nét xấu trong xã hội, dễ dẫn đến tham nhũng và lãng phí, Tân Hoa xã ngày 5.2 dẫn nguồn thông cáo của Cơ quan Quản lý phát thanh, điện ảnh và truyền hình của Trung Quốc.
Tiệc chiêu đãi không “sơn hào hải vị”
Một nhân viên chuẩn bị cho một buổi tiệc thịnh soạn ở Bắc Kinh - Ảnh: AFP
Một nhân viên chuẩn bị cho một buổi tiệc thịnh soạn ở Bắc Kinh - Ảnh: AFP
Tờ China Daily của Trung Quốc ngày 22/12/2012 cho biết các bữa tiệc chiêu đãi quan chức quốc phòng cấp cao nước này sẽ không được phép có những món “sơn hào hải vị”.
Đây chỉ là một phần trong quy định mới được Quân ủy Trung ương Trung Quốc công bố vào 21/12, theo China Daily.
Quy định này cũng cấm các địa phương treo băng rôn chào mừng, trải thảm đỏ, lẵng hoa, trình diễn văn nghệ chào mừng, quà lưu niệm đắt đỏ, lính đứng xếp hàng... trong các lễ đón quan chức cấp cao của Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Cũng theo quy định này, các quan chức Quân ủy trung ương phải chung thủy với vợ chồng, con cái, đảm bảo không được nhận hối lộ, và không được ở khách sạn xa xỉ trong những chuyến công tác, thanh tra.
Hàng loạt các quan chức thuộc hàng "ruồi" ở các tỉnh lẻ Trung Quốc gần đây cũng bị đình chỉ công tác hoặc sa thải do tổ chức các đám cưới linh đình và xa hoa cho con cái họ.
Xóa bỏ đặc quyền xe gắn biển số quân đội
Quân đội Trung Quốc hồi tháng 4/2013 đã tuyên bố thay đổi tất cả biển số quân đội trong nỗ lực xóa bỏ những đặc quyền đối với những chiếc xe công gắn biển số quân đội do nhiều tài xế “tự tung tự tác”, xem thường luật giao thông.
Những chiếc xe hơi công vụ gắn biển số quân đội hoặc biển số cảnh sát trong lúc không làm nhiệm vụ, thường xuyên vượt đèn đỏ, hụ còi để các xe khác nhường đường, thậm chí mượn danh gắn biển số quân đội để đổ xăng miễn phí... là những chuyện xảy ra thường ngày, và nạn buôn bán, làm giả biển số quân đội để hưởng đặc quyền tràn lan ở Trung Quốc, theo Reuters. 
Biển số quân đội của Trung Quốc, cũ (phải) và mới (trái) - Ảnh: Reuters
Biển số quân đội của Trung Quốc, cũ (phải) và mới (trái) - Ảnh: Reuters
Việc các quan chức Trung Quốc đi lại bằng những chiếc xe hơi đắt tiền nhập khẩu từ Đức, Mỹ và Nhật Bản (cả xe công và xe tư) với những biển số quân đội thể hiện rõ nạn tham nhũng ở Trung Quốc, khiến người dân nước này bức xúc, theo Reuters.
Chính vì thế, chính quyền Bắc Kinh hồi tháng 2/2013 đã ban hành một lệnh cấm "mềm", tức hạn chế việc mua sắm các xe hơi đắt tiền làm xe công.
Tân Hoa xã hồi tháng 6/2013 từng dẫn lời các nhà quan sát Trung Quốc nhận định rằng các chiến dịch "diệt hổ đập ruồi” tham nhũng ở nước này vẫn còn nhiều hạn chế, bởi vì ngoại trừ ông Bạc Hy Lai thì Bắc Kinh chỉ mới bắt giữ được những quan chức thuộc hạng "ruồi", chứ chưa bắt được "hổ". 
Theo Phúc Duy
Thanh niên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ