Trước đây, ngôi trường từng có hơn 200 học sinh và 13 giáo viên nhưng nhiều học sinh đã chuyển lên thị trấn và các thành phố lân cận do cha mẹ làm ăn xa.
Là giáo viên duy nhất tại trường, thầy Li Jichuan, 58 tuổi, cho biết: Dù ít học sinh, nhà trường vẫn duy trì hoạt động để các em nhỏ có chỗ học. Tôi sẽ tiếp tục giảng dạy tại trường ngay cả khi trường chỉ còn một học sinh. Sau khi nghỉ hưu, tôi vẫn hy vọng được đóng góp cho nhà trường và các em học sinh miền núi.
Thầy Li đã làm việc tại trường hơn 20 năm. Thầy giáo dạy môn Tiếng Trung, Toán, Khoa học, Thể dục, Nghệ thuật và Âm nhạc. Ngoài công tác chuyên môn, thầy giáo còn nấu ăn cho học sinh.
Những vùng hẻo lánh tại Trung Quốc hiện nay vẫn còn phổ biến những ngôi trường chỉ có vài học sinh và giáo viên. Đơn cử, tại Trường Tiểu học Changxi, thuộc thành phố Trung Khánh, năm học 2021-2022 chỉ có 2 học sinh và 1 giáo viên 57 tuổi.
Học sinh nơi đây đều có hoàn cảnh khó khăn và ở với ông bà do cha mẹ đi làm ăn xa. Bởi vậy, giáo viên thường thay cha mẹ chăm sóc và nuôi nấng các em.
Những năm qua, ngành giáo dục Trung Quốc đã có nhiều chính sách hỗ trợ giáo dục vùng cao như hỗ trợ kinh phí; dồn điểm trường; vận động giáo viên trẻ, tình nguyện viên lên vùng cao làm việc… Số điểm trường ít học sinh ngày càng được thu hẹp, chất lượng giáo dục vùng núi cũng được nâng cao.