Trung Quốc: Nhà tù dùng triết lý Khổng Tử giáo huấn phạm nhân

GD&TĐ - Lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà tù ở Trung Quốc dùng những câu nói triết lý của Khổng Tử làm bài học răn dạy những phạm nhân.

Ngành giáo dục Trung Quốc đang tìm cách khôi phục lại Nho giáo
Ngành giáo dục Trung Quốc đang tìm cách khôi phục lại Nho giáo

Mới đây, lớp học đạo Khổng lần đầu tiên được tổ chức ở nhà tù Lỗ Trung, tỉnh Sơn Đông nhằm giáo huấn và cải tạo phạm nhân ở đây. Chương trình được Quỹ Khổng Tử Trung Quốc tài trợ. Ông Lâm Quốc Quân, phó cục quản lý nhà tù địa phương cho biết, nhà giam Lỗ Trung sẽ thử nghiệm một loạt biện pháp mới, trong đó có thiết kế lại phòng học và thư viện, đào tạo lại quản giáo nhằm giúp họ hướng dẫn các triết lý Khổng Tử cho tù nhân và cải thiện môi trường giam giữ.

Ông Lâm cho biết, lớp học khuyến khích giảng bài bằng cách thức truyền thống như viết tay, đọc các tác phẩm kinh điển và học đạo đức. Khổng Tử rất nổi tiếng trong văn hóa Trung Quốc, đặc biệt với câu nói: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân – cái gì mình không thích thì đừng làm cho người khác”.

Tăng vai trò Đạo Khổng trong văn hóa, giáo dục

Sau Đại hội 18 ĐCSTQ (12/2012), tình hình bắt đầu thay đổi. Tân Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước là Tập Cận Bình, một người rất yêu và coi trọng văn hóa truyền thống Trung Quốc, hiểu biết Quốc học, khi nói, viết thường vận dụng các từ ngữ cổ. Năm 2006 ông nói, tinh thần cốt lõi của Nho giáo là xã hội hài hòa.

Tháng 11/2013 ông Tập tọa đàm với Viện Nghiên cứu Khổng Tử tại Khúc Phụ, quê hương Đức Khổng. Dịp lễ hội Ngũ Tứ 2014, ông đến thăm nhà Quốc học lão thành Thang Nhất Giới tìm hiểu việc biên soạn sách “Nho Tàng” (Tổng tập các trước tác Nho giáo).

Ngày 24/9/2014, ông đến dự và phát biểu tại Hội thảo “Nho học với nền hòa bình và sự phát triển thế giới” nhân kỷ niệm 2565 năm sinh Khổng Tử. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất Trung Quốc tham dự hoạt động trên. Sự kiện chưa từng có này cho thấy ông Tập là nhà lãnh đạo Trung Quốc quan tâm nhất việc phục hồi Khổng Tử.

Phạm nhân ở nhà tù Lỗ Trung được dạy giáo lý Khổng Tử
Phạm nhân ở nhà tù Lỗ Trung được dạy giáo lý Khổng Tử

Chủ tịch Tập nói: Cần kế thừa nền văn hóa truyền thống của dân tộc, không được phủ nhận lịch sử, không quên lịch sử thì mới có thể mở ra tương lai, giỏi kế thừa thì mới giỏi sáng tạo, chỉ có kiên trì đi từ lịch sử tới tương lai thì mới có thể làm tốt sự nghiệp ngày nay.

Ông nhấn mạnh: Tư tưởng triết học phong phú, tinh thần nhân văn, tư tưởng giáo hóa, ý tưởng đạo đức của Văn hóa truyền thống ưu tú Trung Quốc có thể gợi ý hữu ích cho việc trị quốc.

Nho giáo là bộ phận quan trọng của văn hóa truyền thống Trung Quốc, có sức sống lâu dài. Một số người hiểu biết trên thế giới cho rằng văn hóa truyền thống ưu tú của Trung Quốc chứa đựng các gợi ý quan trọng giúp giải quyết những khó khăn của loài người hiện đại.

Như các tư tưởng Đạo pháp tự nhiên, thiên nhân hợp nhất, thiên hạ vi công, thế giới đại đồng… Cần kết hợp điều kiện thời đại để kế thừa và phát huy các tư tưởng đó. Phải kiên trì phát huy nhân tố tích cực, vứt bỏ nhân tố tiêu cực, không trọng xưa nhẹ nay, phải cố gắng chuyển hóa sáng tạo văn hóa truyền thống.

Nhà lãnh đạo nói, nghiên cứu Khổng Tử và Nho giáo là để hiểu đặc tính dân tộc của người Trung Quốc. Nên ứng xử một cách khoa học với văn hóa truyền thống, với văn hóa các nước khác, người cầm quyền cần hấp thu sức mạnh truyền thống, việc quản trị quốc gia cần có sự nâng đỡ của văn hóa.

Ngày 9/9/2014 khi đến thăm ĐH Sư phạm Bắc Kinh, nghe báo cáo nói ba môn ngữ văn, lịch sử và chính trị tư tưởng đã tích hợp làm một môn, ông phát biểu rất không tán thành việc sách giáo khoa loại bỏ các môn tản văn và thơ từ kinh điển cổ đại, ông nói như thế là “xóa bỏ nhân tố Trung Quốc”, là việc làm rất đáng buồn.

Chủ tịch Tập Cận Bình lên cầm quyền với lời hứa sẽ thực hiện Giấc mơ Trung Quốc, với mong muốn phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, mục tiêu đến năm 2021 phải xây dựng xong xã hội khá giả có mức sống cao gấp đôi năm 2010. Muốn thế phải tiến hành cải cách sâu rộng tất cả mọi lĩnh vực. Nhưng cải cách gặp nhiều trở lực, vì thế ông cần khôi phục văn hóa truyền thống, thực chất là khôi phục Nho giáo và nhà tù cũng cần tới điều này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.