Trung Quốc mở trường nhánh “khủng” ở nước ngoài

GD&TĐ - Trong chiến lược đưa xuất khẩu giáo dục trở thành một “sức mạnh mềm”, Trung Quốc vừa thu hút du học sinh nước ngoài đến Trung Quốc học tập, vừa mở nhiều trường nhánh ở nước ngoài. Đặc biệt Trung Quốc đã bắt đầu mở trường nhánh quy mô rất lớn nhằm cạnh tranh cả với các trường nhánh ĐH phương Tây…

Trung Quốc mở trường nhánh “khủng” ở nước ngoài

Bê nguyên mẫu trường mẹ ra nước ngoài

Nguyên gốc Trường Đại học Hạ Môn tại Trung Quốc có khu phòng học nằm gần một quả đồi xanh mướt và hồ nước xanh biếc. Vì thế, khi ngôi trường công lập này nằm trong kế hoạch xây trường nhánh dạng “khủng” đầu tiên của một trường ĐH Trung Quốc ở nước ngoài, việc đầu tiên là tìm kiếm một quả đồi và đào hồ nước sát bên. “Chúng tôi muốn giữ được khung cảnh gốc giống như trường mẹ bởi đó là một phần văn hoá và truyền thống” – Wang Ruifang, Hiệu trưởng ĐH Hạ Môn Malaysia (XMU) chia sẻ - “Chúng tôi muốn mang lại cho sinh viên một không gian thấm đẫm tinh thần của trường mẹ”.

Hiện tại công nhân vẫn đang đào xung quanh hồ nước mới khi dự án tham vọng trị giá 300 triệu USD tiếp tục chuyển đổi 607.000 m2 đất trồng cọ và nuôi bò thành một trung tâm giáo dục hiện đại, khi hoàn thành có bể bơi và cụm sân tennis.

Việc xây trường nhánh quy mô rất lớn như trên nằm trong chiến lược mới nhất của Trung Quốc – xây dựng một trường đại học quốc tế có đủ khả năng cạnh tranh với các phân trường của các ĐH Mỹ, Anh và Australia. Lứa sinh viên đầu tiên của XMU Malaysia đang hướng tới giai đoạn tốt nghiệp.

Yu Heng Yuen, sinh viên tài chính 20 tuổi, cho biết: “Vào học trường này là ý tưởng của cha tôi. Hạ Môn là một trường ĐH nổi tiếng Trung Quốc và tôi nhận thấy lợi thế khi tốt nghiệp XMU có thể tìm việc cả ở Trung Quốc hay Malaysia và nếu tốt hơn là Singapore”.

Giống như hầu hết sinh viên của trường, Yu Heng là người Malaysia gốc Trung Quốc – đã học tại các trường dạy tiếng Trung ở Malaysia. Trong 1.900 sinh viên hiện tại, cũng có 440 sinh viên đến từ Trung Quốc.

Sinh viên học bằng tiếng Anh và giao tiếp hầu hết bằng tiếng Trung. Hiện nay, Malay – ngôn ngữ mà khoảng 60% người dân Malaysia nói – chỉ được sử dụng chủ yếu bởi nhân viên làm việc trong các quầy bán hàng tiện lợi và quầy ăn sinh viên. Tuy nhiên, lãnh đạo trường hy vọng qua thời gian sẽ thu hút được nhiều sinh viên Malaysia hơn.

Mở hàng loạt trường nhánh

Theo Xiong Bingqi, giảng viên Đại học Jiaotong, Thượng Hải, các trường đại học Trung Quốc đã mở nhiều trường nhánh ở nước ngoài – nhưng phần lớn là quy mô nhỏ - trong vài năm qua.

Trường đầu tiên loại này là Đại học Soochow tại thủ đô Vientiane (Lào) – mở cửa năm 2012. Còn Đại học Tongji, Thượng Hải, cắt băng khánh thành một trường nhánh nhỏ tại Florence, Italy, năm 2014 – cung cấp các khoá học ngắn hạn ở các môn như nghệ thuật, thiết kế, kiến trúc và thời trang.

Đầu năm nay, một trong những trường đại học hàng đầu Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh, công bố đã mua một dinh thự tại Oxford (Anh) và sẽ mở trường nhánh của Trường Thương mại HSBC tại đây năm 2018.

Xiong nhìn nhận dự án tại Malaysia nằm trong chiến lược “vươn ra thế giới” của Bắc Kinh. “Với việc mở các trường nhánh tại nước ngoài, các trường ĐH này hy vọng tăng cường ảnh hưởng ở nước ngoài và cạnh tranh trên thị trường GD đại học quốc tế. Và chính phủ nghĩ rằng đây là biện pháp tốt để xuất khẩu sức mạnh mềm” – Xiong, cũng là Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu GD thế kỉ 21 của Trung Quốc, phân tích.

Xiong hy vọng sự hiện diện của các trường ĐH Trung Quốc ở nước ngoài có thể giúp tăng tốc cải cách hệ thống GD quốc nội khi các trường Trung Quốc học hỏi được từ những đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Tuy nhiên, Xiong cũng bày tỏ lo ngại nhiều trường nhánh không duy trì được tài chính để thực hiện các chương trình đào tạo chất lượng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ