Tuy nhiên, hệ quả đi kèm là số ca nạo thai và mắc bệnh truyền nhiễm tăng cao trong trường học. Câu hỏi làm sao giáo dục trẻ tốt nhất về chủ đề này trở thành mối quan tâm lớn của xã hội. Gần đây, phụ huynh được kêu gọi đóng góp vai trò tích cực hơn trong việc này.
Phụ huynh cảm thấy “khó nói”
Chủ đề liên quan tới giới tính, tình dục, không còn cấm kị tại Trung Quốc nữa, tuy nhiên, nhiều phụ huynh Trung Quốc vẫn khó xử khi đề cập tới giáo dục giới tính tại nhà.
Trong một lớp giáo dục tình dục dành cho phụ huynh tại Đô Giang Yến, tỉnh Tứ Xuyên phía Tây Nam Trung Quốc, một bà mẹ chia sẻ rằng cảm thấy xấu hổ khi trò chuyện với con trai về giới tính và tình dục.
Bà mẹ này kể: “Con trai tôi luôn hỏi tôi “Con chui ra từ đâu”, tôi chỉ trả lời thằng bé được là con đã trải qua 10 tháng trong bụng mẹ trước khi bác sĩ lấy con ra. Nó lại hỏi: Làm sao con chui vào bụng mẹ được? Mẹ nuốt con à? Tôi phải nói rằng bố con đưa con vào đó. Câu hỏi tiếp theo của thằng bé là: “Bố tìm thấy con ở đâu và làm sao bố đặt con vào trong cơ thể mẹ được?”. Tôi không biết giải thích thế nào với nó. Rồi còn vô số câu hỏi kiểu như: “Tại sao bố và con có thể tiểu tiện đứng còn mẹ phải ngồi”, chồng tôi chỉ lấp liếm: “Ồ, con trai, đó chỉ là quy định quốc gia”.
Trả lời những câu hỏi của trẻ chưa đến tuổi dậy thì luôn khiến nhiều phụ huynh Trung Quốc cảm thấy ngại ngùng do nền tảng văn hoá truyền thống phương Đông. Theo Tiến sĩ Chen Zhongdan, tư vấn viên truyền thông của UNAIDS, phụ huynh đóng vai trò thiết yếu trong đẩy mạnh giáo dục sức khoẻ tình dục tại Trung Quốc cũng như xây dựng một xã hội khoan dung, bình đẳng và cởi mở hơn.
Kêu gọi phụ huynh vào cuộc
Thống kê gần đây nhất cho thấy trong những người mới nhiễm HIV/AIDS, 94% là do lây truyền qua đường tình dục. Dị tính chiếm khoảng 67% trường hợp trong khi đồng tính chiếm 27% - và tỉ lệ này đang tăng lên tại những thành phố lớn và trung bình.
Zhang Yinjun, đồng sáng lập Dự án Ngăn ngừa và Giáo dục AIDS cho giới trẻ Trung Quốc (APEPCY), cho rằng: “Giáo dục tình dục nên đề cập tới mọi khía cạnh của chủ đề, bao gồm trách nhiệm tình dục, ý thức giới tính, văn hoá tình dục và sức khoẻ tình dục. Điều này giúp bảo vệ tránh lây truyền bệnh qua đường tình dục. Giải quyết những vấn đề như nạo phá thai ở vị thành niên, lạm dụng tình dục và những vấn đề liên quan tới cảm xúc khác – cũng là công việc của chúng tôi”.
Bắt đầu từ năm 2006, APEPCY đã phối hợp với các trường học địa phương mở các lớp học ngăn ngừa AIDS và giáo dục tình dục nhắm vào các nhóm đối tượng khác nhau gồm học sinh ở các nhóm tuổi, phụ huynh và giáo viên. Zhang Yinjun cho biết, một trong những thành công của họ là đã nhấn mạnh cho phụ huynh biết về tầm quan trọng của giáo dục tình dục và ngày càng nhiều phụ huynh nhận thức được về hiệu quả mà nó mang lại. Tuy nhiên cũng theo Zhang thì giáo dục tình dục tại Trung Quốc vẫn ở giai đoạn rất manh nha, nhưng tương lai có thể sáng sủa hơn nếu thêm nhiều phụ huynh có thể phối hợp cùng nhà trường trong công việc này.