Trung Đông nóng rẫy

GD&TĐ - Pakistan tấn công các mục tiêu nằm trên đất Iran, trong bối cảnh Iran cũng mới phóng tên lửa tới các mục tiêu trên đất Pakistan, Iraq và Syria.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Ngày 18/1, Pakistan tấn công các mục tiêu nằm trên đất Iran, trong bối cảnh Iran cũng mới phóng tên lửa tới các mục tiêu trên đất Pakistan, Iraq và Syria, trong khi cuộc chiến Israel và Hamas vẫn đang tiếp diễn.

Những diễn biến mới này đang dần hiện thực hóa mối lo ngại chiến tranh lan rộng tại Trung Đông. Nguy cơ này còn đang được “bồi” thêm bằng chiến dịch tấn công các mục tiêu của lực lượng Houthi tại Yemen của liên quân Anh – Mỹ và các đòn đáp trả của Houthi vào các tàu phương Tây lưu thông trên Biển Đỏ.

Diễn biến gây chú ý nhất hiện nay chính là việc hai nước láng giềng Pakistan và Iran đang “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau, có thể đẩy Islamabad và Tehran vào một cuộc chiến. Động thái không kích tên lửa của Pakistan vào đất Iran diễn ra sau các phản ứng ngoại giao và nhằm đáp trả cuộc tấn công trước đó của Iran.

Căng thẳng song phương từ lâu đã âm ỉ dọc đường biên giới dài 900 km giữa Pakistan và Iran. Trung tâm của căng thẳng là nhóm vũ trang Hồi giáo Jaish al-Adl ở tỉnh Balochistan của Pakistan và nhóm ly khai Baloch ở tỉnh Sistan-Baluchistan của Iran. Iran nhiều lần cáo buộc Pakistan đã không đủ mạnh tay trấn áp nhóm Jaish al-Adl, khiến an ninh của Iran bị đe dọa.

Do đó, hôm 16/1, Iran đã phát động cuộc tấn công nhóm Jaish al-Adl nằm trên đất tỉnh Balochistan của Pakistan. Hai ngày sau thì Pakistan đáp trả bằng cách tiến hành không kích một ngôi làng ở tỉnh biên giới Sistan-Baluchistan của Iran khiến 7 người thiệt mạng.

Trước đây, cả Iran và Pakistan đều cáo buộc lẫn nhau dung túng cho hai nhóm phiến quân Jaish al-Adl và Baloch hoạt động trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, hiếm khi quân đội chính quy hai nước này can thiệp, do đó việc cả Iran và Pakistan đều bắn tên lửa qua lại những ngày qua là dấu hiệu leo thang nghiêm trọng.

Ngày 18/1, Iran còn bắt đầu cuộc tập trận phòng không thường niên có quy mô kéo dài từ cảng Chabahar gần Pakistan đến khắp khu vực giáp biên giới Iraq. Cuộc tập trận mang tên Velayat 1404 này của Iran bao gồm hoạt động bắn đạn thật từ máy bay, phóng tên lửa từ máy bay không người lái và các vụ bắn tên lửa của lực lượng phòng không.

Bầu không khí căng thẳng còn được nhen nhóm từ trước đó ít ngày, khi Iran lần đầu tiên thực hiện một vụ tập kích bằng tên lửa tầm xa chưa từng thấy. Cụ thể là ngày 15/1, Iran đã phóng 4 quả tên lửa đạn đạo tầm trung Kheibar Shekan nhằm vào các cơ sở của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) nằm tại Idlib, Syria nằm cách xa gần 1.300 km.

Giới phân tích cho rằng, ngoại việc trả đũa các vụ đánh bom tự sát của IS, việc Iran phóng tên lửa đạn đạo còn nhằm phát đi tín hiệu cảnh báo Israel rằng họ có khả năng tập kích chính xác các mục tiêu ở tầm xa. Cùng thời điểm này, Iran còn không kích một cơ sở bí mật ở Irbil, thủ phủ của khu bán tự trị phía Bắc Iraq do người Kurd kiểm soát, với cáo buộc đây là cơ sở thu thập thông tin tình báo của Israel.

Iran không công nhận nhà nước Israel và luôn ủng hộ các tổ chức vũ trang chống lại nhà nước này như Hamas ở Dải Gaza, Hezbollah ở Nam Li băng và Houthi ở Yemen.

Do đó, các động thái tập kích mới đây của Iran vào các mục tiêu ở Syria và Iraq được coi là đáng chú ý hơn cả vụ tập kích vào đất Pakistan, vì quốc tế từ lâu đã lo ngại xung đột nổ ra giữa hai nước thù địch Iran và Israel.

Trong bối cảnh cuộc chiến khốc liệt giữa Israel và Hamas còn chưa kết thúc, những diễn biến mới liên quan đến Iran và Pakistan đang đẩy tình hình chính trị khu vực Trung Đông vào tình trạng căng thẳng chưa từng thấy trong nhiều năm qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.