Trung Quốc đang làm cho tình hình Biển Đông trở nên nghiêm trọng hơn

Trung Quốc đang làm cho tình hình Biển Đông trở nên nghiêm trọng hơn

Cách đây không lâu, Bộ Dân chính Trung Quốc đã công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” đối với hàng chục hòn đảo và bãi cạn ở Biển Đông, bao gồm thực thể nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời Trung Quốc công bố cái gọi là “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa” thuộc “thành phố Tam Sa” để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tiếp đó, ngày 1/5, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá thường niên ở phía bắc Biển Đông, bao gồm một phần của vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa.

Những hành động liên tiếp của Trung Quốc đã và đang gây thêm căng thẳng tình hình Biển Đông, gây quan ngại lớn trong giới chuyên gia và học giả quốc tế. Để tìm hiểu rõ hơn, Phóng viên VOV thường trú tại Liên bang Nga đã phỏng vấn với Luật sư Alexander Molotnikov – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp lý châu Á, Trường Đại học tổng hợp quốc gia Lomonosov (MGU), Liên bang Nga.

PV: Thưa ông, trung tuần tháng 4 vừa qua, Bộ Dân chính Trung Quốc đã công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” đối với hàng chục hòn đảo và bãi cạn ở Biển Đông, bao gồm thực thể nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời Trung Quốc công bố cái gọi là “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa” thuộc “thành phố Tam Sa” để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông có bình luận gì về động thái này của Trung Quốc?

Luật sư Alexander Molotnikov: Theo tôi, những gì đang xảy ra cho thấy rằng một trong các bên, trong trường hợp này là Trung Quốc - đang cố gắng làm tình hình căng thẳng hơn, bởi vì mọi người đều hiểu rằng trên toàn cầu đang tồn tại một số lượng lớn các tình huống có khả năng xung đột như vậy liên quan đến vấn đề lãnh thổ chủ quyền... Khi một trong các bên cố gắng thiết lập tên gọi cụ thể cho một số vùng lãnh thổ nhất định, thậm chí thiết lập các cấu trúc quản lý hành chính của đất nước, điều đó có nghĩa là một cuộc xung đột đang bùng phát. Trong trường hợp này, tất nhiên, đây không thể nói là một bước đi tích cực. Rõ ràng, phía Trung Quốc đang làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

Trường hợp này gọi nhớ đến những vấn đề liên quan đến tranh chấp các đảo giữa Argentina và Anh (Anh gọi là quần đảo Falkland, còn Argentina gọi là quần đảo Malvinas). Mỗi nước gọi tên theo cách riêng của mình và điều này dẫn đến hậu quả không mấy khả quan.

PV: Ngày 1/5, Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở phía bắc Biển Đông, bao gồm một phần của vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa. Lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực vào ngày 1/5 và sẽ kéo dài đến ngày 16/8/2020. Ông có nhận định gì về động thái này?

Luật sư Alexander Molotnikov: Theo tôi, động thái này của Trung Quốc không cho thấy mong muốn để có được giải pháp tích cực cho cuộc xung đột. Trong khi việc đánh bắt cá đang được thực hiện một cách bình thường, thì đột nhiên chính phủ của một quốc gia khác đưa ra lệnh cấm và cũng không công bố chi tiết nội dung của lệnh cấm này. Tất nhiên, nhiều ngư dân cũng như những người bình thường khác sẽ không hiểu, không xác định được vùng lãnh thổ này có xung đột hay không. Họ chỉ đi ra ngư trường truyền thống của họ. Nhiều người trong số họ, hoàn toàn có thể không biết rằng Trung Quốc áp đặt lệnh cấm như vậy.

Có thể hình dung một tình huống khi ngư dân đi thuyền đến vùng lãnh thổ mà họ không biết về thực tế là một quốc gia khác đã thiết lập các quy tắc mới. Trong khi đó, lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc hành động theo các quy tắc mà họ tự thiết lập, sau đó thông báo cho ngư dân rằng họ bị phạt vì vi phạm và như vậy mâu thuẫn sẽ nảy sinh. Chúng tôi thấy rằng tình huống như vậy bằng cách này hay cách khác làm gia tăng khả năng xung đột ở vùng biển này.

PV: Theo Luật sư, tại sao Trung Quốc thực hiện các hành động gây bất ổn ở Biển Đông vào thời điểm này khi cả thế giới đang phải đối phó với đại dịch Covid-19 bùng phát? 

Luật sư Alexander Molotnikov: Nếu chỉ nhìn vào tình huống này, chúng ta không thể nói chính xác cách tiếp cận vấn đề của chính quyền Trung Quốc, nhưng có thể dịch Covid-19 là một trong những động lực để đưa ra quyết định như vậy, nhất là khi cả cộng đồng thế giới bị phân tâm bởi những vấn đề liên quan đến virus SARS-CoV-2, và rõ ràng là những gì đang diễn ra ở Biển Đông sẽ không thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng quốc tế.

Tất nhiên, tôi không nghĩ rằng đây là yếu tố thúc đẩy chính, nhưng có thể thấy rằng điều này đã được tính đến khi cả cộng đồng thế giới hiện đang tập trung vào các vấn đề khác. Cả thế giới hiện đang phải vật lộn với một đại dịch và họ sẽ không quan tâm tới vấn đề liên quan đến các hòn đảo ở vùng biển nào đó.

PV: Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần làm gì trong trường hợp này, thưa ông? 

Luật sư Alexander Molotnikov: Vấn đề ở đây ảnh hưởng đến một số lượng lớn các quốc gia. Chúng ta cũng phải hiểu rằng đây không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và Việt Nam, nghĩa là còn nhiều quốc gia nằm trong khu vực Biển Đông và quan tâm đến giải pháp tích cực cho vấn đề này. Về mặt pháp lý, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc tham gia là văn bản pháp lý quan trọng để giải quyết vấn đề này.

Theo tôi, trong mọi trường hợp, tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết bằng luật pháp quốc tế phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Viển năm 1982. Ở đây cần phải giải quyết các vấn đề bằng các biện pháp pháp lý. Chúng ta nhận thức rõ rằng Biển Đông là vùng biển quan trọng với nhiều quốc gia và bất kỳ cuộc xung đột nào, thậm chí là xung đột quân sự cũng có thể dẫn đến hậu quả rất đáng buồn.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Theo vov.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ